THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:27

Sớm giải quyết dứt điểm các hồ sơ về bạo lực, xâm hại trẻ em

 

Đây là khuyến nghị đưa ra từ Diễn đàn “Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trong phòng ngừa, chăm sóc và bảo vệ trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục” do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp Bộ LĐ-TB&XH vừa tổ chức tại Hà Nội.

 

Trẻ em bị bạo hành ngay trong chính gia đình của mình.

 

Theo số liệu từ Bộ LĐ-TB&XH, trong 5 năm (2011-2015), toàn quốc xảy ra 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Năm 2016, có 1.024 vụ xâm hại tình dục trẻ em, chiếm tới 77% số vụ trẻ em bị xâm hại. Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em là một vấn nạn nhức nhối, đang diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, tình trạng trẻ em bị bạo hành trong gia đình và nhà trường và cộng đồng vẫn còn xảy ra ở mức độ khá nghiêm trọng và là nỗi đau lớn nhất trong xã hội hiện nay.

Tại Diễn đàn, các tổ chức xã hội hoạt động vì trẻ em đã đưa ra 8 khuyến nghị đối với các cơ quan quản lý Nhà nước. Trong đó, nội dung khuyến nghị nhấn mạnh tới việc xây dựng cơ chế để các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ hỗ trợ trẻ em có nguy cơ cao hoặc bị xâm hại được tham gia vào chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2015-2020.

Ngoài ra, Diễn đàn còn nêu khuyến nghị với Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giả quyết dứt điểm các hồ sơ tồn đọng về bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là những vụ mới phát sinh. Đề nghị xây dựng quy định về khen thưởng các cá nhân phát hiện, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và có chế tài xử lý cá nhân chậm trễ, thiếu trách nhiệm, không can thiệp, xử lý những vụ bạo lực, xâm hại trẻ em. Khuyến nghị cũng mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ; cung cấp, chia sẻ, cập nhật thông tin về luật pháp, chính sách và kế hoạch thực hiện các chương trình bảo vệ trẻ em nói chung và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng.

Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam cho biết, thời gian gần đây xảy ra một số vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em nghiêm trọng như: Vụ việc cháu bé bảy tuổi ở Kiên Giang bị cha và mẹ kế bạo hành; các bảo mẫu tại lớp mầm non Mầm Xanh, quận 12, TP Hồ Chí Minh bạo hành trẻ theo học tại lớp; người giúp việc bạo hành cháu bé gần hai tháng tuổi tại Hà Nam… Khi các vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng đã kịp thời chỉ đạo và phối hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, chuyên môn để hỗ trợ can thiệp nạn nhân bị bạo lực, cũng như xử lý các đối tượng bạo hành trẻ em theo quy định của pháp luật. Các vụ việc đã được phát hiện sớm và xử lý kịp thời cho thấy các bộ, ngành, tổ chức (nhất là các cơ quan truyền thông, cơ quan điều tra) đã chủ động vào cuộc để bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Đặc biệt, ý thức của người dân đang được nâng cao trong việc tố giác tội phạm khi phát hiện thấy vụ bạo hành trẻ em hoặc nghi bạo hành trẻ em. Tổng đài Điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã chủ động kết nối với trẻ em và gia đình trẻ em để tư vấn, hướng dẫn, kết nối dịch vụ để giảm thiểu các tổn hại về vật chất, tinh thần đối với các em, bảo đảm trẻ em được chăm sóc, trợ giúp và ổn định cuộc sống, Ngay sau khi khai trương Tổng đài 111, nâng cấp đường dây, số cuộc gọi đến tăng gần gấp 3 lần, với hơn 10 nghìn cuộc gọi trong tuần đầu tiên.

Tại Diễn đàn, Bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ Nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên cho rằng, trách nhiệm của các bộ ngành, các tổ chức chính trị xã hội và tổ chức xã hội đã được quy định rõ trong việc thực thi Luật trẻ em. “Việc bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành, xâm hại, đặt biệt là xâm hại tình dục không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân, một gia đình hay một cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội ấy, mà đó là trách nhiệm chung của toàn thể xã hội trong đó gia đình và nhà trường đóng vai trò là trọng tâm”, bà Minh nhấn mạnh.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh