Sửa 56km đường đặt 2 trạm thu phí: Quan nói dân được lợi?
- Huyệt vị
- 16:14 - 04/06/2016
Do địa hình đặc thù
QL19 nối 2 tỉnh Gia Lai- Bình Định có chiều dài 240km, nhưng Công ty TNHH BOT 36.71 chỉ thi công 56,6 km đường (23,3km thuộc địa phận Gia Lai, còn lại thuộc địa bàn Bình Định). Công ty này đã đặt 2 trạm thu phí ở 2 tỉnh này với mức thu thấp nhất là 35 nghìn đồng/lượt xe, cao nhất là 200 nghìn đồng/lượt xe (tùy từng loại xe).
Điều đáng nói, đoạn quốc lộ giữa 2 trạm thu phí trên không được thi công, đã xuống cấp khá nhiều, nhiều đoạn xuất hiện ổ voi, ổ gà, chính vì thế, khiến người dân rất bức xúc.
Trao đổi với Đất Việt, ngày 3/6, ông Võ Văn Văn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết: "Việc thu phí là theo dự án đặt 2 trạm thu phí tại Gia Lai và Bình Định của Bộ GTVT.
Chính thức thu phí từ ngày 1/6/2016, cả 2 trạm thu phí trên đã chính thức bắt đầu hoạt động, có muốn thay đổi cũng không được. Dự án được Bộ Tài chính cho phép thu phí và được làm theo lộ trình Thông tư 59 của Chính phủ, chính quyền địa phương 2 tỉnh cũng phải làm đi làm lại nhiều lần mới chọn được vị trí phù hợp.
Đặc biệt, việc thi công bao nhiêu km đường đã được Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT phê duyệt rất chặt chẽ, quy củ.
Hiện nay, Công ty TNHH BOT 36.71 mới sửa chữa được tầm khoảng 60km, ở đoạn đầu và đoạn cuối, còn đoạn giữa thì lại dùng vốn bảo trì đường bộ để duy tu, sửa chữa hàng năm.
Cụ thể là đoạn từ Quy Nhơn - TP Pleiku, mới được nâng cấp 1 nửa, còn 1 nửa do nguồn vốn chưa đủ, nên chưa tiếp tục làm được, đây là nguyên nhân chưa nâng cấp được toàn tuyến".
Theo ông Văn, quy định của Bộ Tài chính là 70km mới được lắp 1 trạm thu phí, nhưng do đặc thù địa lý, hai tỉnh đều muốn để ra xa thành phố, cho nên, giữa hai trạm cự ly cách nhau không được 70km. Nếu đặt lại trạm thu phí gần dưới thành phố Pleiku thì đủ tiêu chuẩn 70km, nhưng lại gần trung tâm, việc đi lại của dân khó khăn hơn nhiều.
Trong khi, nếu người dân đi đường dài thì dù có cách nhau 70km thì vẫn phải qua 2 trạm thu phí, còn nếu người dân đi đường ngắn, trong phạm vi gần loanh quanh thành phố, cách 30-40km thì không phải trả phí.
Ví dụ như trước đây, nếu đi từ TP Quy Nhơn lên đến huyện Vũ Phong, cũng phải mua vé, nhưng giờ trạm thu phí đã đẩy lên huyện Mang Yang, lên nếu người dân đi lên Vũ Phong thì không cần mua vé. Chính vì vậy, khoảng cách các trạm 56km hay 70km thì cũng vậy.
"Hiện nay, người dân ở quanh vùng thành phố thì lại ủng hộ việc đặt trạm thu phí bên ngoài trung tâm, chỉ có doanh nghiệp chạy đường dài thì thấy bức xúc vì các trạm thu phí gần nhau quá.
Thế nhưng, cũng phải nhìn thấy những mặt lợi, giả dụ như trước đây từ Pleiku đi Quy Nhơn mất 4h, giờ làm đường xong đi chưa đầy 3h, tuy chỉ làm 56km nhưng đường đi êm hơn, thuận tiện hơn, nguyên liệu đỡ tốn kém hơn, nên phải chấp nhận", ông Văn giải thích.
Chỉ sửa chữa qua loa
Trong khi đó, dưới góc độ doanh nghiệp vận tải, ông Đoàn Đức Lập, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Gia Lai bức xúc: "Cả tuyến đường dài 240km nhưng công ty trên chỉ thi công 1/4 đoạn đường và đặt tới 2 trạm thu phí. Những đoạn đường còn lại, có nhiều nơi đã xuống cấp rất nhiều, ổ voi, ổ gà dày đặc như đoạn qua địa bàn huyện Đăk Pơ, nhưng lại không được thi công.
Giờ chi phí chở khách, chở hàng hóa đã tăng lên rất nhiều, nhưng theo quy định không thể tăng giá vé, vì giá vé chỉ tăng giảm theo giá xăng dầu, nên các doanh nghiệp cũng phản ánh nhiều về Hiệp hội".
Điều quan trọng, theo ông Lập, nói là sửa chữa, nâng cấp đường, nhưng thực chất thì chỉ mở rộng ra 1 chút, đào kè 2 bên lề đường.
Thậm chí, hiện nay đang có xu hướng chạy làm quốc lộ để thu phí, bỏ tiền ra sửa chữa, trải lại bề mặt đường 1 chút, dùng xe lu lún mặt đường lại, nhưng báo cáo suất đầu tư cao, rồi tiến hành thu phí.
Như các tuyến đường 50km mà sửa mất 2000 tỷ đồng, thực tế chỉ làm hết 1000 tỷ, còn lại thì vay nhưng làm việc khác. Số tiền các nhà đầu tư đứng ra đều vay tiền Ngân hàng, mà đó cũng là tiền của dân.
"Trong khi, phí bảo trì đường bộ cũng thu rất cao, như tôi được biết, chỉ trích 1% lại từ số tiền thu được, mà 1 tháng được vài chục triệu, 1 năm có lên đến vài trăm triệu đồng. Chỉ cần có 100 chiếc xe, 1 năm cũng có hàng trăm triệu tiền thu phí đường bộ.