THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:10

Sửa đổi Thông tư 30 trước thềm năm học mới

Thông tư 30 vẫn còn những hạn chế

Theo Bộ GD&ĐT, tổng hợp từ báo cáo của 63 Sở GD&ĐT cuối năm học 2015 - 2016 cho thấy, hầu hết giáo viên đều nhận thức được tính nhân văn, những quan niệm mới của Thông tư 30. Giáo viên đã thay đổi, chuyển từ việc đánh giá nặng về kiến thức sang đánh giá toàn diện học sinh về cả năng lực và phẩm chất, chuyển từ đánh giá kết quả, chú trọng về điểm số sang nhận xét đánh giá quá trình học tập của học sinh, nhằm giúp học sinh học ngày càng tiến bộ và học tốt hơn.

Thông tư 30 đã giúp học sinh bước đầu biết cách tự đánh giá bản thân mình và biết nhận xét góp ý cho bạn. Cán bộ quản lý, bước đầu đã quan tâm hơn đến việc tạo điều kiện cho giáo viên giúp đỡ, hỗ trợ học sinh phát huy tính tích cực trong học tập. Góp phần giảm tình trạng dạy thêm, học thêm, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích. Tuy nhiên, việc thực hiện Thông tư 30 vẫn còn có một số hạn chế. Theo ông Trần Quốc Thắng, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT Quảng Bình), nguyên nhân chính là do sĩ số lớp quá đông vượt quá qui định nên GV khó có thể quán xuyến sát sao từng em; giáo viên chuyên biệt thì phải dạy nhiều lớp rất vất vả trong việc đánh giá HS. Hơn nữa, Bộ GD&ĐT triển khai Thông tư 30 gấp gáp, nên công tác quản lý ở một số trường chưa thay đổi kịp thời, đồng bộ với đổi mới cách dạy, cách học và còn nhiều hồ sơ, sổ sách, gây áp lực cho giáo dục trong việc đổi mới đánh giá HS.

Thông tư 30 được ban hành từ năm học mới 2014 – 2015. 

Thầy giáo Hoàng Quốc Nam, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Quảng Sơn (Quảng Bình) cho biết: "Bên cạnh những ưu việt mà Thông tư 30 đem lại, như giảm áp lực học tập, đối với những em có năng lực hạn chế không bị tâm lý tự ti, mặc cảm, nhưng đến thời điểm này Thông tư 30 vẫn còn những vướng mắc. Đó là phụ huynh có thói quen xác định việc học tập của con qua điểm số và không đồng tình theo cách đánh giá mới vì họ cho rằng điểm số vẫn thực chất hơn. Bên cạnh đó, có một bộ phận giáo viên vẫn chưa bắt nhịp, thực hiện một cách đối phó, chưa làm tốt việc đánh giá bằng lời khiến phụ huynh băn khoăn.

Sửa đổi Thông tư 30 trong tháng 8

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sau 2 năm thực hiện Thông tư 30 đã cho thấy tính ưu việt, nhân văn của cách đánh giá này, tuy vậy vẫn còn tồn tại nhiều điểm hạn chế.  Mặc dù chủ trương là tốt, nhân văn song mô hình vẫn chưa được kiểm chứng. Thực tế trong giáo dục lại rất phức tạp. Vì thế, chúng ta phải đi từng bước, thí điểm rồi tổng kết sau đó mới mở rộng và tiếp tục bổ sung. Đằng này chúng ta lại áp dụng đại trà ngay nên vướng mắc là điều khó tránh khỏi. Các giáo viên trước khi chuyển sang phương pháp đánh giá mới cũng cần được đào tạo. Việc đưa vào áp dụng đại trà quy định của Thông tư 30 khiến nhiều giáo viên không theo kịp nên bị sốc. Đó là chưa kể một số địa phương, nhà trường còn thêm vào nhiều yêu cầu khác khiến quy định này trở nên phức tạp hơn. “Đề nghị tiếp tục sửa Thông tư 30 theo tinh thần ngắn gọn, dễ nhớ, dễ làm và "không cầm tay chỉ việc". Những việc gì của thầy cô, nhà trường và địa phương thì để thầy cô tự giải quyết, không đưa vào thông tư”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin, sau khi nhóm biên tập sửa lại gọn gàng nội dung thông tư mới, bản thân Bộ trưởng sẽ đọc duyệt và gửi cho các giám đốc sở GD&ĐT để có ý kiến. "Chúng ta phấn đấu để ban hành thông tư sửa đổi vào cuối tháng 8 này, trước ngày khai giảng", Bộ trưởng chỉ đạo. "Quan điểm của tôi là khi ban hành văn bản mà phát hiện bất cập thì phải sửa ngay, không cần phải xấu hổ. Vì một ngày mà bất cập thì bao nhiêu giáo viên phải vướng, bao nhiêu học sinh phải chịu đựng", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Về vấn đề mô hình trường học mới VNEN, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: "Đây là một phương thức tổ chức đào tạo tốt, qua thực hiện thấy nhiều ý kiến phản hồi tốt, nhiều địa phương vận dụng linh hoạt và đạt được kết quả như Lào Cai, Hà Nội"... Bộ trưởng cũng cho biết, chủ trương của Bộ là mô hình VNEN là mô hình tốt, có thể tiếp tục thực hiện. Vì thế, tới đây, Bộ sẽ có công văn gửi tới các tỉnh để nói rõ những thành công và những điểm bất cập của mô hình trường học mới VNEN. Từ đó các tỉnh sẽ căn cứ vào tình hình địa phương mình, áp dụng những cái hay, phù hợp.          

HOA HẠ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
2 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh