Tác giả Lê Thế Song: Viết nhiều nhưng vẫn chờ tác phẩm hay nhất
- Văn hóa - Giải trí
- 20:55 - 18/01/2024
Cây bút đa dạng các thể loại
Những năm gần đây, Lê Thế Song khá bận rộn bởi có nhiều liên hoan sân khấu mà liên hoan nào anh cũng có tác phẩm dự thi. Liên hoan nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Hà Nam, có đến bốn vở diễn được dàn dựng từ kịch bản của anh, trong đó “Thiên duyên huyền tích” của Nhà hát Chèo Thái Bình đoạt huy chương vàng; “Trọn đời vì nước non” do Nhà hát truyền thống Nam Định dàn dựng giành được huy chương bạc. Tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V, vở “Thượng thiên Thánh Mẫu” do Lê Thế Song viết kịch bản cũng được trao huy chương vàng. Bên cạnh viết kịch bản sân khấu cho các đơn vị nghệ thuật kịch hát cả nước, anh cũng nhận được một loạt các đơn đặt hàng biên kịch và đạo diễn lễ hội. Hàng loạt những kịch bản lễ hội của cả nước được các đạo diễn và công ty tổ chức sự kiện đặt hàng anh viết. Với cấu tứ chặt chẽ, ý đồ kịch bản sâu sắc, logic, văn phong giàu hình ảnh và tư duy sáng tạo, lại là người có trình độ về âm nhạc, hội họa, những kịch bản lễ hội của anh hấp dẫn và riêng biệt. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, lễ hội Bình Thuận xanh, lễ hội hoa Đà Lạt, lễ hội về miền di sản Bắc Ninh, chương trình nghệ thuật Bài ca đi cùng năm tháng….đều có sự đóng góp về kịch bản chất lượng của Lê Thế Song.
Không dừng lại ở viết kịch bản sân khấu, lễ hội. Lê Thế Song tiếp tục bước chân vào con đường tổng đạo diễn lễ hội, sáng tác ca khúc, và anh cũng rất mát tay với nghề được coi là rất khó này. Lễ hội Đền Đông Cuông 2023, Lễ hội đền Đồng Cổ 2023 và đặc biệt Lễ Hội Đền Hùng 2023 được anh đảm trách với vai trò kịch bản và tổng đạo diễn rất thành công. Từ kinh nghiệm và cách làm với hàm lượng tư duy cao, chương trình Lễ Hội Đền Hùng đã đem đến cho khán giả một màn sử thi hoành tráng, sâu sắc, đậm nét bản sắc của truyền tích ngàn đời cha ông. Lê Thế Song đã đem đến một chương trình vừa dân gian, vừa bác học, vừa thi ca huyền thoại vừa hiện đại, mới mẻ và sáng tạo. Với tư duy sắc bén, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và cống hiến, những lễ hội lớn của cả nước vẫn đang được Lê Thế Song suy nghĩ, tìm hiểu, sáng tác và cùng ekip thực hiện trong năm 2024 này.
Anh cũng hợp tác cùng NSND Tự Long chuyển thể một vở chèo về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng tham gia Liên hoan sân khấu toàn quân năm 2023. “Chiến tranh qua lâu rồi, bản thân tôi cũng không được trải nghiệm những ngày tháng sống trong khói lửa đạn bom nên thực sự gặp nhiều khó khăn khi sáng tác đề tài này. Dù chỉ có thể cảm nhận cuộc chiến qua tác phẩm của các thế hệ cha anh, song tôi luôn thấy, đây là một mảng đề tài hấp dẫn. Tôi hy vọng, kinh nghiệm và sự đam mê giúp mình có một kịch bản hay về cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, chống đế quốc xâm lược” – Lê Thế Song cho biết lý do đang làm những chương trình mang tính dân gian, lại chuyển sang viết kịch bản đề tài chiến tranh.
Viết theo yêu cầu bằng đam mê
Đến nay, anh đã có khoảng 50 kịch bản được dàn dựng với đủ các thể loại Tuồng, Chèo, Cải Lương, Kịch nói. Vở nào với anh cũng là những kỉ niệm khó quên. Tuy nhiên, điều khiến tác giả day dứt trăn trở đó là bản thân chưa thật sự bằng lòng với tác phẩm nào. “Tôi nghĩ, mình cần phải nỗ lực hơn nữa. Nghề viết vô cùng gian nan, và tác phẩm hay nhất của tôi là tác phẩm tôi chưa viết ” – anh bày tỏ.
Yêu cầu đặt ra với người viết sân khấu kịch hát là cần có sự đổi mới về tư duy, làm sao để vừa giữ được vẻ đẹp truyền thống, vừa thể hiện được tư tưởng hiện đại. Cá nhân anh, khi viết thường cố làm một cái gì đấy mới hơn, khác hơn. Ví như vở “Nguyễn Văn Cừ - tuổi trẻ chí lớn” do Nhà hát Chèo Quân đội dàn dựng, anh đã kết hợp chèo và quan họ Bắc Ninh để thể hiện cảnh hai người chia tay. Khi viết kịch bản và đạo diễn các chương trình lễ hội, anh mạnh dạn đưa các lớp diễn sân khấu vào để tăng sức hấp dẫn. Theo anh, việc sân khấu hoá lễ hội, nếu làm tốt sẽ tạo hiệu ứng cao. Anh thích thử nghiệm vì nó làm cho sân khấu luôn đổi mới và không dừng lại. Anh nói thêm: “Tôi biết, nhiều tác giả trẻ đang muốn đổi mới, muốn dấn thân nhưng đa phần họ chưa dám, vì ít đơn vị nghệ thuật sẵn sàng tài trợ cho sự mới mẻ đó”.
Tuy nhiên, một thực tế là, sân khấu hiện nay không thu hút được giới trẻ. Bởi lẽ, thời đại của công nghệ thông tin, các phương tiện giải trí mang đến cho lớp trẻ đầy rẫy sự lựa chọn, trong khi đó sân khấu vẫn giữ cách thức tự sự với những câu chuyện cũ rích. Theo anh, muốn đổi mới, trước hết sân khấu cần dàn dựng những vở diễn mang hơi thở thời đại với những vấn đề gai góc của xã hội và thể hiện bằng những mảng miếng hấp dẫn. Trong thâm tâm, anh vô cùng thích đề tài hiện đại, nhưng khi đưa kịch bản ra, các nhà hát thường bảo, họ thích dựng vở dân gian, huyền sử, lịch sử cho dễ dựng, dễ xem an toàn. Đề tài hiện đại vừa khó làm, vừa dễ đụng chạm. Các đơn vị nghệ thuật luôn phải suy tính, đắn đo khi dựng vở đề tài hiện đại.
Tác giả Lê Thế Song thú thực, 90% sáng tác của anh là đặt hàng, chỉ 10% viết theo tiếng gọi của đam mê. Nhiều người hỏi anh: Sao không tham gia các Trại sáng tác? Anh trả lời: không có kịch bản. Muốn tham gia Trại sáng tác, mình phải nộp kịch bản chưa từng được dàn dựng, mà anh thì viết theo yêu cầu nên hầu hết viết xong là được đưa lên sàn diễn luôn.
Hỏi anh, sáng tác theo yêu cầu của người khác như thế, anh có sợ mình sẽ biến thành thợ viết? Lê Thế Song không cho là vậy. Các đơn đặt hàng thường chỉ dừng lại ở đề tài, còn tác giả phải tự đào sâu tìm hiểu để sáng tác theo đúng cảm xúc của mình. Theo tác giả, bất cứ đề tài nào cũng có sức hấp dẫn riêng, vấn đề là người viết khai thác ở góc độ, diễn giải câu chuyện như thế nào. Anh dùng đam mê để viết theo yêu cầu. Anh may mắn được cộng tác với rất nhiều đạo diễn như NSND Lê Hùng, NSND Thanh Ngoan, NSƯT Lê Tuấn Cường, NSƯT Lê Thanh Tùng, NSƯT Đoàn Vinh, NSND Tự Long, NSND Triệu Trung Kiên, NSND Tống Toàn Thắng... Mỗi đạo diễn có cách làm riêng để chuyển kịch bản của anh thành một bản diễn mang dấu ấn của họ , và anh tôn trọng sự sáng tạo ấy. Có đạo diễn chỉn chu đến từng chi tiết, có người lại xử lý kịch bản của mình với góc nhìn rất hiện đại. Tác giả và đạo diễn luôn cố gắng, tận tâm để dựng một vở diễn ở mức tốt nhất có thể. Tuy nhiên, với anh tác phẩm đỉnh cao thì luôn ở phía trước.
Tác giả Lê Thế Song là người lăn lộn với cuộc sống từ khi tuổi đời còn rất trẻ. Đó chính là vốn sống đầy đặn và vô giá nhất mà cuộc đời cho anh. Trước khi học biên kịch, thạc sỹ nghệ thuật, anh đã đi từ Bắc vào Nam để thực hiện các chương trình truyền thông về nghệ thuật cho các tổ chức phi chính phủ. Anh ký hợp đồng truyền thông dự án cho họ và tự viết kịch bản, bài hát, biên đạo múa, và làm đạo diễn các chương trình nghệ thuật để biểu diễn tại các xã, huyện…trong cả nước. Và Lê Thế Song vẫn suy tư về một tác phẩm sân khấu mà với anh, tác phẩm để đời đang còn trong tâm trí.