CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:27

Sống hèn nhát, giả tạo, kệch cỡm trên Facebook

 

Bệnh nghiện Facebook đang lan tràn. Có những người coi Facebook là nơi khoe khoang sự sung túc, đủ đầy của bản thân. Đặc điểm nhận dạng của họ là đi đâu cũng phải báo cáo, trước khi ăn gì cũng phải chụp ảnh đăng lên Facebook đã rồi ăn .
Nếu bạn đi vào bất kì một quán ăn nào, bạn sẽ thấy cảnh tượng: Trên tay họ không phải là thìa (muỗng), là dĩa (nĩa) mà là điện thoại "tự sướng" lia lịa. Trào lưu chụp ảnh đồ ăn quá rầm rộ, quá phổ biến đến nỗi một thành viên của mạng xã hội Vitalk.vn đã phải lên tiếng “Chụp ảnh đồ ăn đăng Facebook có khác nào nạn đói năm 45”. Ý đồ chia sẻ của ngon vật lạ với bạn bè chưa thấy đâu, những người này đã bị cho là “sĩ diện, hay khoe khoang” rồi.
Qua cách sử dụng mạng xã hội, ta có thể nhận dạng được những bạn trẻ nào đang sống quá lệ thuộc vào Facebook. Một bộ phận người trẻ hèn nhát, yếu đuối được nhận dạng. Họ, thay vì đối mặt với khó khăn thì lại giãi bày trên Facebook, thay vì thể hiện tình cảm trực tiếp thì lại viết vài dòng mùi mẫn để nhận đồng cảm mà người nhắc đến trong dòng trạng thái có khi còn không hay biết.
Thay vì ra ngoài nói chuyện với bạn bè thì lại kết bạn "ảo", thay vì bắt tay vào làm việc, học hành thì lại chỉ biết than thở “bận quá, sắp thi rồi,...”. Họ thiếu điện thoại, máy tính một ngày là đứng ngồi không yên, online cả ngày nhưng không đủ để thỏa mãn.
Facebook đã góp phần tố cáo bộ mặt giả tạo, vô cảm, giả vờ làm người tốt của không ít các bạn trẻ. Gặp một vụ tai nạn trên đường, thay vì giúp đỡ người bị nạn theo sức của mình thì các bạn lại lôi điện thoại ra quay clip, chụp hình rồi đăng kèm với một trạng thái rất thương cảm xót xa. Đây mới chính là “anh hùng bàn phím”, những người chỉ nói hay, hót giỏi trên mạng ảo chứ không thể hiện lòng tốt trong những trường hợp cụ thể ngoài xã hội.
Nhiều bạn trẻ coi Facebook như một nguồn màu mỡ để vụ lợi, kinh doanh, buôn like bán view nhiệt tình. Điều dễ thấy là những người này cố tình tung ra những tấm ảnh thương tâm, thêu dệt một câu chuyện liên quan kèm theo lời khẩn cầu “like và share cho mọi người cùng đọc nhé”.
Không biết từ khi nào, nút like có tác dụng chữa bệnh nan y, nút share có tác dụng hồi sinh một người đã khuất. Cũng may là thủ đoạn của bạn có âm mưu kinh doanh không lành mạnh như thế này đã bị cộng đồng Facebook vạch trần và lên án thẳng tay, những ý đồ bất chính cũng không còn đất mà “dụng võ”.
Bắt đầu từ video ca nhạc khá vui nhộn của một nhóm bạn trẻ, trào lưu "Anh không đòi quà" đang gây bão trên mạng. Ảnh: Cắt từ video.
Nói gì thì nói, những kiểu bạn trẻ kể trên chưa đông và nguy hiểm bằng những thành phần a dua, thích tạo scandal để được nổi tiếng.
Cứ hễ có clip nào nổi lên là các bạn trẻ lại đua nhau làm bản cover và rập khuôn một cách không thương tiếc. Điển hình là MV “Anh không đòi quà” , clip ghi lại hình ảnh của cô gái vừa đi vừa lột sạch quần áo trên người. Với ca từ vui nhộn, phần rap trẻ trung, đầu tư về phần hình ảnh và diễn xuất của các diễn viên khá ổn, MV “Anh không đòi quà” của Karik, nhạc sĩ Only C và Amanda Baby thành công ngoài sức mong đợi.
Nhận thấy đây là mảnh đất màu mỡ để nổi tiếng, nhiều bạn trẻ đã bắt chước y hệt đến từng lời thoại, cử chỉ, dáng điệu của diễn viên trong phiên bản gốc. Hay đâu chưa thấy, chỉ thấy nổi lên là những màn khoe thân, phô da thịt kệch cỡm và lố bịch. Mục đích của những clip cover này chỉ là đua đòi để nổi tiếng. Dường như cá tính của các bạn trẻ bị thui chột đến mức hễ cứ nhắc đến MV cover “Anh không đòi quà” là người xem lại lắc đầu ngán ngẩm, tới mức cảnh sát phải cấm quay vì khiêu dâm. Với những clip cover có sự đầu tư và chuyên nghiệp, người xem còn hứng thú nhưng đến cả chục clip nghiệp dư nhái lại, ăn theo, diễn xuất tệ thì bắt đầu tạo nên sự nhàm chán.
Phản cảm nhất, gây phẫn nộ nhất phải kể đến clip “Anh không đòi quà” mà nhân vật chính lại là một bé gái tầm 5, 6 tuổi. Nhìn em bé vừa đi vừa lột đồ, lột đến khi trên người chỉ còn mảnh bikini, gương mặt ngây ngô chỉ biết làm theo hướng dẫn của “đạo diễn” mà thấy buồn cho những bạn trẻ mang tiếng có ăn, có học, chỉ vì mong muốn được nổi tiếng mà hành động thiếu suy nghĩ.
Thói a dua của các bạn trẻ đã được “bôi đậm” bằng những sự kiện trước đó, khi một bạn gái quay clip tỏ tình với Kim Tan, (diễn viên phim Những người thừa kế) thì ngay lập tức hàng loạt clip ăn theo; một nam sinh quay clip vừa hát vừa khóc vì nhớ người yêu thì ngay lập tức rất nhiều bạn gái cũng vừa khóc, vừa hát và quay clip.
Chiêu bài tạo scandal để được dư luận chú ý không chỉ được giới văn nghệ sĩ sử dụng mà ngay cả các bạn trẻ cũng sử dụng chiêu này triệt để. Dễ nhất là lột đồ khoe thân, tung ảnh nóng với dòng trạng thái khơi gợi trí tò mò của người xem. Gần đây nhất là một cô gái sử dụng Facebook cho đăng tấm ảnh bạn trai đang hôn ngực.
Giải thích trên bài phỏng vấn của một trang tin, cô gái này cho biết bị mất điện thoại và kẻ gian đã cho đăng tấm hình lên mà cô không hề hay biết. Lời giải thích thiếu thuyết phục vì ai cũng biết không kẻ cắp nào lại nhiều thời gian đến mức lục tìm ảnh và đăng lên hộ cô. Sau vụ scandal ảnh nóng này, lượt người theo dõi trên Facebook của cô tăng lên chóng mặt. Điều này hẳn là sẽ có lợi cho cô, nhất là khi cô đang làm kinh doanh nhỏ.
Đánh vào tâm lý giới trẻ dễ bị kích thích và tò mò trước những hình ảnh mát mẻ, hở hang, không chỉ bạn gái trên mà những cô gái khác đã sử dụng thân thể để tự tạo scandal hòng được nổi tiếng.
Điều hiển nhiên là cái gì nhanh có được cũng nhanh mất đi, tiếng tăm của các cô gái cũng vậy. Được mọi người bàn tán xôn xao đấy nhưng được bao lâu khi các cô chẳng có gì nổi bật ngoài thân hình gợi cảm trong khi ngoài kia cũng không thiếu các cô gái đẹp, cũng đang cởi để được dư luận chú ý.
Nếu cộng đồng Facebook đã làm rất tốt công việc từ thiện, chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, thì cộng đồng này cũng đang làm tốt một việc khác là vạch trần những tính xấu và những hành vi không văn minh của các bạn trẻ.
Còn nhớ cách đây không lâu, bức ảnh xếp hình chữ sex trong Hoàng thành, bức ảnh ngồi lên tượng đài, ngồi lên đầu rùa, hay gần đây nhất là hình ảnh thanh niên giết gấu dã man bị lên án mạnh mẽ và cũng từ đó, những hành động thiếu suy nghĩ như thế cũng giảm hẳn đi.
Đã là người dùng Facebook, hẳn ai cũng muốn môi trường hoạt động được thanh lọc và trong sạch. Vậy nên thay vì tán dương những hành vi xấu, thói a dua và những bức ảnh lột đồ phản cảm, cộng đồng Facebook nên mạnh mẽ tẩy chay để những hiện tượng này không còn đất để thể hiện.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh