THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:05

Sự cố chìm tàu trên sông Hàn: “Quả đắng”, bước lùi của du lịch Đà Nẵng

Đây là vụ lật tàu du lịch đặc biệt nghiêm trọng! 

Trước tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ việc, chiều 6/6, Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy liên quan đến vụ chìm tàu du lịch Thảo Vân 2 chở 56 người khiến 3 người chết. Theo luật sư Ngô Văn Định (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh): Sau vụ lật tàu du lịch trên sông Hàn (TP.Đà Nẵng) đã “hé lộ” nhiều thông tin về nguyên nhân “không gì có thể chối cãi” của lái tàu Lê Công Chí và những người liên quan. Đây được xem là những bằng chứng xác thực và hiệu quả nhất để cơ quan CSĐT dễ dàng trong quá trình điều tra vụ án. Tuy nhiên, có 4 dấu hiệu thể hiện hành vi coi thường pháp luật của lái tàu và những người liên quan.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu cơ quan công an điều tra xác minh làm rõ trách nhiệm các cá nhân có liên quan đến sự cố chìm tàu Thảo Vân 2.

Thứ nhất, tàu Thảo Vân 2 được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm ngày 19/5/2016 và có hiệu lực đến ngày 20/11/2016. Theo như đăng ký thì tàu Thảo vân 2 chỉ được phép chở 28 khách, thế nhưng vào ngày xảy ra tai nạn chủ tàu này đã bán vé cho 53 hành khách. Về vấn đề này, trước tiên là do lỗi của chủ tàu vì không tuân thủ quy định về vận tải hành khách. Cụ thể, căn cứ theo điểm b Khoản 9 Điều 18 Nghị Định 93/2013/NĐCP  quy định về an toàn sinh mạng trên tàu thuyền thì chủ tàu có thể chịu mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi chở khách vượt từ 21 người đến 30 người so với số lượng cho phép.

Thứ hai, phương tiện tàu thủy Thảo Vân 2 chưa đủ điều kiện cấp phép hoạt động du lịch quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Giao thông đường thủy nội địa. Vì vậy, chủ tàu Thảo Vân 2 có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”.

Thứ ba, người lái phương tiện không đủ điều kiện điều khiển phương tiện theo quy định thì chủ phương tiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy”. Đồng thời, người trực tiếp điều khiển phương tiện có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”. Bởi vì rõ ràng, người trực tiếp điều khiển phương tiện biết và buộc phải biết trọng lượng vận tải (quy định 28 người), nhưng lại cố tình chở với trọng lượng vượt qua mức cho phép (56 người)”. Thêm nữa, có thể áp dụng thêm hình thức tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng từ 1 tháng đến 3 tháng căn cứ tại Khoản 10 Điều 18 Nghị định 93/2013/NĐCP của Chính phủ.

Toàn cảnh Sở Chỉ huy cứu nạn vụ chìm tàu Thảo Vân 2.

Thứ tư, về trách nhiệm bồi thường dân sự thì do đây là tập hợp lỗi từ các sai phạm đã phân tích như trên dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nên cả chủ phương tiện và người trực tiếp điều khiển phương tiện phải liên đới bồi thường cho các nạn nhân.

Cùng quan điểm với luật sư Ngô Văn Định, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia khẳng định thêm: “Cho tàu này xuất bến là hoàn toàn sai quy định. Ai cấp phép cho con tàu này? Hiện các cơ quan chức năng đang vào cuộc để làm rõ vấn đề này, cá nhân nào sai phạm để tàu hoạt động thì sẽ bị xử lý nghiêm... Trách nhiệm để tàu quá “đát” hoạt động là thuộc về Cảng vụ Đà Nẵng.”

“Vụ chìm tàu đã gây tiếng xấu cho… Đà Nẵng”

Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất không ai khác chính là chủ các tàu du lịch đang hoạt động trên sông Hàn nói riêng và ngành du lịch Đà Nẵng nói chung. Dù hết sức tự tin về hai chiếc tàu 4U Sông Hàn do mình làm chủ được đầu tư rất bài bản nên hoàn toàn đủ sức vượt qua bất cứ cuộc kiểm tra, rà soát nào về chất lượng phương tiện cũng như chất lượng dịch vụ. Tài công Lê Văn Lực, thuyền trưởng tàu du lịch 4U Sông Hàn, người lái tàu lao đến cứu các nạn nhân tàu Thảo Vân 2 tối 4/6, ngao ngán khi không dám chắc bản thân mình và hai chiếc tàu du lịch do ông làm chủ sẽ vượt qua được sự cố vừa qua nếu như tàu không có khách khi rất nhiều du khách vì tâm lý lo ngại đã chọn cách hủy bỏ việc thăm quan sông Hàn về đêm bằng tàu du lịch để đảm bảo an toàn cho bản thân mình. Hiện không còn du khách nào dám mua vé đi du thuyền sông Hàn. Phải rất lâu nữa hoạt động du lịch đường sông mới trở lại bình thường được. Trong khi đó, hàng tháng tàu ông cũng như hàng chục chủ tàu khác vẫn phải chi ra cả trăm triệu đồng để trả lãi vốn vay ngân hàng để đóng tàu, trả lương cho lái tàu cũng như nhân viên phục vụ tàu. Sự lo lắng của ông Lực cũng là tâm trạng chung của rất nhiều chủ tàu khác.

Trước đó, tàu Thảo Vân đã từng xảy ra sự cố lật tàu.

Cùng với đó, trên mạng xã hội của một số hướng dẫn viên du lịch cũng đăng tải và chia sẻ hàng loạt thông tin và hình ảnh “bất lợi” cho du lịch Đà Nẵng về sự cố lật tàu thảm khốc trên. Trang cá nhân hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Văn Tuân (Đà Nẵng) viết: “Với mong muốn sao cho du lịch biển đảo và du lịch đường sông ngày càng phát triển, giúp du lịch Đà Nẵng đa dạng hoá sản phẩm ngày càng đẹp hơn trong mắt du khách bạn bè trong nước cũng như quốc tế. Nhưng đêm định mệnh 4/6 đã xoá bỏ công sức của tất cả chúng tôi - những con người có tâm huyết với du lịch đường sông từ lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đến  đội ngũ anh chị em điều hành, hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ...”.

Cùng quan điểm với anh Tuân, hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Văn Tuyên thông tin: “Ngay sau khi xảy ra sự cố đêm 4/6, rất nhiều du khách đã thông báo hủy tour đến Đà Nẵng, nhất là chương trình thăm quan du ngoạn sông Hàn bằng tàu du lịch”.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND TP Đà Nẵng đã ra chỉ đạo tạm dừng tất cả mọi hoạt động du lịch trên sông Hàn để tiến hành rà soát mọi hoạt động du lịch trên sông Hàn. Đích thân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã có cuộc họp khẩn với các sở, ban, ngành liên quan. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Anh đã thẳng thắn nhìn nhận: “Vụ chìm tàu đã gây tiếng xấu cho ngành du lịch mà thành phố Đà Nẵng gây dựng bấy lâu nay… Đây là bài học đắt giá mà Đà Nẵng không thể nào quên.”

Nỗi đau của người mẹ có 2 con bị chết đuối trong vụ chìm tàu.

Theo ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, hiện thống kê sơ bộ tất cả các tàu du lịch đang hoạt động trên sông Hàn đón tổng cộng hơn 1200 lượt khách/ngày. Nguồn khách khá phong phú, ngoài du khách trong nước, thì còn rất đông du khách quốc tế đến từ các nước như Hàn Quốc, Malaysia... chọn thăm quan sông Hàn bằng tàu du lịch. Thế nhưng sau sự cố trên thì ngành du lịch đường sông đang quay lại điểm xuất phát và có nguy cơ giẫm chân ở đó khá lâu, như trước đó đã từng xảy ra.

Đây không phải lần đầu 

Được biết, cách đây 2 năm, con tàu tử thần này từng bị chìm một lần khi đang đậu tại cầu càng. Rất may  thời điểm đó trên tàu không có hành khách nào nên không xảy ra thiệt mạng về người. Nhiều người vẫn tự hỏi, nếu cách đây 2 năm sau khi xảy ra sự cố trên  tàu Thảo Vân 2 bị cẩu lên bờ theo đúng chỉ đạo của UBND TP.Đà Nẵng lúc đó thì chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra vụ tai nạn lật tàu thảm khốc như tối 4/6. Thế nhưng không hiểu vì sao tàu Thảo Vân 2 chẳng những không bị “trảm”, mà còn ung dung hoạt động, phải chăng đã có sự “bảo kê” và “lách luật” của những kẻ ngang nhiên “chà đạp” lên tính nghiêm minh của pháp luật?

HÀ KIỀU - ĐÀ THÀNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh