Sớm giải quyết tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ
- Bài thuốc hay
- 15:03 - 10/06/2023
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I , lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước khoảng 52,2 triệu người, tăng hơn một triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 51,1 triệu người có việc làm, tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ và tăng hơn 670.000 người so với năm 2019.Trong đó, hơn 13 triệu lao động làm việc ở khu vực nông - lâm - ngư nghiệp và thủy sản (chiếm hơn 27%), gần 33 triệu lao động đang làm việc ở khối phi chính thức (chiếm hơn 64%).
Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế, giữa các loại hình lao động khác nhau (lao động phổ thông, lao động quản lý, lao động trình độ kỹ thuật cao…).
Cụ thể, theo vùng kinh tế, vùng Trung du và miền núi phía Bắc chiếm 11,9% lực lượng lao động cả nước, nhưng chỉ có 8% lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của cả nước.
Ngược lại, Đồng bằng sông Hồng đang nắm giữ 22,3% lực lượng lao động cả nước, nhưng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chiếm đến 30,5%.
Trong khi các khu vực như Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên trong tình trạng dư cung lao động; thì vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng lại thường xuyên dư cầu.
Mất cân đối cung cầu còn thể hiện ở tình trạng người lao động làm việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo, không phù hợp giữa cấp bậc chuyên môn kỹ thuật và ngành nghề đào tạo với nhu cầu của thị trường.
Theo đó, có tới 84,6% lao động có trình độ cao đẳng, 66% số lao động có trình độ trung cấp, 22,8% số lao động có trình độ đại học trở lên làm các công việc có yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật hoặc kỹ năng thấp hơn so với trình độ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo.
Mặt khác, có khoảng 44,5% lao động làm các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng cao hơn so với bằng cấp.
Theo ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, tại Hà Nội, ngoài việc bị cắt giảm do thiếu đơn hàng hoặc thiếu nguyên - vật liệu, không ít lao động thất nghiệp do không muốn tìm kiếm các vị trí việc làm mới.
"Chúng tôi cũng tổ chức các phiên việc làm từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần trên toàn bộ sàn giao dịch vệ tinh, thu hút doanh nghiệp tham gia với nhiều vị trí tuyển dụng hấp dẫn, nhưng nhiều lao động chưa tham gia", ông Vũ Quang Thành cho biết.
Còn theo ông Phạm Ngọc Toàn - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo Chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, ngoài tình trạng mất cân đối về số lượng (tức nơi thừa - nơi thiếu lao động), thị trường còn xuất hiện tình trạng mất cân đối về mặt trình độ (tức người lao động được đào tạo ở trình độ này nhưng thị trường có nhu cầu ở trình độ khác), về kỹ năng, về độ tuổi...
Những sự mất cân đối này trên cùng một địa bàn nhất định dẫn đến việc nguồn cung lao động đang thừa, nhưng doanh nghiệp không tuyển dụng được nhân sự. Kết quả là xã hội không tận dụng được lao động hợp lý, kéo giảm năng suất lao động.
"Người lao động muốn tìm việc, nhưng khi thấy số người tìm việc lớn hơn nhu cầu, sẽ có cảm giác chán nản. Có người lao động không tham gia thị trường chính thức, gần đây nhất xuất hiện tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. Nhìn trong dài hạn, người lao động mất bảo đảm an sinh xã hội, rủi ro cho cuộc sống của họ. Do đó, việc mất cân đối cung cầu lao động là vấn đề cấp bách cần giải quyết ngay", ông Toàn cho biết.