“Sài Gòn 2” ngày ấy, bây giờ!
- Dược liệu
- 12:36 - 28/03/2015
Sông Mao thời quá vãng!
Vượt qua chặng đường 200 km từ Nha Trang, chúng tôi đến Hải Ninh khi trời đã xế chiều. Xã Hải Ninh hiện ra thật khang trang, những cung đường bê tông rộng và thoáng, san sát nhau là những ngôi nhà mái bằng. Dưới ánh nắng chiều êm dịu và làn gió nhẹ của những ngày tháng 3, Hải Ninh trở nên yên bình đến lạ. Trước đây, vùng đất Hải Ninh nơi con sông Mao chảy qua, cũng là nơi có ga tàu lửa Sông Mao rộng lớn, người thời đó gọi vùng đất này là “Sài Gòn 2”. Các vị cao niên ở đây cho biết, Sài Gòn 2 không chỉ hàm ý nói vùng đất này phát triển gần giống với Sài Gòn, mà ở đây là vùng đất nổi tiếng các loại hình ăn chơi, tệ nạn xã hội, như chuyện “gái bao”, “gái nhảy”, cờ bạc, đề đóm… các binh lính sỹ quan ngụy thả sức “hưởng lạc”.
Ga Sông Mao.
Chiều nhạt dần, bóng tối đã bắt đầu in lên những vựa thanh long bạt ngàn, gió thổi cũng làm cho không khí nhẹ nhàng và êm dịu, tôi bắt đầu câu chuyện với anh Trần Bằng, một cựu chiến binh có nhiền năm gắn bó với vùng đất Sông Mao. Anh kể: “Tôi sinh ra ở Hải Ninh, lớn lên nhập ngũ, đi chiến đấu ở chiến trường Campuchia, thời gian sau đó chuyển về chiến đấu ở mặt trận Hải Ninh. Vùng đất Sông Mao có từ bao giờ khó có ai biết được, thế nhưng theo tôi được biết vùng đất Sông Mao trước đây bao gồm xã Hải Ninh bây giờ và vùng Chợ Lầu, nay là thị trấn Chợ Lầu thuộc huyện Bắc Bình. Bao biến cố đổi thay nhưng vùng đất này vẫn còn nguyên giá trị về mặt lịch sử”.
Nhấp ngụm trà, ngước nhìn về phía trung tâm xã Hải Ninh, ông Nguyễn Vân Tấn, một thương binh kể với chúng tôi lịch sử của vùng đất này: “Ngày đó chiến trường khốc liệt, ngụy quân chiếm đóng hoàn toàn khu vực Sông Mao, sau mỗi đợt càn quét sỹ quan ngụy được chuyển về đây nghỉ ngơi. Để phục vụ sỹ quan ngụy, chính quyền ngụy lúc bấy giờ đã cho xây dựng khu vực Sông Mao thành khu vực sầm uất, với đủ các loại hình dịch vụ ăn chơi. Cùng với đó là tệ nạn “gái bao”, “gái ôm”, cờ bạc, con đề… để thỏa mãn sự “vui vẻ” cho chúng. Nhiều khu nhà cao tầng, các biệt thự của lính ngụy cũng mọc lên nguy nga tráng lệ trên vùng đất này. Để phục vụ cho việc đi lại ngụy quân cũng đã xây dựng sân bay, nhà ga, các con đường được xây dựng theo hệ thống “bàn cờ” chằng chịt. Ga Sông Mao trở thành trung tâm huyết mạch giao thông, cũng vì thế mà phố xá ở đây thật nhộn nhịp. Ban đêm ánh điện lung linh với những quán trà, quán rượu với những gánh đào mua vui. Điều khiến lính ngụy thả sức vui chơi là những quán đèn mờ, những cô nàng uốn éo bên những tiệc rượu, những sòng bài thâu đêm…Thương nhân cũng đua nhau về đây buôn bán”. Cách Hải Ninh không xa, khu Chợ Lầu còn sầm uất hơn rất nhiều. Những căn nhà cao tầng mọc lên san sát. Đời sống của các gia đình ở đây đa số đều khá giả, họ chủ yếu là sỹ quan ngụy và thương nhân. Cái tên “Chợ Lầu” có lẽ hàm ý là vùng đất của những khu nhà lầu và khu vực giao thương buôn bán nhộn nhịp chẳng khác mấy so với Sài Gòn ngày đó.
Cuộc sống yên bình của người dân Sông Mao hôm nay.
Đối lập với lính ngụy, đời sống người dân ở đây lúc bấy giờ phải chịu sự đàn áp hàng ngày, ruộng vườn bị lính ngụy chiếm hết, buôn bán bị đánh thuế rất cao. Nhân dân theo cách mạng phải nép vào các bìa rừng sinh sống làm ăn, đời sống người dân bị o ép, bị đàn áp với những nỗi đau tột cùng.
Sức sống mới ở Sông Mao
Sau ngày giải phóng, vùng đất Sông Mao đã có nhiều thay đổi, toàn bộ khu vực “Sài Sòn 2” hầu như bị ngụy quân phá hủy hết sau khi rút chạy. Ông Vũ Chung Đức, Bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh cho biết: Sông Mao ngày nay đã có nhiều thay đổi, khu trung tâm “Sai Gòn 2” ngày đó giờ trở thành trụ sở UBND xã Hải Ninh, khu vực Chợ Lầu giờ là thị trấn Chợ Lầu, trụ sở UBND huyện Bắc Bình ngày nay cũng được xây dựng gần đó. Ga Sông Mao vẫn được sử dụng, ga cũng là một nhân chứng lịch sử bao đời, là một trong những nhà ga quan trọng ở khu vực Nam Trung bộ, nối liền huyết mạch giao thông tuyến đường sắt Bắc- Nam. Điểm nổi bật những tuyến đường nông thôn ở Hải Ninh hầu hết đã được bê tông hóa, đời sống người dân nơi đây được nâng lên rõ rệt. Toàn xã Hải Ninh giờ đây chỉ còn vài chục hộ nghèo, số hộ dân làm kinh tế giỏi, những mô hình chăn nuôi bò, sản xuất nông nghiệp giỏi không ngừng tăng lên.
Những vườn thanh long giúp người dân Sông Mao thay đổi cuộc sống.
Không giấu được niềm vui, ông Võ Ngọc Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Ninh khoe: “Xã Hải Ninh giờ là xã điểm của huyện Bắc Bình, năng suất nông nghiệp cũng cao nhất huyện, ở địa phương cây chủ lực là thanh long, nhờ có thanh long mà nhiều gia đình đã trở nên giàu có, khá giả, hàng nghìn ha thanh long xanh mướt đã phủ xanh những vùng đất đá sỏi, năm nay thanh long vào chính vụ được mùa, được giá từ 20.000- 25.000đồng/kg. Như vậy mỗi ha thanh long nông dân thu lãi từ 700 – 800 triệu đồng đã trừ chi phí. Không chỉ thế nhiều gia đình ở Hải Ninh còn có trang trại chăn nuôi hàng trăm con dê, vài chục con bò, không ít gia đình đã xây được nhà lầu, mua được xe hơi. Ngoài thanh long, người dân Hải Ninh còn tập trung trồng lúa nước ở những cánh đồng trũng để có lương thực phục vụ gia đình và thuận lợi cho việc chăn nuôi”.
Ông Long tiếp tục kể: “Ở Hải Ninh, 70% là dân tộc Hoa sinh sống, họ rất giỏi việc buôn bán giao thương, các loại hàng hóa, các gian hàng ở Hải Ninh ngày càng trở nên nhiều hơn. Ẩm thực ở đây cũng có những nét rất đặc biệt, như gỏi vịt, chao vịt, chả ram…có hương vị rất ngon, ăn một lần thì nhớ mãi. Ban đêm ở Hải Ninh các món ăn được nhiều người ưa thích, nên quán xá lúc nào cũng đông người đến thưởng thức…”. Xa xa, phía Chợ Lầu đèn điện sáng lấp lánh, đây là khu vực thương mại phát triển nhất vùng, cũng là khu vực dân cư tập trung đông nhất. Những khu phố nhộn nhịp, những gian hàng cao cấp, tiếng người chào bán hàng vui vẻ trong đêm, thể hiện một cuộc sông ấm no, yên bình.
Ông Trần Bằng (đứng giữa) cùng các cựu binh ở Sông Mao.
Đêm Sông Mao thật im ắng, thế nhưng bên ngoài những cánh đồng thanh long, người lao động vẫn đang kiểm tra bóng điện thắp sáng cho cây. Ông Long thầm thì với chúng tôi: “Trồng thanh long cho thu nhập cao, nên người dân yêu quý và dành cho cây thanh long sự chăm sóc ân cần, từ tỉa cành, bón phân, phun thuốc …đều phải theo một quy trình, thắp điện cho cây vào ban đêm nhằm kích thích cây ra quả nhiều hơn”. Khi tới đây, nhìn những vựa thanh long chúng ta đã có thể mường tượng được cuộc sống ấm no của người dân nơi đây. Đêm đã về khuya, vùng đất Sông Mao được ví như “Sài Gòn 2” một thuở, càng trở nên sâu lắng, văng vẳng là tiếng lạch cạch của những quán hàng dọn muộn, thầm mong cho người dân nơi đây luôn thịnh vượng, phát triển bền lâu.