Sức vươn từ những cây cầu
- Văn hóa - Giải trí
- 14:43 - 02/09/2016
Có lẽ đối với người dân Đà Nẵng, câu ví von “Con gái quận ba không bằng bà già quận nhất”, đã đủ lý giải tất cả cho sự khác biệt về đời sống người dân giữa đôi bờ Đông - Tây sông Hàn một thời. Bờ Đông sông Hàn, “quận ba” ngày ấy chỉ là những làng chài nghèo heo hút Thọ Quang, Mân Thái, Nại Hiên Đông và những phường An Hải Đông, An Hải Tây, Bắc Mỹ An, nhân dân chủ yếu làm nông nghiệp và ngư nghiệp, quanh năm đầu tắt mặt tối, nhưng cái nghèo, cái khó vẫn đeo bám. Ngược lại, bên Tây thành phố những tòa nhà san sát mọc lên, nhịp sống sôi động, náo nhiệt nơi phố thị dường như trái ngược hoàn toàn với “quận ba” dù rằng đều nằm ngay giữa lòng thành phố.
Ông Nguyễn Văn Hai, 71 tuổi, quận Sơn Trà, nhớ lại: “Sau ngày giải phóng, thành phố Đà Nẵng chỉ có duy nhất cây cầu Nguyễn Văn Trỗi từ thời Mỹ xây dựng trong chiến tranh là phục vụ giao thông đi lại của người dân. Vì vậy, muốn sang trung tâm thành phố, người dân quận ba chúng tôi (quận Sơn Trà bây giờ) đều phải di chuyển bằng phà. Việc đi lại rất bất tiện”.
Cầu Rồng với kiến trúc độc đáo, biểu tượng du lịch mới của Đà Nẵng. (ảnh: internet)
Mong ước cây cầu nối liền khu trung tâm với vùng đất còn nghèo khó phía đông là mong ước từ bao đời của người dân nơi đây. Một năm sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1997), Đà Nẵng khởi công xây dựng cầu Sông Hàn - một công trình mang tính đột phá về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của thành phố lúc đó. Đánh dấu một bước ngoặt, sự chuyển mình mạnh mẽ của thành phố Đà Nẵng trẻ trung, năng động, biểu tượng cho một khát vọng vươn lên của người dân Đà Nẵng.
Bằng chính sự đóng góp tích cực của người dân, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết tâm xây dựng cây cầu quay độc đáo. Cầu Sông Hàn được khởi công ngày 2/9/1998 và khánh thành đúng dịp kỷ niệm 25 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng ngày 29/3/2000. Đây là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam thiết kế, thi công. Đến nay, cầu Sông Hàn vẫn là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam. Cầu có chiều dài 487,7 mét, rộng 12,9 mét, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33 mét, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực và 2 nhịp dây văng có tổng chiều dài 122,7 mét.
Thành phố đáng sống không chỉ trong mắt người Đà Nẵng mà cả với du khách bốn phương. Ảnh: Bùi Minh.
Bến phà ngày xưa nay đã được thay thế bằng cây cầu mới được xây dựng bằng “lòng dân”, bằng sức mạnh của cả hệ thống chính trị, điều mà có lẽ không mấy nơi có được. Hình ảnh cầu Sông Hàn không chỉ thể hiện mong ước bao đời của người dân thành phố mà còn là biểu tượng của sự phát triển, là hiện thân cho ký ức nguyên sơ của người dân Đà Nẵng ngày nào. Kể từ khi cây cầu lịch sử, cầu Sông Hàn được khánh thành, không còn cảnh những chuyến phà vội vã qua sông, và cũng chính nhờ cầu Sông Hàn “quận ba” một thời như bước sang một trang sử mới với những chuyển mình mạnh mẽ, hòa mình vào nhịp sống sôi động của thành phố, trở thành một trong những khu phố sầm uất, tráng lê, góp phần xây dựng thành phố du lịch, thành phố đáng sống, trẻ trung và năng động trong mắt du khách bốn phương.
Bến phà Đà Nẵng ngày ấy. (ảnh: internet)
Với thiết kế cầu quay nhằm mục đích phục vụ giao thông đường thủy, khơi thông cho các tàu thuyền qua lại. Hàng ngày, vào khoảng 1 giờ sáng phần giữa của cây cầu quay 90 độ quanh trục và nằm dọc theo dòng chảy của dòng sông, mở đường cho tàu lớn đi qua. Khoảng 4 giờ sáng cầu sẽ quay trở lại như cũ. Tuy nhiên, kể từ ngày 5/3/2010, thời gian quay cầu có thay đổi. Nếu không có tàu qua lại, cầu sẽ mở vào lúc 1 giờ sáng và đóng cầu xong trước 2 giờ sáng cùng ngày; nếu có tàu qua lại, cầu sẽ mở vào lúc 1 giờ sáng và hoàn thành việc đóng cầu vào lúc 4 giơ sáng cùng ngày. Nhiều du khách đến Đà Nẵng đã thức khuya để ngắm cây cầu độc nhất vô nhị của Việt Nam này quay. Bởi với họ, nếu đến Đà Nẵng mà chưa xem cầu Sông Hàn quay nghĩa là chưa đến Đà Nẵng. Và thức khuya ngắm cầu Sông Hàn quay, ngắm thành phố yên bình về đêm cũng là cách để tìm lại sự tĩnh lặng trong tâm hồn mình, sau những ồn ào hối hả của cuộc sống.
Cầu Sông Hàn không chỉ tạo thuận lợi cho giao thông, du lịch, khơi dậy tiềm năng kinh tế của một vùng đất rộng lớn phía đông thành phố, mà còn là biểu tượng văn hóa độc đáo, niềm tự hào của riêng Đà Nẵng. Ngày nay, Đà Nẵng còn được mệnh danh là thành phố của những cây cầu. Với những cây cầu nổi tiếng bắc qua sông Hàn, như cầu Thuận Phước, cây cầu đánh dấu hành trình vươn ra biển lớn của Đà Nẵng, là cây cầu treo dây võng đầu tiên và dài nhất ở Việt Nam với 1.856m, được khởi công vào đầu năm 2003 và đưa vào sử dụng năm 2009.
Cầu Thuận Phước thể hiện khát vọng vươn ra biển lớn. Ảnh: internet
Với dáng vẻ hiện đại, lộng lẫy và đầy quyến rũ, cầu Thuận Phước nối liền hai tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành và Hoàng Sa - Trường Sa, tạo thành hệ thống tuyến giao thông liên hoàn ven biển từ hầm Hải Vân đến bán đảo Sơn Trà, qua cầu Mân Quang và nối liền với tuyến du lịch Sơn Trà - Hội An. Một hệ thống giao thông - du lịch hoàn chỉnh được hoàn thiện, mở ra khả năng khai thác tiềm năng du lịch không chỉ riêng Đà Nẵng, mà cho cả các địa phương lân cận như Hội An và Thừa Thiên - Huế.Hay cầu Rồng, cây cầu được thông xe vào năm 2013, với kiến trúc độc đáo và khả năng trình diễn phun lửa, phun nước. Cầu Rồng bắc qua sông Hàn được nhiều trang giải trí, du lịch nổi tiếng trên thế giới đánh giá cao mỗi khi nhắc đến và trở thành biểu tượng du lịch mới của Đà Nẵng trong những năm trở lại đây. Cách cầu Rồng khoảng 1km, cầu Trần Thị Lý bắc qua sông Hàn, với hình ảnh cánh buồm căng gió vươn ra biển cũng trở thành một trong những điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách.
Có thể nói, từ cầu Sông Hàn, cây cầu của lòng dân được hình thành, tiếp đến sự ra đời “Thành phố của những cây cầu” nổi tiếng, Đà Nẵng đã thực sự có những bước chuyển mình vượt bậc. Từ thành phố tiềm năng, Đà Nẵng đã có những bước tiến nhanh, mạnh, thể hiện vị thế của thành phố động lực cho sự phát triển của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Xứng danh là thành phố du lịch, trẻ trung, năng động với những bãi biển đẹp và trải dài, những danh thắng nổi tiếng. Từng bước trở thành thành phố đáng sống về mọi mặt.