THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:58

Tài nữ Ngọc Cần: Quyến rũ tiếng đàn kìm

 

Không chỉ sinh ra và lớn lên ở quê hương của bản “Dạ cổ hoài lang” bất hủ, mà Ngọc Cần còn có may mắn là sinh ra trong một gia đình có truyền thống 4 đời đam mê đờn ca tài tử. Những ngón đàn cùng tố chất lãng mạn, tài hoa của người tài tử dường như được lưu truyền và khơi nguồn đam mê cháy bỏng trong trái tim Ngọc Cần ngay từ thuở ấu thơ. Tuy là nữ nhi, nhưng ngay từ nhỏ, mỗi lần nghe cha đàn là Ngọc Cần lại chăm chú lắng nghe và mê cây đàn kìm một cách kỳ lạ. Trong ban nhạc đờn ca tài tử từ xưa tới nay, cây đàn kìm vốn là cây đàn dành cho đấng nam nhi, nên được gọi là “quân tử cầm”, nên chưa một nữ nhi nào theo cây đàn này.

Tài nữ ngọc Cần gắn bó với cây đàn kim và nghiệp cầm ca như một định mệnh và không nghĩ tới chuyện riêng tư.

 

Thấy cô con gái cứ mê mẩn cây đàn và tỏ ra có năng khiếu bẩm sinh, nên nghệ nhân Sáu Trọng đã quyết định truyền dạy cho Ngọc Cần những ngón đàn kìm của mình. Được sự truyền dạy trực tiếp của người cha, Ngọc Cần nhập tâm rất nhanh, thẩm âm rất nhạy và có trí nhớ rất tuyệt vời. Chính vì thế năm lên 9 tuổi Ngọc Cần đã biết đàn một cách thuần thục hầu hết các bản Tổ của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ.

Đôi khi không gian biểu diễn của tài nữ Ngọc Cần chỉ là so dây cùng người cha phục vụ một đám tiệc thôi nôi, một đám cưới hỏi, một cuộc nhậu bình dân tổ chức tại gia, nhưng dù ở đâu tiếng đàn kìm của chị cũng nồng nàm và quyến rũ

 

Năm 16 tuổi, tại cuộc thi độc tấu đờn ca tài tử, do Đài Tiếng nói Nhân Dân TP.Hồ Chí Minh tổ chức, Ngọc Cần xuất thần đàn một cách điêu luyện, mê đắm 20 bản Tổ, chinh phục Ban giám khảo và khán giả suốt 45 phút diễn tấu và đoạt giải đặc biệt dành cho thí sinh nhỏ tuổi nhất. Từ giải thưởng này đã khích lệ thêm niềm đam mề, sự tự tin và quyết tâm đeo đuổi đến cùng loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử một cách chuyên nghiệp của Ngọc Cần. Khát vọng của Ngọc Cần đã thành hiện thực, khi được tỉnh Minh Hải mời về đầu quân ở Đoàn cải lương Hương Tràm. Sau khi tỉnh Minh Hai chia tách thành tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, Ngọc Cần về Đoàn cải lương Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), trở thành cây đàn chủ lục, linh hồn của ban nhạc. Từ đây tài năng và ngón đàn điêu luyện của Ngọc Cần càng có cơ hội thăng hoa. Năm 2008, tại cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, do Bộ Văn hóaThể thaoDu lịch tổ chức, Ngọc Cần là người duy nhất ở khu vực Tây Nam bộ đoạt giải độc tấu hay nhất bản “Dạ cổ hoài lang” của cố soạn giả Cao Văn Lầu. Nghe Ngọc Cầm đàn, nhiều soạn giả danh tiếng nhận xét, đây là tiếng đàn vừa nắn nót, vừa điêu luyện, đàn từ trong tâm hồn đàn ra.

Tài nữ Ngọc Cần cùng ban nhạc đờn ca tài tử Bạc Liêu biểu diễn trên thuyền phục vụ đồng bào khắp miền sông nước Tây Nam bộ

 

Khi nhắc đến Ngọc Cần, từ các soạn giả đến khán giả yêu thích đờn ca tài tử không chỉ ở Bạc Liêu, mà khắp vùng Tây Nam bộ đều dành cho chị sự trân trọng và gọi là tài nữ “quân tử cầm” độc nhất vô nhị. Nhiều bậc cao niên trong giới đờn ca tài tử ở Bạc Liêu cho rằng, chính tài nữ Ngọc Cần là người đã làm thay đổi định kiến của nhiều người trong giới về cây đàn kìm. Khi nghe Ngọc Cần đàn những bản “Tứ đại oán”, hay “Dạ cổ hoài lang”, nhiều người mới cảm thấy quan niệm và định kiến về cây đàn kìm, vốn chỉ dành cho đấng nam nhi là cổ hủ. Chỉ với hai bản đàn này thôi, tài nữ Ngọc Cần đã xứng đáng là một danh cầm vượt xa nhiều đấng nam nhi trong làng đờn ca tài tử Nam bộ. Hơn 30 tuổi đời, nhưng tài nữ Ngọc Cần đã có hơn 20 năm gắp bó với nghiệp cầm ca và là nữ nhạc công duy nhất của Đoàn cải lương Cao Văn Lầu. Hơn 20 năm qua cây đàn kìm là tri âm, tri kỷ của đời chị và theo chị có mặt khắp vùng sông nước miền Tây Nam bộ phục vụ khán giả yêu thích đờn ca tài tử. Trong chị lúc nào cũng cháy bỏng một tình yêu nồng nàn, mê đắm với cây đàn và sẵn sàng ngồi đàn hàng giờ đồng hồ để thỏa mãn sự yêu thích của người nghe.

Tài nữ Ngọc Cần cùng ban nhạc đờn ca tài tử Bạc Liêu biểu diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước tại các nhà hàng, khách sạn 

 

Không gian diễn tấu của chị nhiều khi chỉ là một đám tiệc thôi nôi, đám cưới hỏi, sinh nhật, mừng thọ và thậm là một cuộc nhậu bình dân. Nhưng, dù vậy chị vẫn cháy hết mình để thăng hoa với cây đàn kìm qua những bản nhạc, lời ca làm xao xuyến lòng người nghe như bắc, hạ, nam, oán, vọng cổ…Đời tài tử là vậy, được đàn ca là thỏa mãn thú đam mê của mình rồi. Đàn hát ở đình, chùa hay đám cưới, hỏi cũng cốt để người đàn, người hát và người nghe cùng cảm xúc, cùng thăng hoa là được. Chị yêu cây đàn, mê cây đàn đến mức cho tới bây giờ chưa dám nghĩ đến chuyện riêng tư, vì chị sợ vướng bận gia đình rồi không còn thời gian đi đàn, hát sẽ rất buồn. ./.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh