Suy dinh dưỡng hạn chế quá trình phát triển của trẻ
- Y học 360
- 13:35 - 22/05/2020
Một suy nghĩ sai lầm là con cái thấp vì bố mẹ không cao. Tuy nhiên, thực tế, gen di truyền từ bố mẹ chỉ quyết định một phần chiều cao của con cái. Chiều cao chỉ phụ thuộc 20% vào gen di truyền của bố mẹ. 80% còn lại là do ăn uống, luyện tập và môi trường sống.
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng. Ngay từ lúc chuẩn bị mang thai, người mẹ đã phải cung cấp dinh dưỡng thật tốt cho cơ thể. Tiếp đó, dinh dưỡng cho quá trình mang thai, dinh dưỡng khi nuôi con bú.
Tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi sẽ xảy ra ngay cả với những gia đình khá giả. Bởi nhiều nhà cho con cái ăn uống đầy đủ nhưng lại thiếu đi các hoạt động thể dục, thể thao. Có 2 giai đoạn phát triển thể chất vượt trội các bậc cha mẹ cần ghi nhớ:
+ Giai đoạn 1000 ngày đầu đời tính từ từ khi trẻ được mang thai đến 24 tháng tuổi. Đây là giai đoạn quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ trong tương lai.
+ Giai đoạn thứ 2 là giai đoạn dậy thì, từ 12-18 tuổi. Nhiều nghiên cứu cho thấy, ở những năm tiếp theo, khi cơ thể được ăn uống hợp lý, tích cực rèn luyện thể dục thể thao trong môi trường và lối sống lành mạnh, chiều cao con người vẫn tiếp tục tăng ít cho đến 25 tuổi ở nữ giới và 28 tuổi ở nam giới.
Hiện phần lớn trẻ em Việt Nam mới sinh đều có chiều dài tương đương với trẻ em sinh ra tại các quốc gia khác trên thế giới. Nhưng từ 3 tuổi trở lên, khoảng cách chiều cao của trẻ em Việt Nam cách biệt dần và dần bị trẻ em thế giới bỏ xa. Trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi hiện tập trung chủ yếu ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, miền núi, vùng sâu vùng xa trong đó, cao nhất là khu vực Tây Nguyên với 34% trẻ thiếu chiều cao.
Chiều cao trung bình của người Việt trưởng thành hiện nằm trong nhóm những nước có chiều cao thấp ở châu Á và càng xa hơn các quốc gia châu Âu. Hiện chiều cao trung bình của nam giới là 164,4cm, thấp hơn 13 cm so với chuẩn. Còn nữ giới là 153,4cm, thấp hơn 10cm so với chuẩn.