THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:50

Sự tri ân không bao giờ là đủ

Vậy những nhân tố nào đã thúc đẩy nhanh quá trình mà các nhà sử học gọi là “tảo thục” (chín sớm) ấy ?

Sinh cơ lập nghiệp trên một vùng đất thuận lợi cho nghề trồng lúa nước, nhưng điều kiện tự nhiên cũng đặt ra những thử thách hiểm nghèo. Trước hết đó là sự đe dọa thường xuyên của thiên tai với mưa, lũ, bão, ẩm và dịch bệnh.

Nước lụt thì lút cả làng

Đắp đê phòng lụt thiếp chàng phải lo

Câu ca dao chắc hẳn ra đời sau này, nhưng là sự tổng kết, đúc rút của cư dân Việt trải hàng nghìn năm qua hàng trăm thế hệ. Không phải ngẫu nhiên mà trong truyền thuyết dân gian, truyện Sơn tinh-Thủy tinh lại được coi là một trong hai thiên huyền thoại mở nước. Việc tổ chức đắp đê, trị thủy là đòi hỏi khách quan cho sự ra đời một tổ chức đứng trên các làng xã – một nhà nước thiên về chức năng đại diện hơn là một bộ máy cai trị. Nhà nước này làm chức năng huy động  lực lượng đắp đề và điều phối các hoạt động liên quan đến phòng chống thiên tai và những công việc liên quan đến thủy lợi.

Cùng với áp lực đến từ thiên nhiên, xét từ góc độ địa – chính trị, người Việt còn phải đối mặt với hoàn cảnh lịch sử vô cùng nghiệt ngã. Do phải sống cạnh một chế chế hùng mạnh mà bành trướng, chinh phục các dân tộc láng giềng luôn là tham vọng thường trực, tổ tiên chúng ta đã phải gồng mình lên để tồn tại. Hình ảnh cậu bé lên ba phải vươn dậy thành tráng sĩ, nhổ tre gai làm vũ khí đánh giặc là biểu tượng huyền thoại sinh động của một sự thật lịch sử: ngay từ thuở ban đầu, người Việt đã phải căng sức ra, lien tục chống lại các cuộc xâm lấn từ phương Bắc. Nhà nước ra đời sớm còn là đáp ứng đòi hỏi khách quan này.

Dựng nước chưa được bao lâu thì dân tộc ta rơi vào tình cảnh cực kỳ ngặt nghèo: mất chủ quyền, trở thành quận huyện của các triều đại phong kiến Trung Hoa – một đế chế có trình độ văn minh và sức mạnh đồng hóa rất cao. Hầu hết các tộc người trong cộng đồng Bách Việt đều không trụ nổi trước làn sóng bành trướng và sức mạnh đồng hóa này đã lần lượt trở thành một bộ phận của Trung Hoa.

Duy chỉ còn hai tộc Việt (Âu và Lạc) cố kết với nhau bền bỉ, kiên cường đấu tranh nên đã giành lại được độc lập và đầu thế kỷ X.

Người dân tham dự lễ hội Đền Hùng.

Hơn 1000 năm Bắc thuộc đã truôi rèn dân tộc Việt Nam. Hơn 1000 năm tiếp theo, dù đã có quyền tự chủ, nhưng cũng chẳng mấy khi dân tộc ta được sống trong bình yên, được hưởng thái bình. Trong suốt thời đại quân chủ, không có triều đại phong kiến Trung Quốc nào không đem quan sang đánh Việt Nam, nhất là những lúc chúng ta gặp khó khăn. Thậm chí có những vương triều xâm lược ta không phải một lần  (như quân Tống 2 lần đánh ta vào những năm 981, 1077; quân Mông – Nguyên 3 lãnâm phạm lãnh thổ Đại Việt vào những năm 1258, 1285 và 1288).

Sang đến thời Cận-Hiện đại, hết chủ nghĩa thực dân cũ lại đến chủ nghĩa thực dân mới đều không chừa Việt Nam. Chúng ta đã trải qua 60 sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp với biết bao máu chảy, đầu rơi để rồi mới giành lại được độc lập bằng cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945. Bài học xót xa nhất của thời kỳ lịch sử này là ta mất nước vì chính quyền để mất dân và bài học có giá trị nhất là có dân thì có tất cả. Đảng và Hồ Chủ tịch đã dựa vào dân để đánh bại thực dân, phong kiến, giành lại độc lập dân tộc. Nhưng để thu giang sơn về một mối chúng ta lại phải tiếp tục hành trình 30 năm tiến hành hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Việt Nam trở thành điểm nóng trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh. Để có được hai chữ trọn vẹn cho nền độc lập và chủ quyền lãnh thổ, chúng ta đã phải trả cái giá vô cùng đắt. Hàng triệu người đã ngã xuống mà giờ đây hàng vạn người trong số đó vẫn chưa tìm được hài cốt, hàng chục triệu người vĩnh viễn mang thương tật hoặc di chứng của chiến tranh, hầu hết các đô thị, khu công nghiệp bị tàn phá…Cũng với những tổn thất hữu hình đó,  đất nước ta, dân tộc ta, nhân dân ta còn phải gánh chịu muôn vàn những hy sinh mất mát vô hình không thể đo đếm được. Hậu quả lớn nhất mà không khó để nhận ra là sư tụt hậu trong tiến trình phát triển của đất nước và sự phân ly của một bộ phận không nhỏ của người Việt. Cộng đồng dân tộc bị tổn thương.

Lớp trẻ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ.

Không phải ngẫu nhiên mà trong tiếng Việt hai từ “loạn” và “chết” (những từ chỉ sự bất thường trong xã hội và trạng thái xấu đến tột cùng của đời người) lại được sử dụng một cách dễ dãi và phổ biến đến thế. Người ta có thể gắn hai từ này vào những ngữ cảnh hết sức bình thường. Đây là điều hầu như không thấy trong ngôn ngữ các nước khác. Hiện tượng ngôn ngữ ấy phản ánh một sự thật lịch sử là chiến tranh, loạn lạc, chết chóc dường như diễn ra quá thường xuyên. Những thảm hoạ mà các dân tộc khác ít phải chịu đựng thì ta luôn phải “sống chung” với nó.

Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” trở thành một chân lý đi vào lòng mỗi người Việt Nam là vì đó là sự tổng kết, đúc rút từ hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh gìn giữ đất nước.

Với dân tộc ta, Độc lập không chỉ là vô giá mà còn thiêng liêng.

Để có được giá trị ấy và đằng sau những giá trị ấy là sự hy sinh vô bờ bến của biết bao thế hệ mà sự tri ân của hậu thế không bao giờ là đủ.

GS.TSKH Vũ Minh Giang (Phó Chủ tịch Hội KHLSVN)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh