Tác động tích cực từ EVFTA: Quý I, xuất khẩu may mặc sang EU tăng 3,44%
- Huyệt vị
- 22:30 - 06/06/2021
Cục Xuất nhập khẩu đã phối hợp với Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại xây dựng và ban hành Chuyên san EVFTA với Thương mại Việt Nam, số thứ nhất, Quý I năm 2021 về Ngành hàng Dệt may – Da giày.
Tác động tích cực từ EVFTA
Chuyên san EVFTA với Thương mại Việt Nam số quý I/2021 đánh giá tác động đối với nhóm hàng Dệt may - Giày dép, nhóm hàng được kỳ vọng sẽ có tăng trưởng mạnh sau khi EVFTA có hiệu lực, và thực tế đã có tác động mạnh, phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU.
Đối với dệt may, mức giảm tăng trưởng xuất khẩu (tính lũy kế từ đầu năm) đã chậm lại kể từ tháng 8/2020 và bắt đầu ghi nhận tăng trưởng dương trong 3 tháng đầu năm 2021.
Cụ thể, xuất khẩu hàng may mặc sang thị trường EU trong 5 tháng cuối năm 2020 đạt 1,1 tỷ USD, giảm 6,4% so với 5 tháng cuối năm 2019. Trong quý I/2021, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang thị trường EU đã tăng 3,44% so với cùng kỳ năm trước.
Việc xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang EU từ tháng 8/2020 dần cải thiện phản ánh sự phục hồi sau khủng hoảng của dịch Covid-19, lợi thế của Việt Nam trong chuẩn bị sớm nguồn hàng do công tác kiểm soát dịch bệnh trong nước đạt hiệu quả.
Nhưng một phần đóng góp quan trọng do tác động tích cực từ EVFTA, khi các doanh nghiệp Việt Nam đã trải qua một quá trình “thích nghi” các cam kết của Hiệp định, đặc biệt là các quy tắc xuất xứ.
Xuất khẩu giày dép các loại sang EU phục hồi trở lại
Đối với giày dép, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam sang thị trường EU cũng đang dần hồi phục trở lại, đặc biệt là trong quý I/2021.
Quý I/2021, xuất khẩu giày dép sang EU tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2020; trong khi đó tại cùng thời điểm quý I/2020 chỉ tăng 0,1% và quý I/2019 tăng 11,9%.
Kể từ tháng 8/2020 đến tháng 3/2021 đã có 6 tháng xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam sang EU tăng (ngoại trừ tháng 02/2021, xuất khẩu giày dép các loại sang EU giảm do nghỉ Tết Nguyên đán). Tuy số lượng và giá sản phẩm chưa trở lại bằng ngưỡng năm 2019, nhưng tín hiệu thị trường đã dần hồi phục.
EVFTA được bắt đầu thực thi trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt EU là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Các biện pháp cách ly, phong tỏa cùng với tác động về kinh tế làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có sản phẩm dệt may - da giày nhập khẩu.
Trong bối cảnh như vậy, EVFTA đã giúp phục hồi lại xuất khẩu của 2 ngành hàng này trong 5 tháng cuối năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021.
Chuyên san EVFTA với Thương mại Việt Nam được xây dựng với mục tiêu đánh giá tình hình thực thi, kết quả tận dụng EVFTA đối với thương mại Việt Nam.
Việc thường xuyên cập nhật, đánh giá hiệu quả trong quá trình tham gia EVFTA, những kết quả đạt được khi tham gia EVFTA đối với từng ngành hàng cụ thể góp phần có chính sách khai thác các mặt mạnh, kịp thời phát hiện các hạn chế, tồn tại, nguyên nhân nhằm kịp thời xây dựng, điều chỉnh các giải pháp điều hành một cách phù hợp.
Chuyên san ban hành mỗi quý sẽ đánh giá tác động của EVFTA đối với từng ngành hàng xuất khẩu trọng điểm, nhằm cung cấp số liệu cập nhật về tình hình xuất khẩu các mặt hàng trọng điểm từ Việt Nam sang EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Đồng thời, đánh giá kết quả thực thi cam kết của Hiệp định EVFTA, đồng thời phân tích hiện trạng và tiềm năng xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực tại các thị trường thành viên EU.