Tai nạn lao động không chừa ngư dân: Đoàn kết để cứu mình
- Bài thuốc hay
- 23:12 - 04/12/2018
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực 4, nhận định lao động trên biển là loại lao động nặng nhọc và thường xuyên đối mặt với nhiều rủi ro. Ngư dân phải làm việc ngoài trời trong thời gian dài, từ 15-30 giờ/ngày, chịu tác động trực tiếp của nắng, gió, nước biển.
Làm giàu nhờ "đi chùm"
Dù lao động trong môi trường khắc nghiệt như vậy nhưng ngư dân thường rất chủ quan, phần lớn dựa vào kinh nghiệm. Chẳng hạn như đa phần không sử dụng áo phao dù đây là tư trang bảo hộ lao động; tàu cá không có nhà vệ sinh, ngư dân thường ra be tàu vệ sinh cá nhân nên trượt chân té xuống biển, mất tích...
"Thời gian qua, các địa phương, ngành liên quan đã nhiều lần quán triệt, tập huấn về bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản, song ngư dân vẫn chủ quan khiến tai nạn xảy ra. Hơn nữa, vì sinh kế, các tàu cá lại thường tìm cách tách xa nhau để tìm luồng cá nên khi bị nạn dù có thông báo cũng không kịp ứng cứu. Các ngư dân làm việc trên tàu theo kiểu cha truyền con nối nên thiếu kiến thức về an toàn lao động, lúc xảy ra tai nạn thì xử lý lúng túng" - ông Bình chỉ ra nguyên nhân.
Ngư dân thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) Ảnh: QUANG NHẬT
Để bám biển mưu sinh, hạn chế thấp nhất những rủi ro, ngư dân ở Thừa Thiên - Huế đã thành lập nhiều tổ đội đoàn kết để giúp nhau mỗi khi hoạn nạn trong khi đợi cứu hộ từ đất liền.
Toàn thôn Đông Hải, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 35 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, công suất từ 160-450 CV. Để có đủ số lượng bạn chài cùng bám biển dài ngày, ngoài lực lượng thanh niên quê Lộc Trì làm chủ lực, các chủ tàu Đông Hải phải thuê các bạn chài từ địa phương khác.
Ngư dân Đông Hải giàu lên là nhờ các chủ tàu vừa bám biển dài ngày vừa phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá để cung cấp xăng dầu, thức ăn, nước đá ngay trên biển. "Chúng tôi chia ra thành 2 đội sản xuất luân phiên vừa đánh cá vừa chạy vào đất liền để vận chuyển xăng, đá... Đi biển chúng tôi đối mặt với vô vàn hiểm nguy rình rập, nếu không nương tựa vào nhau thì mỗi chuyến bám biển sợ không hoàn đủ vốn" - ngư dân Trần Lượng nói.
Một yếu tố dẫn đến thành công từ nghề biển ở thôn Đông Hải và toàn xã Lộc Trì đó là các chủ tàu đã chủ động đầu tư những chiếc máy tầm ngư, máy bộ đàm và nhất là sáng kiến "đi chùm". Khi tàu bạn gặp rủi ro trên biển thì các tàu khác sẽ có trách nhiệm lai dắt vào bờ. Tàu nào trong tổ không lai dắt phải góp vài trăm ngàn đồng để làm "phí trợ giúp ngư dân" cho tàu khác mua dầu kéo vào. Các chủ tàu trong chuyến ra khơi đó trúng đậm, tùy lòng hảo tâm hỗ trợ cho tàu gặp nạn từ 1-2 triệu đồng để bù vào chi phí tiền đá, nhiên liệu.
Ông Trần Thái, một ngư dân ở thôn Đông Hải, vẫn nhớ như in chuyện con tàu của mình bị chìm giữa biển khơi vào tháng 9-2012. Ông kể khi đó trên tàu có 6 ngư dân cùng với nhiều tấn cá đánh bắt được. "Khi đó, chúng tôi phát hiện tàu cá có khả năng chìm nên thông báo qua bộ đàm để các tàu bạn đến ứng cứu. May mắn lúc đó có một tàu hậu cần trong thôn đã bắt được tín hiệu nên kịp thời cứu hộ chúng tôi vào bờ an toàn" - ông Thái kể.
Hoạn nạn có nhau
Tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, có đến hơn 400 tàu đánh bắt xa bờ. Nhằm tương trợ nhau, các chi hội nghề cá cũng đã thành lập các tổ đoàn kết bám biển.
Ông Lê Văn Giáp, một ngư dân ở tổ dân phố Tân Bình, nói rằng nếu không có sự giúp đỡ của những người bạn ngư dân trong tổ đội thì vụ tai nạn trên biển của tàu ông năm 2012 đã có nhiều người chết.
Vào một buổi tối giữa tháng 10-2012, khi tàu cá TTH-94122 của ông Giáp đang đánh cá tại vị trí biển Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) thì bất ngờ bị một tàu hàng đâm trúng. Chiếc tàu chìm dần xuống biển, 6 ngư dân trên tàu ông Giáp người bị thương, kẻ bị đánh rớt xuống nước nhưng may mắn được những tàu khác trong tổ đội đánh cá cứu vớt.
Sau khi nhận được thông tin, tàu cá của 4 cha con ông Trần Văn Mâu (trú ở Thuận An) nhanh chóng đuổi theo chiếc tàu hàng hơn 60 hải lý trong nhiều giờ đồng hồ để thông báo cho cơ quan chức năng bắt giữ. Ông Giáp nói rằng nếu như không có sự kịp thời, nhanh nhẹn của những người bạn ngư dân thì ông và các bạn thuyền khác sẽ gặp nguy hiểm, mất hết tài sản.
Sau vụ tai nạn đó, ông Giáp được đền bù một khoản tiền đủ để mua lại chiếc tàu cá mới. Bên cạnh đó, ông còn được đóng tàu cá theo Nghị định 67 nên hiện làm chủ 2 chiếc tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá. "Chi hội nghề cá của chúng tôi gồm 30 tàu hành nghề dịch vụ hậu cần. Chúng tôi được chia ra 4 tổ đội để cùng nhau giúp đỡ mỗi lần ra khơi" - ông Giáp cho biết.
Tại thị trấn Thuận An hiện còn có CLB Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển với 29 thành viên từ 25-35 tuổi của 10 tàu cá. Ngư dân Trần Văn Cường, chủ nhiệm CLB, cho biết cứ vài tháng, các thành viên lại tổ chức sinh hoạt một lần để thăm hỏi nhau, đưa ra các kế hoạch, ý tưởng cũng như trang bị các kỹ năng cứu hộ cứu nạn cho những chuyến biển sắp tới. Kinh phí mỗi thuyền viên đóng từ 30.000-50.000 đồng/tháng dùng để duy trì hoạt động của CLB trong công tác thăm hỏi nhau khi ốm đau, bệnh tật.
Thí điểm thiết bị quản lý tàu thuyền Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhằm quản lý và kịp thời ứng cứu các ngư dân trên biển, mới đây, địa phương này đã phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên - Huế (VNPT) tổ chức lắp đặt thí điểm thiết bị quản lý tàu thuyền VNPT-VSS đối với tàu cá xa bờ. VNPT-VSS là thiết bị giúp ngư dân cập nhật hành trình đánh bắt, tọa độ, gọi điện thoại, tin nhắn, phát thông báo khẩn cấp nhằm đáp ứng thông tin liên lạc, hỗ trợ tích cực cho công tác phòng chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ và xử lý tranh chấp phạm vi lãnh hải. |