THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:50

Tác hại của cháy nắng đến da, cách điều trị và phòng ngừa

Tác động trực tiếp của tia UV trong ánh nắng gây hại lên da. Ảnh minh hoạ

Tác động trực tiếp của tia UV trong ánh nắng gây hại lên da. Ảnh minh hoạ

Da cháy nắng là tình trạng rất thường gặp trong mùa hè, khi bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu mà không bôi kem chống nắng hoặc/và không thực hiện che chắn kỹ càng…

Chúng ta cũng thường được các chuyên gia, nhà nghiên cứu... khuyên nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng để tránh bị cháy nắng. Vậy tác hại của cháy nắng đến da như thế nào mà chúng ta cần phải phòng tránh?

Thông tin trên báo điện tử Vtc.vn, trước hết, cháy nắng là hiện tượng bị viêm ở lớp ngoài cùng của da, thường tạo ra những tổn thương trên da. Nguyên nhân là vì tác động trực tiếp của tia UV trong ánh nắng gây hại lên da.

Chúng ta đều biết trên làn da có melanin hay còn được biết tới là sắc tố mang lại màu sắc cho da. Melanin giúp bảo vệ làn da trước ánh nắng mặt trời. Khi da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, Melanin sẽ làm cho da chúng ta tối màu hơn để hạn chế tác hại do ánh nắng gây ra. Đó là lý do khi bị cháy nắng thì làn da sẽ sạm đen. Khi lượng melanin trong da đã ít đi, làn da sẽ không còn được bảo vệ tốt nữa. Lúc này da sẽ bị mẩn đỏ, sưng và rát. Cả 2 biểu hiện: Sạm da và sưng đỏ đều cho thấy làn da của chúng ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ánh nắng, hay còn được gọi là cháy nắng.

Như vậy, cháy nắng có thể khiến làn da đen sạm, phồng rộp, bị nặng sẽ gây ra bong tróc. Khi cháy nắng nghiêm trọng có thể gây ra tổn thương tế bào và dẫn đến ung thư da. Tác hại của cháy nắng đến da không hề đơn giản chỉ là làm đen da hay bị phỏng nhẹ. Chính vì thế, chúng ta cần có những biện pháp phòng tránh cháy nắng, hạn chế cho da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài.

Cách bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời

Việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là không thể tránh khỏi, tuy nhiên theo báo Sức khoẻ và Đời sống, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau để tự bảo vệ mình khỏi các tia UV có hại. 

Bôi kem chống nắng giảm da cháy nắng: Kem chống nắng cung cấp khả năng chống nắng thiết yếu. Bạn nên đảm bảo rằng chỉ số chống nắng (SPF) là 15 hoặc cao hơn.

Che da và mắt: Bạn cũng có thể giảm nguy cơ bị tổn thương do ánh nắng mặt trời bằng cách che phủ làn da của mình. Mặc áo sơ mi dài tay và quần dài để che càng nhiều da càng tốt. Cố gắng mặc quần áo sáng màu hơn để bảo vệ tốt hơn.

Nếu thời tiết nóng và việc mặc áo dài tay không phải là lựa chọn tốt nhất để chống nóng, hãy sử dụng ô, hoặc bất kỳ bóng râm nào bạn có thể tìm được để che nắng.

Đội mũ để che đầu, cổ và mặt: Bạn nên lựa chọn mũ rộng vành và được làm từ vải canvas hoặc một loại vải dệt dày khác. Đôi mắt cũng có thể bị tổn thương do ánh nắng mặt trời. Đeo kính râm sẽ bảo vệ mắt và vùng da quanh mắt khỏi tia UV. 

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Điều trị da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời

Retinoid: Retinoid thường được sử dụng để cải thiện vẻ ngoài của da. Retinoid có thể cải thiện việc sản xuất tế bào da và cải thiện nếp nhăn và màu da tổng thể. Tuy nhiên lưu ý, retinoid nên được sử dụng vào ban đêm hoặc vào ban ngày khi bạn đang sử dụng kem chống nắng. Retinoid có thể làm cho làn da của bạn nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, vì vậy việc bảo vệ da khi dùng chất này là cần thiết. 

Huyết thanh vitamin C: Các đặc tính chống oxy hóa của vitamin C có thể giúp ngăn ngừa tổn thương cho da. Một nghiên cứu cho thấy vitamin C bôi tại chỗ có thể làm giảm các dấu hiệu lão hóa và cải thiện sắc tố da.

Nếu tác hại của ánh nắng mặt trời đối với làn da của bạn đã gây ra một số thay đổi về sắc tố hoặc dấu hiệu lão hóa, bạn có thể bổ sung huyết thanh vitamin C vào thói quen hàng ngày của mình.

Lột da hóa học: Lột da hóa học là một lựa chọn điều trị khác cho làn da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời và thường được thực hiện trên mặt, cổ và tay. Lột da bằng hóa chất là sử dụng dung dịch hóa chất để loại bỏ lớp da bên ngoài bị hư hỏng, thay thế bằng lớp da mới. Đây là một qui trình mang tính cá nhân hóa và có thể không phù hợp với tất cả mọi người. Do đó, cần tham khảo ý kiến và thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ.

Lazer: Trị liệu bằng laser/ánh sáng, cũng được áp dụng cho vùng da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời, giúp cải thiện kết cấu da, giảm nếp nhăn, loại bỏ vết đen, cải thiện làn da lỏng lẻo...

Các tia UV từ mặt trời có thể làm hỏng làn da và gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như ung thư da. Điều quan trọng là ngăn ngừa tác hại của ánh nắng mặt trời bằng cách che phủ da và sử dụng kem chống nắng phù hợp... để giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe về da. 

BM (Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh