THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:34

Sức mạnh của báo chí nhìn từ những đại án tham nhũng kinh tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, coi báo chí cách mạng như một vũ khí tư tưởng sắc bén, là tiếng nói của Đảng và Nhà nước. Nhà báo được ví như những chiến sĩ trên mặt trận thông tin, truyền thông và văn hóa, tư tưởng. Báo chí là tấm gương phản chiếu đời sống kinh tế - chính trị - xã hội, là một bộ phận không thể tách rời trong đời sống tinh thần của nhân dân và có tác động mạnh mẽ đối với toàn xã hội. Nhiều năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta luôn xác định phải kiên quyết trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, coi đó là giải pháp giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Hội thảo báo chí với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí

Có thể nói, báo chí đã có nhiều đóng góp rất quan trọng trên mặt trận phòng, chống tham nhũng bằng việc giám sát tham nhũng và nâng cao dư luận xã hội về tham nhũng. Từ những vụ án như Bùi Tiến Dũng, Trịnh Xuân Thanh, Dương Chí Dũng, Giang Kim Đạt cho tới những đại án kinh tế xảy ra tại ngân hàng xây dựng (VNCB), ngân hàng Đại Dương (OceanBank), ngân hàng Công thương (VietinBank), ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Agribank),... cho thấy vai trò quan trọng của báo chí cách mạng trong quá trình điều tra chống tiêu cực, tham nhũng. Nếu như tiền tệ được ví như mạnh máu của nền kinh tế thì hệ thống tài chính, ngân hàng là hệ tuần hoàn máu của nền kinh tế. Những kẻ tham nhũng đã ngăn chặn dòng máu lưu thông, làm cho nền kinh tế thiếu vốn dẫn đến trì trệ sản xuất và nhiều hệ lụy khác.

Ngoài những đại án tham nhũng kinh tế, gần đây nhiều vụ “tham nhũng quyền lực” cũng đã bị báo chí điều tra, phanh phui. Một số người được bổ nhiệm “đúng quy trình” nhưng có nhiều sai sót đã tự nguyện xin rút khỏi chức vụ. Tuy nhiên, họ vẫn để lại những dấu ấn không tốt trong niềm tin của nhân dân. Những trường hợp như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Quang Hải, Vũ Minh Hoàng, Phạm Văn Kháng, Nguyễn Văn Cảnh,… đã gây bất bình dư luận. Từ vụ việc một chiếc xe sang gắn biển số xanh ở tỉnh Hậu Giang mà báo chí phản ánh đã lộ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến quá trình đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ trong vụ Trịnh Xuân Thanh. Qua điều tra sâu, báo chí phát hiện những sai phạm nghiêm trọng của Trịnh Xuân Thanh trong thời gian công tác tại PVN và Bộ Công thương. Gần đây nhất, ngay sau khi báo chí phản ánh về việc sở hữu khối tài sản khủng của một Thứ trưởng Bộ Công thương và gia đình của vị này (xin không nêu tên), Tổng Bí thư đã yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ. Tài sản tham nhũng đã chui qua “lỗ hổng” pháp lý. Hiện nay, pháp luật của ta còn nhiều lỗ hổng, tạo cơ hội cho các đối tượng phạm tội tẩu tán tài sản tham nhũng, rửa tiền.

Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí đã tích cực tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI); các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chức năng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng,…

Nhà báo cần được bảo vệ trong “cuộc chiến” chống tham nhũng

Tham nhũng hiện đang là “quốc nạn”, là ung nhọt của xã hội. Tham nhũng được ví như những chiếc vòi bạch tuộc vương đến mọi ngành nghề trong xã hội từ xây dựng cơ bản cho tới mua sắm trang thiết bị y tế,... Tham nhũng đã kìm hãm quá trình phát triển của xã hội văn minh và tước đoạt tài sản của nhân dân. Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, cần sự đồng lòng của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội. Theo số liệu thống kê, số vụ tham nhũng bị phát hiện và xử lý rất ít so với thực trạng tham nhũng trong xã hội. Điều đáng nói là hầu như các vụ tham nhũng chủ yếu là do nhân dân và các cơ quan báo đài phát hiện, rất ít vụ việc được phanh phui từ các cơ quan, tổ chức. Chống tham những tức là đụng đến lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Do đó, những người phát hiện hành vi tham nhũng trở thành những đối tượng bị theo dõi, chi phối, mua chuộc. Khi không mua chuộc được nhà báo, chúng lại quay ra trả thù.

Vai trò của nhà báo trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được pháp luật xác định rõ ràng. Để hoàn thành vai trò, trách nhiệm trong việc phát hiện tham nhũng, nhà báo có các biện pháp tác nghiệp theo quy định của pháp luật. Cơ sở pháp lý để nhà báo tác nghiệp, thực hiện chức năng của mình là Luật báo chí, Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một cơ chế pháp lý cụ thể để bảo vệ nhà báo trong các trường hợp nhà báo khi tác nghiệp bị cản trở, thậm chí bị đe dọa, hành hung hoặc bị trả thù sau khi công bố kết quả phát hiện, xác minh, thu thập thông tin. Hy vọng các cơ quan chức năng sớm có những biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ an toàn tính mạng cho nhà báo trong quá trình tác nghiệp, điều tra chống tham nhũng.                                                                              

Ths. HOÀNG TRỌNG LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh