THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:36

Sự thật về “khả năng tiên tri” của Hồ Gươm

 

Xung quanh hồ nước đặc biệt này luôn có những câu chuyện huyền thoại khó có thể lý giải. Ngay cả thời hiện đại, trong những thời khắc lịch sử quan trọng, địa danh này luôn có những hiện tượng kỳ lạ xảy ra.

Đến nay, trong huyền sử vẫn còn nhắc đến nhiều câu chuyện kỳ lạ gắn liền với hồ Hoàn Kiếm. Có tích rằng, mỗi lần hồ Hoàn Kiếm “nổi giận” là báo hiệu có biến thay triều đổi chủ. Điều đặc biệt, càng những người gắn bó với hồ Hoàn Kiếm, họ càng có niềm tin mãnh liệt về thế giới thần bí nào đó ẩn sâu dưới mặt nước trong xanh của hồ nước này.

Hồ Gươm có khả năng... “tiên tri”

Câu chuyện vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) trả gươm cho Thần Kim Quy chỉ là một trong số các minh chứng cho thấy lâu nay người Việt đã xem Hồ Gươm là vùng địa linh, nơi ngự trị của các vị thần. Trong niềm tin của không ít người, ẩn dưới màu nước xanh trong là cả một thế giới huyền bí. Mặc dù nhiều tư liệu cho biết hồ Hoàn Kiếm là một khúc của sông Hồng, trước đây thông với Hồ Tây, sông Tô Lịch. Lai lịch của hồ Hoàn Kiếm rõ ràng như vậy nhưng với nhiều người, họ vẫn tin tưởng rằng hồ nước này là cả một thế giới đầy màu nhiệm.

Hồ Gươm - một danh thắng còn nhiều điều bí ẩn 

Bàn về địa danh Hồ Gươm, nhà nghiên cứu phong thủy Phạm Văn Tuyên, công tác tại trung tâm Trắc nghiệm, tư vấn và bồi dưỡng kiến thức thuộc viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người (Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, Hà Nội ở vào thế phong thuỷ rất đặc biệt, hiếm có một vùng đất nào trên thế giới có được.

Trong đó, hồ Hoàn Kiếm có vị trí quan trọng như một cái mắt, một điểm huyệt đạo có ý nghĩa quan trọng. Không phải ngẫu nhiên mà các triều đại phong kiến từ Lý, Trần, Lê, Nguyễn và đến nay, vùng đất xung quanh Hồ Gươm luôn được chọn để xây dựng các công trình tôn giáo có ý nghĩa tâm linh mang tầm dân tộc và các công trình hành chính quan trọng.

Cụ thể, nhà Lý cho xây dựng chùa Báo Thiên (có tháp Báo Thiên nổi danh là An Nam tứ đại khí) để trấn yểm Kinh thành. Chúa Trịnh đã chọn nơi đây đặt hành cung phủ Chúa, rồi đền Ngọc Sơn, Tháp Bút thời Nguyễn... cùng rất nhiều công trình văn hoá, tôn giáo khác. Có thể nói, ở Hà Nội, ngoài khu vực Hoàng Thành thì vùng đất quanh Hồ Gươm là vùng đất chiếm vị trí quan trọng nhất.

Bàn về sự linh thiêng, thần bí của Hồ Gươm, nhiều người vẫn cho rằng, Hồ Gươm có “khả năng tiên tri”. Để minh chứng cho khả năng kỳ lạ này, họ viện dẫn rằng, hơn 200 năm trước, Phạm Đình Hổ, một người gắn bó với mảnh đất Hà thành, sống cạnh Hồ Gươm đã viết trong sách Tang thương ngẫu lục.

Theo đó: “Mùa hạ năm Bính Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng (1786) đương nửa đêm, giữa hồ Hoàn Kiếm bỗng có những vật đỏ ối hiện ra trên đảo, tia sáng tỏa ra bốn phía, bay về bờ phía Nam rồi biến mất. Sau đó, sóng gió ầm ầm nổi lên. Sáng hôm sau thấy xác tôm cá nổi trên mặt nước không biết bao nhiêu mà kể.

Có người nói, ở trên nóc nhà Trung Hòa Đường trong phủ Chúa cũng hiện ra những vật tương tự, ánh sáng tỏa ra bốn phía rồi tự nhiên tắt ngấm. Sau đó ít lâu, nhà Lê mất nước”. Việc Hồ Gươm “nổi giận” báo hiệu sự sụp đổ của nhà Lê cho thấy một sự kỳ lạ và đến nay chưa ai lý giải được.

Luận về câu chuyện trên, nhà nghiên cứu phong thuỷ Phạm Văn Tuyên cho rằng, trong dân gian từ trước đến nay vẫn truyền tụng nhiều câu chuyện ly kỳ mang tính điềm báo, tiên tri, như sấm Trạng Trình hay chuỵện vua Lý Công Uẩn lên làm vua thay nhà Tiền Lê. Việc Hồ Gươm nổi giận sau đó nhà Lê mất nước cũng là một câu chuyện có tính điềm báo như vậy. Để xác minh độ chính xác của câu chuyện trên là rất khó vì không ai có thể chứng minh được. Do đó, việc Hồ Gươm có “khả năng tiên tri” đến đâu vẫn là một điều bí ẩn.

Những câu hỏi chưa thể lý giải

Sự huyền bí của Hồ Gươm đã thu hút nhiều nhà khoa học nghiên cứu. Có những hiện tượng tự nhiên liên quan đến hồ nước độc đáo này nhưng đến nay vẫn chưa ai lý giải được tường tận. Theo PGS.TS Hà Đình Đức, vì sao nước trong hồ Hoàn Kiếm không bao giờ cạn vẫn luôn là câu hỏi chờ giải mã.

Nhà nghiên cứu phong thủy Phạm Văn Tuyên.

Trước đây, có người cho rằng mạch nước của hồ Hoàn Kiếm thông với sông Hồng và phụ thuộc vào mực nước sông Hồng. Nhưng thực tế cho thấy, kể cả khi sông Hồng vào mùa lũ thì nước hồ Hoàn Kiếm cũng không dâng cao. Những năm đại hạn như năm 1993 hay năm 2004, mực nước sông Hồng đoạn qua Hà Nội đạt mức thấp kỷ lục nhưng nước hồ Hoàn Kiếm cũng không bị ảnh hưởng.

Đồng tình với quan điểm của PGS Hà Đình Đức cho rằng hồ Hoàn Kiếm có rất nhiều điều bí ẩn, nhà nghiên cứu phong thuỷ Phạm Văn Tuyên cũng cho rằng, hiện tượng nước hồ Hoàn Kiếm là điều rất đặc biệt. Về thuỷ văn, hồ Hoàn Kiếm không phải quá rộng, hay quá sâu. Tuy nhiên, chưa bao giờ có hiện tượng ngập lụt ở khu vực này. Những khi Hà Nội mưa to, các hồ nước ở Hà Nội ngay cả Hồ Tây đều dâng lên cao, tràn ngập cả mặt đường, vào tận nhà dân.

Tuy nhiên, riêng hồ Hoàn Kiếm bao nhiêu nước cũng không tràn. Những năm hạn nặng, các hồ nước đều cạn trông thấy, riêng hồ Hoàn Kiếm nước vẫn cứ đầy. Do đó, ông Tuyên khẳng định, mạch nước của hồ Hoàn Kiếm không phải là mạch nước của sông Hồng. Điều này khiến nhiều người tin rằng có bàn tay vô hình nào đó của thế giới tâm linh ở hồ Hoàn Kiếm. Việc cha ông ta quan niệm hồ Hoàn Kiếm là cái nghiên mực của trời là một điều khẳng định cho sự đặc biệt của hồ nước này.

Sự kỳ lạ của Hồ Gươm không chỉ dừng lại ở những câu chuyện huyền sử. Ngay cả ở thời hiện đại vẫn còn nhiều hiện tượng thách đố sự lý giải đến từ các nhà khoa học mà hiện câu chuyện về hiện tượng “Hoàng long thiên tả hội” - là một điều bí ẩn như thế chưa thể lý giải.

Tảo Hồ Gươm có thể làm thức ăn cho nhà du hành vũ trụ!

Theo đó, người đầu tiên giải mã màu nước xanh đặc trưng của hồ Hoàn Kiếm là tiến sỹ Tiborhortobargyi, Viện trưởng viện Sinh lý Thực vật Hungary. Năm 1967, ông Tiborhortobargyi đã tiến hành nghiên cứu tảo trong hồ, phát hiện ra tảo lục chiếm số lượng áp đảo trong thành phần các loài tảo ở hồ này và đó là lý do hồ Hoàn Kiếm có màu nước xanh trong (lục thủy).

Năm 1979, GS.TSKH Dương Đức Tiến bảo vệ luận án tiến sỹ khoa học tại Liên Xô đề tài về tảo hồ Hoàn Kiếm đã có một phát hiện hết sức bất ngờ là trong nước hồ Hoàn Kiếm có chủng tảo Chlorelle. Điều đặc biệt của chủng tảo này là có khả năng chịu nhiệt cao, có thể dùng trong các khoang tàu du hành vũ trụ. Hàm lượng dinh dưỡng lớn, có thể làm thức ăn cho các nhà du hành vũ trụ.

PV (Theo DSPL)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh