THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:13

Tái hiện nghi lễ dựng cây nêu báo Tết ở Di sản thế giới Thành Nhà Hồ

Di sản thế giới Thành Nhà Hồ là một công trình kiến trúc thành quách quân sự độc nhất vô nhị ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á. Tòa thành do Vua Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, cách ngày nay hơn 6 thế kỷ và thi công chỉ trong thời gian 3 tháng là xong, quả là một điều rất đáng khâm phục và kinh ngạc.

Chủ tế thực hiện các nghi lễ

Chủ tế thực hiện các nghi lễ

Thành Nhà Hồ là kinh đô của hai triều đại (Từ năm 1398 – 1400 là kinh đô của nước Đại Việt Vương triều Trần và từ năm 1400 -1407 là Kinh đô của nước Đại Ngu vương triều Hồ). Năm 1400 Hồ quý Ly lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Thánh Nguyên, đổi tên nước là Đại Ngu (với nghĩa tiếng Hán là niềm an vui lớn, sự bình yên).

Giá trị nổi bật của Di sản Thành Nhà Hồ chính là tòa thành được kiến tạo hoàn toàn bằng những khối đá xanh khổng lồ nặng trung bình từ 10 tấn đến 20 tấn, có những khối nặng gần 27 tấn.

Hơn 6 thế kỷ về trước với những phương tiện hoàn toàn thủ công, thô sơ và với sức người là chính mà những người phu xây thành có thể vận chuyển những khối đá nặng hàng chục tấn và đưa lên cao gần chục mét để xây dựng các cổng và tường thành đạt tới trình độ chính xác tuyệt đối. Điều đó thể hiện ở sự hiện diện của tòa thành đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt hơn 600 năm qua. Bởi những giá trị nổi bật như thế về lịch sử, văn hóa và kiến trúc Thành Nhà Hồ đã được tổ chức UNESCO tôn vinh là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 2011.

Dựng cây nêu ngày Tết là phong tục truyền thống của người Việt. Cây nêu được dựng lên báo hiệu một năm mới bắt đầu, thường vào ngày 24 tháng Chạp, sau ngày ông Công ông Táo và khi hạ cây nêu cũng là lúc người nông dân xuống đồng cầy cấy vào mùng 7 tháng Giêng. 

Cây nêu ngày Tết mang nhiều ý nghĩa trong đời sống tinh thần người dân Việt Nam

Cây nêu ngày Tết mang nhiều ý nghĩa trong đời sống tinh thần người dân Việt Nam

Lễ dựng nêu hay còn gọi là lễ Thượng tiêu, là nghi thức không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Khi cây nêu được dựng lên báo hiệu ngày Tết chính thức bắt đầu.

Cây nêu gồm hai loại: Nêu tư gia và cây Nêu Quốc gia. 

Cây nêu Tư gia: Theo quan niệm truyền thống dân gian, việc dựng cây nêu ngày Tết mang ý nghĩa chính là để xua đuổi ma quỷ và những điều bất hạnh của năm cũ, cầu mong một năm mới tốt lành. Trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam câu truyện Sự tích cây nêu ngày Tết đại ý kể rằng: Do quỷ chèn ép người, hàng năm đều thu hết hoa lợi do con người trồng cấy, Phật thấy vậy bèn giúp người trừ quỷ. Phật bảo người trồng cây nêu (dùng một cây tre thật cao), Phật treo chiếc áo cà sa lên đầu ngọn cây và thỏa thuận với quỷ rằng, bóng chiếc áo phủ đến đâu sẽ là đất do con người quản lý và thu hoạch hoa lợi, phần còn lại sẽ thuộc về quỷ. Quỷ đồng ý, Phật dùng phép cho bóng chiếc áo phủ lên khắp mặt đất khiến quỷ không còn chỗ trú thân, vì vậy bị đuổi ra ngoài biển đông. Nhưng hàng năm mỗi dịp Tết về, quỷ đều muốn trở vào đất liền để tìm tiên tổ và kiếm cái ăn. Để tránh bị quỷ quấy nhiễu, con người bèn dựng cây nêu trên ngọn treo miếng vải, sau đổi thành lá bùa và chiếc khánh bằng đất nung khi gió rung tạo ra tiếng động để xua đuổi quỷ.

Lễ dựng cây nêu thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự

Lễ dựng cây nêu thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự

Cây nêu Quốc gia: Trong các triều đại quân chủ Việt Nam, tục dựng cây nêu được đưa vào Hoàng cung và sử dụng như một phong tục, điển chế của Triều đình. Khi lễ Thượng Nêu thực hiện là thông báo thời khắc năm mới đã đến, triều đình sẽ tạm dừng mọi hoạt động và chỉ tập trung đón tết; đồng thời nghi lễ Thượng Nêu cũng thể hiện sự cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa vạn vật sinh sôi phát triển, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Trải qua thời gian xã hội đã có quá nhiều thay đổi, người ta cũng bị cuốn theo vòng quay cuộc sống, phong tục Thượng Nêu đã bị mai một. Nhưng đến một thời điểm nào đó, những hoài niệm của quá khứ lại quay về, nhiều phong tục truyền thống lại được phục dựng. Trong đó, nghi lễ dựng cây nêu là một ví dụ và thực tế đã cho thấy, những nghi lễ này có tác động lớn trong việc gìn giữ, phát huy những di sản Văn hóa phi vật thể quý báu của dân tộc đã bị phai nhạt.

Nhận thức về ý nghĩa quan trọng của lễ Thượng Nêu, lần đầu tiên Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã nghiên cứu và tái hiện lại nghi lễ Thượng Nêu ngày Tết, mang đến cho đông đảo nhân dân và du khách được trải nghiệm và hiểu hơn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

QUÁCH TUẤN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh