CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:18

Tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp - phòng và tránh như thế nào?

 

 

Đối với doanh nghiệp

Quan tâm đến người lao động chính là động lực để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, chính vì vậy ngoài việc đảm bảo an toàn cho người lao động và các thiết bị máy móc sản xuất, các doanh nghiệp cần phải nắm vững về các quy định về an toàn lao động.

Theo khảo sát, hiện nay có 4 lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn lao động (TNLĐ) chết người là xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp và công trình giao thông; khai thác than; sản xuất vật liệu xây dựng; cơ khí chế tạo; xây dựng; lắp đặt, sửa chữa và sử dụng điện… Đây là những nhóm ngành có yêu cầu nghiêm ngặt khi sử dụng con người và các thiết bị trong lao động, sản xuất.

Tại Mục 3, Chương IX, Bộ luật Lao động 2012 có ghi chi tiết, theo đó các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bao gồm: Kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; Xây dựng kế hoạch an toàn lao động, vệ sinh lao động; Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động; Huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động; Nâng cao lượng thông tin về an toàn lao động, vệ sinh lao động; Chăm sóc sức khỏe cho người lao động…

Các doanh nghiệp khi sử dụng các loại máy móc, thiết bị, vật tư sử dụng trong lao động sản xuất điều phải tuân thủ các các quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Phải kiểm định trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng . Bởi lẽ, việc đảm bảo an toàn hoạt động của các loại máy, thiết bị vật tư không chỉ đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho chính người lao động mà còn đảm bảo môi trường lao động an toàn, đặc biệt là các công trình xây dựng ở trên cao hoặc dưới lòng đất.

Tất cả các đơn vị sử dụng lao động hàng năm, đều phải xây dựng kế hoạch, biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động cùng thời gian xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Điều này giúp nâng cao ý thức cảnh giác của người sử dụng lao động và người lao động trong việc phòng tránh tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ và vừa, đầu tư về công nghệ, thiết bị có nhiều hạn chế và khó khăn hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác, tuy nhiên không vì thế mà công tác bảo hộ lao động của các đơn vị không được chú trọng. Với thói quen của không ít doanh nghiệp nhỏ là chỉ khi xảy ra các rủi ro thì mới tìm cách xử lý, giải quyết mà không có thói quen chủ động phòng ngừa ngay từ đầu.

Ngoài ra, cần hỗ trợ duy trì sự hoạt động của hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp đã được tư vấn xây dựng, thường xuyên cải tiến hệ thống cho phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từng bước đưa công tác an toàn vệ sinh lao động nói chung, hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động nói riêng thành văn hóa, chuyên nghiệp và hiệu quả. Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động cần phải có các chương trình tập huấn, phổ biến các kiến thức về an toàn lao động và phòng chống cháy nổ trong lao động, sản xuất.

Đảm bảo an toàn lao động sẽ giúp người lao động tại các doanh nghiệp thực sự yên tâm lao động, sản xuất để mang lại lợi nhuận và đảm bảo an toàn cho bản thân trong khi làm việc.

 

 

Đối với người lao động

Thực tế người lao động đã được bảo hộ thông qua các văn bản pháp luật về an toàn lao động, tuy nhiên vì những lý do chủ quan và khách quan người lao động không hiểu hoặc không nắm rõ những quy định pháp luật đảm bảo quyền lợi của mình.

Lực lượng lao động có thể coi là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng, tái thiết và phát triển đất nước trong gần 30 năm đổi mới. Chính vì thế, vị thế của người lao động trong xã hội ngày càng được nâng cao và điều đó được thể hiện thông qua các chính sách và pháp luật của nhà nước, đặc biệt là trong việc nâng cao các điều kiện bảo hộ lao động, nâng cao môi trường làm việc cho người lao động và tăng các chế độ phúc lợi cho người lao động.

Các biện pháp phòng ngừa luật định mà người sử dụng lao động phải làm, đặc biệt là người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại được người sử dụng lao động trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân đạt tiêu chuẩn chất lượng và phải sử dụng trong quá trình làm việc theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Người lao động và người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động phải được tham dự khóa huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, kiểm tra, sát hạch và cấp chứng chỉ. Người lao động làm công việc có quyền yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, phải có thông tin đầy đủ về tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các yếu tố nguy hiểm, có hại và các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc của mình.

Trước khi cần các chế độ chăm sóc sức khỏe của doanh nghiệp, người lao động phải tự chăm sóc sức khỏe cho mình. Bởi lẽ, sức khỏe của người lao động ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động. Vì vậy, ngoài việc tham gia các hoạt động tổ chức khám chữa bệnh định kì cho người lao động hay các chế độ phúc lợi được hưởng của người lao động, mỗi các nhân cần tự chăm sóc bản thân và sức khỏe.

Có như thế người lao động sẽ giảm thiểu được rủi ro tai nạn cho mình, đồng thời không để lại nỗi bất hạnh cho gia đình và gánh nặng cho xã hội.

NGỌC THIỆN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh