Tác động hai mặt của TPP đến năng lực cạnh tranh
- Huyệt vị
- 16:55 - 18/02/2016
Cơ hội lớn…
TPP mang tính khu vực trong việc đưa ra các cam kết nhưng tiếp cận thị trường một cách toàn diện, cân bằng lợi ích trong nỗ lực giải quyết các thách thức về cắt giảm thuế quan, phi thuế và điều chỉnh toàn bộ các lĩnh vực về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư; bảo tồn, bảo vệ môi trường, người lao động và công đoàn; sở hữu trí tuệ, mua sắm và đầu tư công; thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn và hội nhập qua biên giới, mở cửa thị trường trong nước; thúc đẩy đổi mới, năng suất và tính cạnh tranh; phát triển nền kinh tế số; cân bằng vai trò của các DNNN và hỗ trợ DN vừa và nhỏ, tạo ra các cơ hội và lợi ích mới cho doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng của các nước thành viên; nâng cao mức sống, giảm đói nghèo và tạo ra một mô hình mới và hấp dẫn trong thương mại cho một trong những khu vực phát triển nhanh và năng động nhất thế giới.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt có thêm nhiều cơ hội nâng cao cạnh tranh nhờ được giảm thuế và đối xử bình đẳng; tiếp cận thuận lợi hơn với các thị trường lớn, có sức mua và tính thanh khoản cao; tìm kiếm các đối tác, nguồn cung thiết bị, công nghệ cao, với giá cả và chất lượng thích hợp; đặc biệt, có cơ hội nắm bắt và tham gia các chuỗi cung ứng giá trị và sản xuất toàn cầu mới trong quá trình tái cơ cấu khu vực và thế giới.
Cơ hội đẩy nhanh hoàn thiện các thể chế thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư, có lợi cho nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam cũng đậm hơn nhờ quá trình đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện nhất quán các cam kết, đáp ứng các nội dung yêu cầu hội nhập TPP.
Dệt may và da giầy được kỳ vọng là 2 ngành có lợi thế cạnh tranh khi tham gia Hiệp định TPP. (Ảnh minh họa: HT)
Trong đó, có bảo đảm tính chính trực, đơn giản hóa thủ tục hải quan và thủ tục tại biên giới, thúc đẩy chuỗi cung ứng khu vực, áp dụng quy tắc xác định trước trị giá hải quan và xử phạt trong lĩnh vực hải quan, đảm bảo các chế tài được thực hiện một cách công bằng, minh bạch. Từ hệ thống chung cho phép hiển thị và xác minh hàng hoá sản xuất trong khu vực TPP đáp ứng các quy tắc xuất xứ; không phân biệt đối xử trong việc phát triển các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty tiếp cận các thị trường TPP…
Gia tăng áp lực
Khi Hiệp định TPP có hiệu lực (năm 2018), Việt Nam cũng đứng trước áp lực nâng cao sức cạnh tranh vĩ mô của cả môi trường thể chế và nền kinh tế, cũng như của doanh nghiệp và sản phẩm gắn với lộ trình xóa bỏ thuế quan, tự do hóa kinh doanh và đối xử bình đẳng giữa các DNNN với tư nhân, trong nước với nước ngoài. Đặc biệt, áp lực còn gia tăng từ việc tuân thủ các nguyên tắc nội khối và thực hiện nghiêm túc các cam kết về sở hữu trí tuệ và bảo vệ môi trường, quyền lợi người lao động.
Cơ hội và áp lực cạnh tranh cũng đến từ gia tăng xu hướng tìm kiếm cơ hội việc làm mới ở thị trường các nước thành viên TPP, cũng như từ làn sóng FDI và M&A đang mở rộng vào Việt Nam, kể cả trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và bất động sản. Dòng FDI vào phát triển công nghiệp phụ trợ, trong đó có dệt may và da giầy sẽ góp phần giảm bớt áp lực về đáp ứng yêu cầu nội khối, trong khi gây áp lực chia sẻ cơ hội phát triển thị trường đầu tư và lợi nhuận cho các nhà đầu tư ngoại.
Dòng FDI gia tăng còn làm tăng áp lực tranh chấp giữa doanh nghiệp FDI với những điều chỉnh gây rủi ro chính sách thực tế hoặc “rủi ro ảo” của Chính phủ, kéo theo những vụ kiện cáo thiếu thiện chí và cố tình gây bất lợi cho cơ quan nhà nước và môi trường đầu tư, vì mục tiêu ngoài kinh tế và vượt khỏi mục tiêu của doanh nghiệp...
Các cam kết về hợp tác hải quan và thực thi để ngăn chặn tình trạng trốn thuế, buôn lậu và gian lận, các biện pháp tự vệ đặc biệt để ứng phó với thiệt hại nghiêm trọng, hoặc đe dọa thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước trong trường hợp nhập khẩu ồ ạt; đảm bảo một khuôn khổ cạnh tranh công bằng trong khu vực thông qua các qui định, đòi hỏi các nước TPP phải duy trì các chế độ pháp lý ngăn cấm hành vi kinh doanh phi cạnh tranh, cũng như các hoạt động thương mại gian lận, lừa đảo làm tổn hại đến người tiêu dùng. Việc mở rộng nội hàm sở hữu trí tuệ trong TPP bao gồm bằng sáng chế, thương hiệu, bản quyền, thiết kế công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, bí mật thương mại, các hình thức sở hữu trí tuệ khác, và thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như các lĩnh vực mà các nước TPP đồng ý hợp tác... cũng là thách thức song hành cùng cơ hội trong nâng cao năng lực cạnh tranh trong khuôn khổ TPP.