Sức khoẻ sinh sản cho nữ công nhân: Khoảng trống khó lấp đầy
- Y học 360
- 23:14 - 27/03/2017
Mơ hồ về kiến thức sức khoẻ sinh sản
Trong căn phòng trọ chừng 8m2 tại thôn Bầu, Đông Anh, với cái bụng bầu vượt mặt nhưng Nguyễn Thị Lan (quê Yên Dũng, Bắc Giang) vẫn phải khệ nệ bê chậu quần áo đầy ắp đi giặt. Lan ngậm ngùi kể, em và Nam yêu nhau được hơn một năm thì có bầu ngoài ý muốn. Mãi đến khi thai được 10 tuần thì em mới biết. Gia đình Nam (Ứng Hòa, Hà Nội) không đồng ý. Hai đứa cũng tính đi bỏ thai nhưng thai quá to, em thương con nên cố giữ lại. Em không dám về quê vì sợ mang tiếng “không chồng mà chửa”. Thương em, Nam đành về quê năn nỉ bố mẹ cho làm thủ tục cưới chạy bầu. “Gọi là cưới cho oai, chứ bọn em không được mặc quần áo cưới. Gia đình Nam chỉ có cái lễ nho nhỏ lên nhà em. Xong thủ tục, em theo Nam về ra mắt gia đình rồi quay lên Hà Nội ở. Giờ thì cả nhà chỉ trông chờ vào đồng lương của Nam” – Lan ngân ngấn nước mắt.
Nghiên cứu của Sở Y tế Hà Nội về vấn đề sức khỏe sinh sản và bạo lực trên 1.120 nữ công nhân dưới 30 tuổi ở Hà Nội cho thấy họ có rất ít kiến thức về biện pháp phòng tránh thai đáng tin cậy. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, có 13% nữ công nhân ở nhà máy đã từng bị nạo thai. Đặc biệt, có nhiều trường hợp nữ công nhân mang thai hoặc sinh con ngoài ý muốn buộc phải bỏ con, hay phải bỏ việc để về quê sinh con gây khó khăn lớn cho cả trẻ và bà mẹ đơn thân.
Tại hội thảo vận động chính sách thúc đẩy quyền sức khỏe sinh sản và tình dục cho thanh niên công nhân các khu công nghiệp Hà Nội, ông Vũ Bá Quyết, Giám đốc Trung tư vấn phòng chống bạo lực giới, Bệnh viện đa khoa Đức Giang dẫn chứng thêm, có khoảng 20% trên tổng số 20.000 lượt khách hàng cần tư vấn của trung tâm liên quan đến quan hệ tình dục trước hôn nhân. Trong số này, chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp và khu chế xuất. Theo ông Quyết, nhiều nữ công nhân trên địa bàn thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản và tình dục, thiếu trách nhiệm với bản thân dẫn đến tình trạng nạo phá thai không an toàn, bị bạo lực gia đình. Họ bị ép quan hệ tình dục nhưng vẫn nghĩ thân làm con gái, làm vợ thì điều đó là dĩ nhiên. Thế nên, số phụ nữ bị lạm dụng tình dục ngày một tăng...
Bác sỹ Trần Thị Minh Tâm, Trung tâm y tế Sóc Sơn cho biết: “Trên địa bàn huyện có khoảng 10 nhà máy xí nghiệp trong đó đa phần là nữ công nhân trẻ. Khi các công nhân đến khám và điều trị, chúng tôi nhận thấy hầu hết các bạn rất mơ hồ kiến thức sức khỏe sinh sản. Vì thế các em hay bị mang thai ngoài ý muốn, bị lây nhiễm các bệnh phụ khoa, các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Trung bình mỗi tháng trung tâm tiếp nhận 5-10 ca bỏ thai khi chưa kết hôn.”
Cần có những quy định cụ thể
Bác sỹ Phạm Vũ Thiên, Phó giám đốc CCHIP cho hay, nhiều nữ công nhân chưa có đầy đủ kiến thức dự phòng và các biện pháp tránh thai an toàn nên thường xảy ra tình trạng có thai ngoài ý muốn. Khi đó, họ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề, dẫn đến khó khăn chồng chất.
Lý giải cho "lỗ hổng" về cung cấp thông tin, kiến thức cho công nhân, bà Vũ Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Hà Nội nhận định: "Nữ công nhân có nhu cầu chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản rất lớn nhưng việc tiếp cận thông tin và dịch vụ còn hạn chế". Theo bà Hương, một phần nguyên nhân là do sự bất cập của chính sách y tế và quản lý khu công nghiệp. Vì công nhân là nhóm nằm ngoài “vùng phủ sóng” của Sở Y tế thành phố. Bởi họ không có hộ khẩu Hà Nội, lại sinh hoạt trong khu công nghiệp. Những dịp để Sở Y tế truyền thông hay có những buổi khám định kỳ thì đều không tiếp cận đến họ.
Nhiều năm gắn bó với công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho công nhân, bà Phùng Thị Hiên – cán bộ phụ trách dự án Nhịp sống trẻ dành cho công nhân khu công nghiệp (Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số CCIHP) cho biết, các chính sách chăm sóc sức khỏe cho thanh niên là khá đầy đủ. Tuy nhiên, công nhân là đối tượng đặc thù, họ phải làm ca kíp, trong khi các cơ sở chăm sóc sức khoẻ sinh sản công lập chỉ làm việc ban ngày, không làm vào ngày nghỉ. Các nguồn thông tin về sức khoẻ sinh sản cũng bị hạn hẹp. Do đó, họ không có điều kiện chăm sóc sức khoẻ sinh sản định kỳ, không tiếp cận được các dịch vụ tư vấn sức khoẻ sinh sản hiện nay. Chính vì vậy, đa số họ đi khám tại các phòng khám tư vào buổi tối. “Chúng tôi có dự án tuyên truyền chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho công nhân, tuy nhiên khi liên hệ với doanh nghiệp, nhiều nơi đã từ chối vì “công nhân còn phải làm việc”. Theo bà Hiên, Nhà nước cần có quy định cụ thể yêu cầu doanh nghiệp phải có các buổi chăm sóc sức khoẻ sinh sản định kỳ cho công nhân.