THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:03

Tái diễn chiêu trò lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ dịp cận Tết

Hoạt động vận tải hàng không đang bước vào đợt cao điểm trong năm là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đây cũng là thời điểm các đối tượng lừa đảo tung ra nhiều chiêu trò “giăng bẫy” hành khách để kiếm tiền bất chính.

Đáng chú ý, nhiều đối tượng tự nhận là đại lý vé máy bay của các hãng hàng không lớn, có thể mua được vé giá ưu đãi đã “vờ” nhận đặt cho khách, sau đó cung cấp mã vé chưa thanh toán để lừa khách hàng chuyển tiền thật.

Cảnh giác trước chiêu lừa “săn vé máy bay giá rẻ”

Cuối năm 2019, chị T.H. (Thanh Xuân - Hà Nội) cùng gia đình có ý định đi Phú Quốc nghỉ vào dịp Tết Nguyên đán 2020. Sau khi dạo một vòng qua các trang web bán vé, đọc nhận xét của khách hàng để lại, chị nhận thấy trang web vemaybaycuatui.com có phần tin tưởng. Liên hệ theo số điện thoại trên trang, chị được nhân viên chăm sóc, hỏi han lịch trình chuyến đi và cam kết hỗ trợ tìm chuyến bay với mức giá rẻ hơn cả trang web chính của hãng.

 Chưa đầy 1 ngày sau, một người tên Dũng tự nhận là người của trang web trên đã liên lạc và gửi cho chị một lịch trình bay cụ thể Hà Nội - Phú Quốc trước Tết (bay của hãng VietNam Airlines), Phú Quốc - Hà Nội sau Tết (bay VietJet) dành cho 4 người với mức giá là gần 11 triệu đồng khứ hồi. Tiếp đó, Dũng gửi cho chị T.H. hóa đơn thu tiền vé chiều đi mà không có hóa đơn thu tiền vé chiều về. 

Thấy điều bất ổn, chị T.H. liền vào mạng kiểm tra mã vé của mình. Lúc này chị mới ngã ngửa, vé chiều đi thì đúng song vé chiều về thì hệ thống báo sai mã. Liên hệ với tổng đài hỏi thì được giải thích mã không hợp lệ do đây chỉ là mã giữ chỗ, sau 24h người đặt không có lệnh thanh toán, mã sẽ tự động hủy. Chị T.H. bức xúc, tiền mất là một chuyện, song điều làm cho mình cảm thấy bực nhất là nếu mình không chột dạ mà kiểm tra lại code vé, thì đến khi trở về Hà Nội, gia đình ra sân bay, không thể bay, chơ vơ ở Phú Quốc thì biết làm thế nào? Hy vọng bài học của mình sẽ giúp nhiều gia đình khác tránh được bẫy lừa khi mua vé máy bay trên mạng qua các trang web không chính hãng.

Tái diễn chiêu trò lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ dịp cận Tết - Ảnh 1.

Các đối tượng Điệp và Hòa bị cơ quan công an bắt giữ vì lừa đảo bán vé máy bay trên mạng xã hội.

Trước đó, vào tháng 8/2019, Công an TP. Hà Nội đã bắt tạm giam Ngô Thị Hoàng Điệp (SN 1983, quê tỉnh Hà Nam) và Phạm Văn Hòa (SN 1996, quê tỉnh Nam Định) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 290 BLHS 2015. 

Tại cơ quan công an, Điệp khai từ tháng 5/2017 thông qua bán vé máy bay trên mạng xã hội có quen biết Hòa. Đến tháng 2/2019, Điệp và Hòa thống nhất lên mạng facebook để rao bán vé máy bay giá rẻ nhằm lừa chiếm tiền của khách hàng. Sau đó, Điệp dùng nick ảo lên trang facebook “Người Việt Nam tại Đài Loan” đăng thông tin bán vé máy bay giá rẻ. Khi có người hỏi mua, Hòa sẽ vào trang web online của hãng hàng không đặt vé. Trong mục đăng ký vé online, Hòa dùng thủ thuật sửa thông tin vé từ trạng thái “chờ thanh toán” đổi thành “đã xác nhận”, chụp lại màn hình thông tin giao dịch rồi chuyển cho khách tạo lòng tin.

 Khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản đã được chuẩn bị trước, Điệp xóa tin nhắn, bỏ sim rác, rút tiền chia cho Hòa một nửa. Bằng thủ đoạn trên, các đối tượng đã lừa bán vé máy bay cho hơn 20 người Việt Nam tại Đài Loan, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 600 triệu đồng.

Cẩn thận không bao giờ thừa

Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) và Pacific Airlines (JPA) nhận định, chiêu trò lừa đảo vé máy bay thường xuất hiện vào các thời điểm cầu vượt cung. Thủ đoạn phổ biến là đối tượng lừa đảo lợi dụng chính sách đặt vé, giữ chỗ trong vòng 24 giờ để lấy mã đặt chỗ gửi chuyển cho khách hàng. 

Rất nhiều khách hàng lầm tưởng như thế đã có vé, cho nên thực hiện chuyển tiền. Khi đã nhận được tiền, đối tượng không thanh toán với hãng hàng không và mã đặt chỗ sẽ tự hủy sau khi hết hạn mà khách hàng không được xuất vé. Hoặc đối tượng vẫn tiến hành thanh toán, xuất vé cho khách, nhưng sau đó làm thủ tục hủy vé để nhận lại tiền. Hành khách chỉ có thể biết vé của mình không có giá trị khởi hành khi trực tiếp kiểm tra với hãng hàng không hoặc làm thủ tục check in. 

Về phía hành khách, VNA và JPA khuyến nghị nên chọn một trong ba phương thức mua vé máy bay: mua trực tiếp tại website, tại phòng vé chính thức, tại đại lý của hãng và luôn yêu cầu lấy hóa đơn để bảo đảm không mua phải vé giả, vé bị nâng giá.

Theo tìm hiểu, khi mua vé trực tiếp trên website của hãng phải tự thực hiện nhiều thao tác và ít được triển khai nhiều giá đặc biệt, nhất là đối với các hãng truyền thống. Còn mua qua đại lý sẽ gồm nhiều cấp, trong đó chỉ đại lý cấp 1 là đại lý chính thức. 

Các đại lý cấp 1 phải ký quỹ cho hãng hàng không khoảng 2 tỷ đồng, áp doanh số hằng tháng, được cấp mã đại lý và được quyền xuất vé. Đại lý cấp 2, cấp 3 không có quan hệ trực tiếp với hãng hàng không mà chỉ làm việc được với đại lý cấp 1. Chính vì quy định chặt chẽ này khiến các đại lý chính thức luôn tuân thủ tốt quy định về chính sách bán vé máy bay, giảm rủi ro cho hành khách. Bất kể giao dịch trực tiếp hay online, trước khi chuyển tiền, khách hàng chỉ cần kiểm tra mã đại lý trên website của hãng hàng không hoặc trang web của IATA - Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (https://customer-portal-iata.force.com/iec/ieccacfree) là có thể yên tâm.

Các hãng hàng không cho biết chỉ có thể ngăn ngừa hữu hiệu thủ đoạn lừa đảo với trường hợp khách hàng mua qua ba kênh chính thức như đã nêu trên. Đối với khách hàng mua vé qua tổ chức, cá nhân không rõ nguồn gốc, không chứng minh được tính chính thức (không có mã đại lý), cần hết sức cảnh giác để tránh rơi vào tình trạng tiền mất tật mang.

Theo Thế Vinh/Sức khỏe và Đời sống

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh