THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:32

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Thông tư 30 cần tránh duy ý chí"

Báo cáo với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong chuyến thăm và làm việc với Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Hồ Chí Minh) sáng 6/6, cô Lâm Hồng Lãm Thúy, hiệu trưởng nhà trường cho biết trường đã có 2 năm thực hiện Thông tư 30 (TT30) theo quy định của Bộ GD&ĐT, bên cạnh những ưu điểm cũng có nhiều hạn chế.

“Trường có số lượng học sinh đông, một giáo viên tiểu học dạy nhiều môn, nên việc ghi nhận xét vào vở cho học sinh khiến để giáo viên rất khó ghi hết nhận xét, sát sao đến từng quyển vở.

 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thông tư 30
 

Cũng đã có biện pháp tháo gỡ bằng cách trong mỗi tiết học giáo viên được cân nhắc nhận xét một tỉ lệ học sinh nhất định chứ không cần nhận xét hết. Tuy nhiên, việc nhận xét ít học sinh lại làm thầy cô không yên tâm, nên thường cố gắng nhận xét nhiều, nhận xét hết học sinh” – cô Thúy cho biết.

Cô Thúy cũng mong muốn Bộ, sở có chỉ đạo để thầy cô thực hiện TT30 được thuận tiện hơn.

Về TT30, ông Nhạ cho rằng đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phải có cả đổi mới kiểm tra, đánh giá.

“Mục tiêu, ý nghĩa của TT 30 rất tốt, đánh giá mọi mặt để giúp trẻ hoàn thiện chứ không để lấy điểm thi hay gây ra áp lực so sánh. Đây là một phương thức nhiều nước đang dùng. Nhưng khi thực hiện, bên cạnh cái được, các thầy cô cũng phải thực tế, điểm gì tốt phải trân trọng”.

Bộ đang chỉ đạo rà soát, đánh giá nghiêm túc lại việc thực hiện TT30. Theo đó, lộ trình, bước đi phải xem xét. Với những lớp đông học sinh quá sẽ rất khó để các thầy cô đánh giá.

Tâm thế của giáo viên chuyển từ cho điểm rất nhanh sang phải nhận xét từng em đúng là “gánh nặng”. Người giáo viên bị áp lực như vậy làm sao vui được, họ không còn hồn nhiên nữa, dễ sinh ra quát mắng học trò.

“Chủ trương, phương thức tốt nhưng áp dụng chưa chắc đã được” – ông Nhạ bình luận và cho rằng cái hay của TT30 thì đã biết rồi. “Giáo dục tiểu học phải đi theo mô hình đánh giá này, nhưng phải bước đi như thế nào để tránh duy ý chí”.

Những địa phương, thành phố có sĩ số lớp quá đông phải có cách như thế nào. Phải tuyên truyền, chuẩn bị tâm thế cho cả phụ huynh lẫn thầy cô. Có rất nhiều thứ phải làm, nhưng nên theo hướng thí điểm, mỗi trường lựa chọn một vài lớp, tập trung làm thí điểm trong 1, 2 năm hay 5 năm, rồi nhân rộng chứ không phải dàn hàng ngang ngay một lúc. “Cố gắng nhanh nhưng không phải vì nhanh mà hỏng” – ông Nhạ nhấn mạnh.

Ông Nhạ bày tỏ mình cũng muốn nghe từ giáo viên những giải pháp để thực hiện hiệu quả TT30 chứ không phải chỉ là nghe về những khó khăn.

Về phần mình, người đứng đầu ngành giáo dục gợi ý một số giải pháp.

Cụ thể, theo ông Nhạ, phải tập huấn để giáo viên hiểu thật rõ về TT30, để họ không lơ mơ, không miễn cưỡng thực hiện. Ứng dụng CNTT để lượng hóa việc đánh giá cũng là việc mà ông Nhạ cho rằng sẽ làm giảm gánh nặng công việc cho giáo viên.

“Ví dụ có 7, 8 khía cạnh nhận xét, nếu ứng dụng CNTT chỉ việc đánh dấu vào thì sẽ rất nhanh” – ông Nhạ cho biết đang chỉ đạo xây dựng phần mềm này.

Cũng theo ông Nhạ, phụ huynh phải tham gia để tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện TT30.

“Có khung, có lộ trình và không thể thiếu được sự đầu tư. Với những lớp học có sĩ số học sinh lớn cần phải tăng cường thêm giáo viên. Và khi yêu cầu giáo viên đánh giá học sinh kỹ hơn, toàn diện hơn lương thưởng cũng phải thay đổi. Việc không tăng thu nhập cho giáo viên khi công việc phát sinh là không công bằng đối với giáo viên” – ông Nhạ nhấn mạnh và khẳng định trong việc thực hiện TT30 nếu chỉ quan tâm tới khía cạnh khoa học của phương pháp mà quên đi lộ trình và các vấn đề liên quan thì hiệu quả thực hiện sẽ thấp.

Giáo dục không phải là phong trào

Đề cập tới việc toàn trường có 1.800 học sinh nhưng chỉ có 130 cán bộ giáo viên, ông Nhạ đã đặt câu hỏi cho thầy cô Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Các thầy cô đã phấn đấu, nhưng có tiếp tục lâu dài được không?”.

“Giáo dục không phải là phong trào” – người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định – “mà đó là kết quả tự nhiên từ hướng đi đúng, việc làm đúng của thầy và trò, trong đó có sự tham gia tự nguyện của phụ huynh”.

Ông Nhạ mong muốn giáo viên phải tranh thủ, cố gắng hơn nữa trong việc bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để đạt chuẩn mới.

“Chuẩn giáo viên hiện nay là chuẩn của phương pháp truyền thụ kiến thức. Sắp tới chuyển sang phương thức phát triển năng lực học sinh, vì vậy chuẩn giáo viên cũng phải thay đổi. Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo các vụ, cục, cùng các chuyên gia trong và ngoài nước xây dựng chuẩn giáo viên phù hợp yêu cầu mới. Giáo viên bậc tiểu học sẽ có chuẩn mới, có sự thay đổi dù không nhiều nếu so với bậc THCS và THPT” – ông Nhạ cho biết.

Về việc đổi mới phương thức tổ chức giảng dạy, ông Nhạ cho rằng với một lớp đông học sinh cần lưu ý trong việc áp dụng mô hình trường học mới để tránh hình thức.

“Mô hình tốt nhưng nếu chưa chuẩn bị tốt, tâm thế của giáo viên, phụ huynh, học sinh chưa sẵn sàng thì khi thực hiện sẽ gặp khó khăn”. Theo ông Nhạ, chỉ những gì đã chắc chắn thì mới nên làm trước, những gì chưa “chín” có thể chờ đợi để rút kinh nghiệm. “Giáo dục phải bền vững chứ không nóng vội. Khi đổi mới phương pháp tổ chức giảng dạy phải tính đến sự căn bản và lộ trình thực hiện. Chúng ta khuyến khích cái mới, nhưng đổi mới nếu không đồng bộ sẽ có mặt trái”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
2 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh