Sửa đổi đối tượng của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn
- Bài thuốc hay
- 13:20 - 07/07/2015
Qui định độ tuổi học nghề
Trước đó, theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, đối tượng của Đề án 1956 là lao động nông thôn(LĐNT) trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Trong đó, ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác.
Nghề thêu ở huyện Thường Tín(TP.Hà Nội)
Theo Quyết định 971/QĐ-TTg mới quy định trên đã được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, đối tượng của Đề án 1956 là LĐNT từ đủ 15 tuổi đến 60 tuổi (đối với nam), 55 tuổi (đối với nữ), có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học, bao gồm: Người lao động có hộ khẩu thường trú tại xã; Người lao động có hộ khẩu thường trú tại phường, thị trấn đang trực tiếp làm nông nghiệp hoặc thuộc hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi.
Trong các đối tượng nêu trên, ưu tiên đào tạo nghề cho người lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, ngư dân.
Đề án 1956/QĐ-TTg ban hành trước đây đặt mục tiêu cụ thể giai đoạn 2016-2020 là đào tạo nghề cho 6 triệu LĐNT, trong đó, khoảng 5,5 triệu lao động được đào tạo nghề (1,4 triệu người học nghề nông nghiệp và 4,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp). Sau đào tạo, ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.
Học nghề nuôi cá ở huyện Gia Lộc (Hải Dương)
Bên cạnh đó, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu cho khoảng 500.000 lượt cán bộ, công chức xã đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Đào tạo chủ yếu là dạy thực hành
Quyết định 971 cũng bổ sung quy định tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT. Cụ thể, việc tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT (bao gồm cả đào tạo nghề nông nghiệp và đào tạo nghề phi nông nghiệp) chủ yếu là dạy thực hành và được thực hiện tại nơi sản xuất. Thời gian đào tạo phải phù hợp với nghề đào tạo, đặc điểm của quy trình sản xuất, quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi ở từng vùng, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu của người học.
Các nghề đào tạo phải đa dạng, cụ thể, theo nhu cầu của người học và thực tiễn sản xuất; từ đào tạo một công đoạn, một kỹ năng nghề nhất định, đến đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ một cách đầy đủ, toàn diện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Học nghề trồng nấm rơm
Tổ chức lồng ghép, huy động các nguồn lực trong đào tạo nghề cho LĐNT một cách linh hoạt, phù hợp giữa các đề án, chương trình, nhất là chương trình phổ biến, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật cho cộng đồng; giữa các chính sách khác nhau, các đối tượng đào tạo, các địa phương; lồng ghép với các vấn đề về giới, về môi trường, văn hóa, xã hội kiến thức kinh doanh linh hoạt, phù hợp với LĐNT, đối tượng người học trong quá trình đào tạo nghề cho để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Phụ nữ nông thôn học nghề may dân dụng
Bên cạnh đó, thu hút các cơ sở đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề cho LĐNT không phân biệt cơ sở công lập hay ngoài công lập. Khuyến khích, hỗ trợcác doanh nghiệp chủ động đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề cho người lao động. Tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT theo các mô hình đã thí điểm có hiệu quả; đào tạo nghề tại doanh nghiệp, vùng chuyên canh, xã xây dựng nông thôn mới, làng nghề. Tiếp tục nhân rộng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả của các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, gắn đào tạo nghề với hỗ trợ vốn sản xuất, tạo việc làm cho LĐNT.