THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:35

Sống độc lập: Mô hình mới cho người khuyết tật

 

Chia sẻ mô hình mới

Tại hội thảo, ông Furihata Hiroaki, Điều phối viên Chương trình quốc tế của Hiệp hội Chăm sóc con người (Nhật Bản) chia sẻ về mô hình hỗ trợ sống độc lập (SĐL) trên thế giới. “Sống độc lập, NKT hoàn toàn mở rộng được năng lực của mình và bắt đầu tự lập sống trong cộng đồng. Một trong số họ cũng đã trở thành các nhà lãnh đạo để hỗ trợ những người khác trong cộng đồng”, ông Furihata Hiroaki khẳng định.

 

Ông Furihata Hiroaki, Điều phối viên Chương trình quốc tế của Hiệp hội Chăm sóc con người (Nhật Bản).


 Theo ông Nguyễn Trung Thành, Phó trưởng phòng Chính sách xã hội, để thúc đẩy quyền SĐL của NKT, cần những nhu cầu trợ giúp và thực thi quyền SĐL tại Việt Nam trong các lĩnh vực: Chăm sóc sức khỏe, giáo dục và dạy nghề, tiếp cận giao thông, văn hóa-thể thao, du lịch. Bên cạnh đó là việc thực thi quyền NKT trong xác định khuyết tật, bảo trợ xã hội và một số các quyền khác, như: NKT đang mang thai, hoặc nam giới nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi cũng được hưởng những chính sách của NKT. Những năm qua, dù chưa nhiều mô hình nhưng Việt Nam đã có nhiều cố gắng bảo đảm từ phía Nhà nước và xã hội để tạo điều kiện cho NKT sống độc lập, tự quyết định các vấn đề liên quan.


Ông Nguyễn Trung Thành, Phó trưởng phòng Chính sách xã hội (Bộ LĐ-TB&XH).


Bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp hội về NKT Việt Nam chia sẻ, các Trung tâm Sống độc lập với sự trợ giúp của Cục Bảo trợ xã hội, các tổ chức xã hội trong thời gian qua đã hỗ trợ được các nhóm NKT, khuyết tật nặng nhất cũng có thể sinh sống trong cộng đồng và hoà nhập vào các hoạt động xã hội. Trước mắt NKT vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, như sử dụng các phương tiện giao thông và các công trình công cộng; tiếp cận các dịch vụ giáo dục, dạy nghề, việc làm và y tế. Do vậy, các tổ chức xã hội, cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế, chính sách phát triển mạng lưới tổ chức cung cấp dịch vụ và tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên trong các Trung tâm Sống độc lập, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của NKT.

 

Bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp hội về NKT Việt Nam.


 Cần phát triển bền vững mô hình

Đầu năm 2009, Trung tâm Sống độc lập đầu tiên của NKT Hà Nội được thành lập, đến nay đã phát triển thêm nhiều trung tâm tại TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.  Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Sống độc lập Hà Nội đã có tư cách pháp nhân, còn lại là các nhóm gắn với một tổ chức có tư cách pháp nhân hỗ trợ.

 

Bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Sống độc lập Hà Nội.


Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo, bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Sống độc lập Hà Nội khẳng định: “SĐL đối với NKT không có nghĩa họ tự làm tất cả mọi việc hay là sống một mình. SĐL tức là với sự trợ giúp của xã hội và cộng đồng, NKT có thể sống hòa nhập, có khả năng độc lập tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của mình. Tại các Trung tâm SĐL, những NKT làm công việc tuyên truyền và tư vấn cho NKT khác về lối sống độc lập, khuyến khích cùng làm việc để hòa nhập cộng đồng...”.

 Theo ghi nhận, tại các mô hình này có sự trợ giúp thì NKT tự tin hơn và phát huy được khả năng của mình. Với những kiến thức học được từ chương trình SĐL, NKT đã có thể tổ chức các hoạt động, tham gia vận động ủng hộ cho quyền của chính mình. Tuy nhiên, bà Hồng Hà cũng khuyến nghị: Nhà nước nên dành ngân sách cho dịch vụ hỗ trợ SĐL, SĐL được đưa vào Đề án Trợ giúp người khuyết tật (Đề án 1019). UBND và các ban, ngành của thành phố lên kế hoạch trợ giúp cho sự bền vững của cả mô hình Trung tâm SĐL, với sự hỗ trợ của cộng đồng.

 

Ông Nguyễn Ngọc Toản (bên phải), Phó Cục trưởng Cục  Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH).


Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục  Bảo trợ xã hội đề nghị các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện luật pháp, chính sách, chương trình trợ giúp NKT, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng mô hình trợ giúp cho NKT sống độc lập. “Những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để thực thi các chính sách ưu đãi cho NKT. Tuy nhiên, hệ thống chính sách còn những khoảng trống nhất định, vẫn còn những rào cản trong thực hiện. Do vậy, cần tiếp tục đổi mới để NKT hòa nhập cộng đồng” - ông Toản đề xuất.

 

Người khuyết tật chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo các đơn vị tại hội thảo.

CÙ HÒA / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh