CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:55

Sự thực về chuyện mua bán 'lốt' xe 600 triệu đồng

 

Bến xe Mỹ Đình, Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Bộ trưởng nêu đúng, nhưng tiền không chảy về Sở
Ông cho biết cuộc họp sáng 20/10 đã làm rõ những gì, có hay không việc “xin một “lốt” xe vào bến Mỹ Đình hết 600 triệu”?
Với nội dung kiểm tra, xác minh thông tin Bộ trưởng Thăng nêu về một “lốt” xe vào bến Mỹ Đình hết vài trăm triệu và bàn các giải pháp chấn chỉnh quản lý hoạt động vận tải liên tỉnh trên địa bàn Hà Nội, sáng 20/10, Sở GTVT đã tổ chức cuộc họp với các bên liên quan. Tham dự cuộc họp có đại diện Bộ GTVT, Vụ Vận tải, Thanh tra Bộ; Công an, Thanh tra thành phố; ngoài ra lãnh đạo các bến xe, Công ty quản lý bến xe trên địa bàn cũng có mặt… Trước hết, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định, thông tin của Bộ trưởng Thăng nêu ra vừa qua là đúng. Có chuyện một “lốt” xe hoạt động tại bến Mỹ Đình có giá từ 300 đến 600 triệu đồng.

 

“Thông tin “Xin một “lốt” xe vào bến Mỹ Đình hết đến 600 triệu” chỉ là dư luận, không có một cơ sở bằng chứng nào để kết luận bến xe Mỹ Đình có thể xin “lốt” mới từ tháng 7/2013 đến nay”. 
 Ông Nguyễn Hoàng Linh

 

Tuy nhiên sau khi tìm hiểu, xác minh, liên ngành GTVT - Công an thấy rằng, giá này là các cá nhân, doanh nghiệp (DN) vận tải tự thỏa thuận, chuyển nhượng với nhau. Tại sao lại có chuyện này? Vì thực tế trong hoạt động vận tải hiện nay, có nhiều DN, Hợp tác xã (HTX) vì lý do nào đó không thể duy trì hoạt động, đã lên tiếng bán/chuyển nhượng lượt tuyến (lốt) đã được cấp phép. Ví như  HTX Dịch vụ Nghệ An, hiện đơn vị này đang có rất nhiều nhà xe, trong đó có nhiều “lốt” hoạt động ở bến Mỹ Đình, nếu vì lý do nào đó một xã viên (nhà xe) không muốn chạy tiếp nữa thì có quyền bán “lốt”. Với “lốt” đẹp (giờ đông khách), thì không chỉ 600 triệu mà họ có thể bán với giá cao hơn là chuyện dễ hiểu. Đây là giao dịch dân sự và không có quy định, điều luật nào cấm cả. Và đương nhiên nếu rao bán được giá cao họ có số tiền lớn, và số tiền này hoàn toàn là của họ chứ không chảy về Sở GTVT Hà Nội.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh.
Cùng với đó, việc quản lý lượt tuyến tại bến xe Mỹ Đình từ năm 2013 đến nay Hà Nội đã có quy định không tăng thêm “lốt” mới. Hiện bến đang ổn định với 1.642 “lốt” từ năm 2013 đến nay. Trong sáng 20/10, tất cả các đơn vị liên quan gồm lãnh đạo bến xe Mỹ Đình, Tổng Cty Vận tải Hà Nội, Thanh tra thành phố, Thanh tra giao thông đều khẳng định từ tháng 7/2013 đến nay, bến Mỹ Đình không tăng thêm một “lốt” mới nào. Do vậy thông tin “Xin một “lốt” xe vào bến Mỹ Đình hết 600 triệu đồng” là hoàn toàn không có cơ sở, Sở GTVT Hà Nội lấy đâu ra “lốt” mà cấp.
Xác minh “xe lạ” vào bến Mỹ Đình
Trong thông tin gửi đến Bộ trưởng Thăng còn nêu đích danh một số đơn vị đưa “xe lạ” ngoài luồng tuyến vào bến hoạt động, ông nghĩ sao?
Bến xe Mỹ Đình đang có 1.642 “lốt” và từ năm 2013 đến nay không tăng “lốt” mới.
Đúng là có thông tin về việc hai nhà xe gồm Nguyên Oanh, Phú Quý chạy tuyến Nghệ An bị phản ánh đưa thêm lượt xe (lốt) vào bến hoạt động. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, xác minh, chúng tôi thấy rằng, trước đây nhà xe Nguyên Oanh đăng ký hai xe chở khách hoạt động tại bến Mỹ Đình là 37B-01082, 37B-01212, nhưng đến nay do xe không còn phù hợp với điều kiện kinh doanh nên nhà xe này đã thay bằng hai xe mới có biển kiểm soát 37B-00253, 37B-00874. Tương tự nội dung trên, nhà xe Phú Quý cũng thay hai xe 37B-01749, 37B-01051 đã đăng ký bằng hai xe mới là 37B-01016, 37B-00748. Đây là việc DN vận tải được phép thực hiện, và quy định vận tải hành khách cũng quy định, khi thay xe mới DN phải khai báo với Sở GTVT địa phương để được cấp lại phù hiệu, tiếp tục duy trì “lốt”.
Vậy cuộc họp sáng qua có kết luận thế nào, thưa ông?
Với những nội dung tôi đã nói ở trên, cả đại diện Bộ GTVT, Vụ Vận tải, Thanh tra Bộ và Công an, Thanh tra thành phố đều thống nhất, thông tin “Xin một “lốt” xe vào bến Mỹ Đình hết đến 600 triệu” chỉ là dư luận, không có một cơ sở bằng chứng nào để kết luận bến xe Mỹ Đình có thể xin “lốt” mới từ tháng 7/2013 
đến nay.
Với người cung cấp thông tin cho Bộ trưởng, các đơn vị được giao nhiệm vụ đã kiểm tra, xác minh nhưng qua nhiều lần gọi điện số thuê bao này không liên lạc được. Như vậy, cả người báo tin và nội dung được thông tin chỉ là ý kiến dư luận. Xét về quy định thì đã là ý kiến dư luận thì không có cơ sở để bàn, để xử lý. Với đội ngũ công chức, cán bộ tại nơi tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, trong đó có vận tải hành khách tại Sở GTVT Hà Nội, lãnh đạo Sở sẽ thường xuyên giám sát, quán triệt không để tình trạng cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà cho DN, người dân xảy ra. 
Cảm ơn ông.

 

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều qua, đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội (đại diện Công an Hà Nội dự cuộc họp) cho biết, với các ý kiến đưa ra sáng 20/10 chưa đủ cơ sở để công an vào cuộc xử lý vụ việc.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh