Sửa đổi quy định về xử lý vi phạm dân số: "Vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con"
- Dược liệu
- 21:18 - 07/01/2018
Ảnh minh họa
Mục tiêu của Chương trình nhằm xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW.
Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, của cả hệ thống chính trị và nhân dân đối với công tác dân số trong tình hình mới; khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác dân số thời gian qua, đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu, phấn đấu các chỉ tiêu cụ thể của Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững...
Chương trình đã đề ra 7 giải pháp cụ thể để đạt được các mục tiêu như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp; đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ dân số; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số; tăng cường hợp tác quốc tế.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với thực trạng mức sinh của từng vùng, đối tượng theo hướng sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao, sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp, duy trì mức sinh thay thế trên toàn quốc; đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành hướng dẫn đưa chính sách dân số vào hương ước, quy ước của thôn, bản, tổ dân phố phù hợp với các quy định của pháp luật; rà soát, kiến nghị điều chỉnh hoặc bãi bỏ các quy định về xử lý vi phạm trong công tác dân số không phù hợp với quy định của pháp luật.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án tầm soát, chuẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 nhằm phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; dịch vụ tầm soát, chuẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh, tật trước sinh, sơ sinh và hỗ trợ sinh sản...
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế đổi mới phương thức cung cấp, đưa dịch vụ tới tận người sử dụng; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ y - sinh học, công nghệ thông tin trong triển khai và quản lý dịch vụ dân số.