THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:26

“Sứ giả” của lòng nhân ái

"Mái ấm Hy vọng" - đại gia đình của trẻ mồ côi

Năm 1992, ông Chắt tham gia các dự án dành cho trẻ mồ côi của UNESCO ở Việt Nam. Đây là khoảng thời gian ông được đi nhiều nơi, thăm nhiều trại trẻ mồ côi và cảm thông hơn với hoàn cảnh éo le, khổ cực của những mảnh đời bất hạnh. Năm 2002, ông về quê thành lập Trung tâm Hy vọng đầu tiên ở Tiên Cầu (Hưng Yên) nhận trẻ mồ côi về nuôi dạy. Năm 2007, ông tiếp tục xây dựng trung tâm nữa ở huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), nơi ông từng đóng quân. Đầu năm 2020, ông mở thêm trung tâm ở huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn).

Bố Nguyễn Trung Chắt và các con tại Lễ tuyên dương.

Bố Nguyễn Trung Chắt và các con tại Lễ tuyên dương.

Đến nay, sau 18 năm hoạt động, ông đã nuôi dạy 292 trẻ kém may mắn, trong đó 177 em đã trưởng thành, nhiều em được học cao đẳng, đại học và có em có bằng thạc sĩ. “Điều thôi thúc tôi thành lập trung tâm và nuôi dưỡng những trẻ mồ côi là mong muốn các cháu được học hành, có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc như bao trẻ khác”, ông Chắt nói và cho biết thêm, lúc đầu ông không nghĩ sẽ xây dựng được 3 trung tâm như hiện nay. Ban đầu ông thành lập Trung tâm Hy vọng ở Tiên Cầu, nhưng ngày càng có nhiều trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn tới nhờ ông giúp đỡ nên ông mở thêm 2 trung tâm nữa.

Nói về cái tên của trung tâm, ông Chắt chia sẻ, ông không muốn gọi là trung tâm hay làng trẻ mồ côi vì sẽ khiến các cháu mặc cảm. Thay vào đó ông đặt là “Hy vọng” với mong muốn các cháu có niềm tin và hy vọng vào tương lai tốt đẹp. Hiện ở trung tâm các cháu được ăn no, mặc ấm, được đến trường, được phát triển toàn diện bình đẳng như bao trẻ khác.

Giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi để xoá đi mặc cảm, ký ức ám ảnh tuổi thơ của các em, xây dựng một cuộc đời mới tốt đẹp hơn dường như đã trở thành sứ mệnh của ông. Những thế hệ đầu tiên được ông nuôi nấng cách đây gần 20 năm như Ngô Quốc Hưng, Nông Thị Duyên và Lý Thị Nghiêm giờ đã trưởng thành. Họ quyết định quay trở về với “Hy vọng” để tiếp tục nuôi “Hy vọng” cho những em nhỏ cùng cảnh ngộ đang lớn lên dưới mái nhà chung đầy yêu thương.

Bố Chắt dành nhiều thời gian cho các con nhỏ tuổi.

Bố Chắt dành nhiều thời gian cho các con nhỏ tuổi.

Nuôi một đứa trẻ không chỉ chăm lo cái ăn, cái mặc mà đó là cả một hành trình gian nan, vất vả. Suốt gần 20 năm qua ông Nguyễn Trung Chắt đã bao bọc, chở che cho hàng trăm mảnh đời bất hạnh. “Công sinh không bằng công dưỡng” - giờ đây những đứa trẻ ở Trung tâm Hy vọng lại thấy mình thật may mắn khi có người cha luôn hết mực yêu thương giúp các em thắp lên niềm hy vọng vào ngày mai tươi sáng.

Bài học làm người là bài học đầu tiên và quan trọng nhất

Trung tâm được xây dựng khang trang, tiện nghi, ngăn nắp và sạch sẽ. Ấn tượng nhất là ở trung tâm là ông Chắt làm rất nhiều khẩu hiệu dạy về đạo đức như: “Việc đầu tiên là việc học làm người - người tử tế trước khi muốn trở thành người giỏi giang, có quyền hành hoặc siêu phàm”; “Yêu lao động sẽ nâng cao phẩm giá con người, lười biếng luôn gắn với nghèo đói và tội phạm”...

Ông bảo điều quan trọng nhất là phải dạy các con học làm người. Tuy nhiên, dạy một đứa trẻ nên người là hành trình gian nan của ông Chắt. Để quản lý các con ở 3 trung tâm, ông phải đi lại mỗi tháng cả nghìn cây số về sinh hoạt, ăn ở cùng các con và dạy dỗ chúng. Vợ ông tâm sự, mỗi tháng ông chỉ ở Hà Nội chừng 3 - 4 ngày, thời gian còn lại ông ở 3 trung tâm. Đều đặn hàng ngày, 5 giờ 30 phút sáng, tiếng gõ kẻng gọi các con dậy tập thể dục, ăn sáng. Sau đó các con được dạy cách trồng rau, nuôi lợn… Những việc đó đều do ông Chắt chỉ bảo, đồng thời kiêm luôn việc “quan tòa”, giải quyết tất cả mọi chuyện từ đánh cãi nhau đến những lỗi được các mẹ nuôi ở trung tâm ghi lại. “Phải theo dõi, chuyện trò chúng nó mới nghe, chứ không phải treo khẩu hiệu là xong.

Có thời gian rỗi, bố Chắt lại vui chơi cùng các con.

Có thời gian rỗi, bố Chắt lại vui chơi cùng các con.

Đặc biệt, khi nuôi dạy những đứa trẻ bất hạnh và thiếu nền tảng giáo dục của gia đình”, ông Chắt cho biết. Có những lần 10 giờ đêm, ông đang ở Hà Nội nhận được điện thoại của các mẹ nuôi ở Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu báo tin 3 “ông con” mất tích. “Tôi tức tốc lên đường, về đến nơi lúc gần 1 giờ sáng, vội vã đi tìm chúng tại các quán xá ở TP. Hưng Yên. Gần sáng thì bắt được 3 “ông” đang chơi điện tử. Đưa về nhà, bắt mỗi đứa đứng một góc ở sân và bảo: “Bác cho các con ngồi đây, bác cũng ngồi đây, muỗi cắn các con sẽ cắn cả bác. Lẽ ra giờ này bác đang ngủ. Vì các con, bác phải đi từ Hà Nội về đây. Bao giờ các con nhận thấy điều mình làm sai thì bác mới nói chuyện”, ông Chắt nhớ lại và bảo phải làm như thế thì mới dạy dỗ được các cháu. “Anh cầm đầu nhóm đấy giờ đã học cao đẳng điện lạnh và lái xe, sắp lấy vợ, cũng ở trung tâm”, ông Chắt phấn khởi khoe.

Bà Nguyễn Thị Với, mẹ nuôi ở Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu đã làm cùng ông 18 năm nay, xúc động nói: “Ông Chắt chăm lo cho các con như người cha, người mẹ. Ông ấy lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các con. Những khi trời trở rét, đang đêm ông ấy cũng từ Hà Nội về, vào từng phòng kiểm tra xem các con mặc ấm chưa... Chúng tôi rất cảm động, luôn lấy ông ấy làm gương và mong muốn giúp sức cùng ông chăm lo cho các cháu”.

Bà Với cho biết thêm, ông Chắt luôn có những cư xử rất nhân văn khi dạy dỗ trẻ. Ông quy định, các cháu gọi các cô nuôi dưỡng là mẹ. Còn với ông, các cháu gọi bác xưng con. Nhưng từ khi nhận nuôi trường hợp từ sơ sinh, lúc bé tập nói, bi bô gọi mẹ mà không có người gọi bố, nên ông thương lắm. Vì vậy, ông đã “ban hành” quy định mới, ưu tiên cho những đứa bé nhất gọi ông là bố. “Ông ấy giải thích với con là: các anh, chị có bố, có mẹ đẻ ra, bố chỉ nhận về nuôi, còn con là do bố đẻ ra. Vì vậy, các con phấn khởi lắm. Có lần, bé Tâm tò mò hỏi: Bố đẻ ra con à? Ông vui vẻ trả lời: Bố đẻ ra con. Bé lại hỏi: Bố đẻ ra từ đâu? Ông trả lời: Từ nách. Thế là bé đi khoe với mọi người. Rồi có lần cô giáo ra bài văn tả về gia đình, bé Phương Anh tự hào viết: “Nhà em có một bố nhưng có rất nhiều mẹ. Bố em phải đi kiếm tiền rất lâu mới về...”, bà Với xúc động kể.

Tại lễ tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”, hình ảnh bố Chắt xuất hiện trên sân khấu và những đứa con quây quần ôm ông nói lời cảm ơn mãi là hình ảnh xúc động. “Lần đầu tiên em đến Trung tâm, thấy chị Hà đi học về, bác Chắt hỏi: Hà về đấy hả con. Sau này, khi em đi học về, bác cũng hỏi em: Hồng về đấy hả con. Trong khoảnh khắc ấy em thấy mình thực sự là con gái của bác". "Trên người bác luôn mặc chiếc áo sơ mi bạc màu, đôi giầy bác đi cũng rất cũ. Bác chưa một lần tự mua sắm cho mình cái gì mà chỉ mua sắm cho các con từ cái áo, đôi giầy, đôi tất... và hôm nay chúng con tặng bác chiếc áo thay cho những lời cảm ơn của chúng con đối với bác". Đó là những trải lòng của 2 trong số rất nhiều người con nuôi của ông Nguyễn Trung Chắt tại Lễ tuyên dương “Những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”.

VÂN KHÁNH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh