THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 02:40

Sớm “giải cơn khát” cho người dân Phú Yên

Một số công trình nước sạch tại xã Sơn Định trở thành hoang phế từ nhiều năm nay do nguồn nước ngầm cạn kiệt


Khát nước trên diện rộng

Toàn huyện miền núi Sơn Hòa, Phú Yên có trên 6.000 giếng nước, thì đã có tới 2.000 giếng không còn nước, làm cho 850 hộ dân với gần 4.000 người đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Vào những ngày này, tình trạng thiếu nước uống đã lên đến đỉnh điểm tại xã vùng cao Sơn Định của huyện Sơn Hòa.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng ở thôn Hòa Bình, xã Sơn Định cho biết: “Tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại địa phương năm nào cũng diễn ra, nhưng năm nay là nghiêm trọng nhất. Mọi năm tình trạng này xảy ra từ tháng bảy âm lịch, nhưng năm nay mới tháng năm giếng nước ở nhà tôi đã cạn kiệt, phải mua nước sinh hoạt do người trong xã bơm từ giếng nhà họ chở đi bán với giá 50 ngàn đồng một khối. Nhà tôi chỉ có hai người, tuy sử dụng rất tiết kiệm nhưng trung bình 10 ngày hết hai khối nước, vị chi mỗi tháng phải mất 300 nghìn tiền nước…”.

Kế bên nhà bà Hồng, nhà ông Nguyễn Hữu Minh có bốn nhân khẩu, tiết kiệm đến mức tắm phải đứng trong chậu rồi lấy nước tưới rau, nhưng mỗi tháng vẫn phải mất bốn trăm nghìn tiền mua nước sinh hoạt. “Ở đây gần như nhà nào cũng có giếng, giếng đào vài chục mét sâu nhưng đến nay tất cả đều cạn trơ đáy. Trong thôn may ra chỉ còn lại một hai giếng còn nước do nhà họ ở gần suối, chính chủ những giếng còn nước này hằng ngày bơm nước đi cung cấp cho bà con…”, ông Minh bộc bạch.

Nhiều hộ dân tại vùng nông thôn Phú Yên phải mua nước với giá 60 nghìn đồng một mét khối để dùng, đắt gấp 10 lần giá nước sạch ở thành phố

 Ông Nguyễn Thanh Tân, nhà có hai giếng đào, nhưng một giếng đã cạn, giếng nước còn lại mỗi ngày cung cấp 150-160 khối nước cho bà con trong vùng, chia sẻ: “Cũng có vài hộ may mắn có giếng còn nước như tôi để cung cấp cho bà con nhưng nay cũng đã cạn. Riêng nhà tôi ở trung tâm xã, mỗi ngày phải bơm và chở nước từ sáng sớm đến 9 giờ đêm mới nghỉ, nhưng cũng không kịp phục vụ cho bà con. Vì đến giờ này phải nói có đến 95% giếng nước trong xã đã khô cạn. Nhiều nhà hết nước từ 3 giờ chiều mà phải chờ tới tối mới chở tới được. Nếu vài ngày tới không mưa, giếng nước còn lại tôi nghĩ chắc cũng khô luôn là rất gay…”.

Không riêng gì các địa phương miền núi, những xã ven biển của tỉnh Phú Yên cũng rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Như huyện ở Tuy An, đến nay toàn huyện đã có 4.040 hộ với 17.372 người dân thiếu nước sinh hoạt. Đơn cử như 1.300 hộ dân của xã An Cư, nằm cạnh đầm Ô Loan cũng đang “khát nước” từng ngày.

Ông Tiếu Văn Cừ, Chủ tịch UBND xã An Cư, huyện Tuy An cho biết: “Ba tháng nay hầu hết giếng nước của hộ gia đình bị khô cạn, hoặc nhiễm phèn, nhiễm mặn không sử dụng được. Trong khi đó, công trình cấp nước tập trung của xã đặt tại thôn Phước Lương xuống cấp, hư hỏng nặng, chỉ cung cấp nước phục vụ sinh hoạt cho 320/1.700 hộ dân ở các thôn Phước Lương, Phú Tân I và Phú Tân II. Hiện nay, mỗi ngày mỗi nhà phải cắt công lao động đi chở nước ở xa về dùng. Còn lại phải mua nước sạch từ nơi khác chở đến bán với giá khá cao, từ 40.000 - 60.000 đồng/m3 để phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi gia súc, gia cầm”.

Theo ông Trương Hồ, người dân ở thôn Phú Tân 1, xã An Cư, huyện Tuy An, mặc dù giá mỗi khối nước 60 nghìn đồng, cao gần gấp 10 lần giá nước sạch của nhà máy nhưng cũng vẫn phải mua. “Thiếu tiền, thiếu gạo có thể xoay xở vay mượn, nhưng nước uống, tắm giặt hằng ngày thiếu là không ai chịu được. Mỗi tháng, gia đình tôi phải chi thêm từ 300.000-350.000 đồng để mua nước. Ở nông thôn, khoản tiền này không phải là nhỏ”, ông Hồ nói.

Mỗi ngày ông Nguyễn Thanh Tân (xã Sơn Định) bơm được 150-160 khối nước nhưng vẫn không kịp phục vụ bà con trong thôn


Cần có giải pháp căn cơ

Chúng tôi có mặt tại một công trình nước sạch của xã Sơn Định huyện Sơn Hòa, chứng kiến cảnh khô hạn thật khốc liệt trong vòng 15 năm qua tại đây. Một giếng đào ngay trong lòng của một hồ nước sâu ở thôn Hòa Bình nhưng cũng không còn nước. Cạnh đó là nhà điều hành, trạm bơm điện, đường ống dẫn nước… tất cả đang trở thành hoang phế.

Ông Sô Minh Vương, người dân địa phương cho biết: “Mỗi năm thời tiết ở đây càng phức tạp hơn, nắng nóng kéo dài gần như quanh năm. Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình nhưng mạch nước không có đành chịu thôi”.

Để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhiều năm qua, tỉnh Phú Yên đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hàng nghìn công trình nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ người dân đào giếng, khoan giếng, nhưng cũng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn. Nhiều gia đình đã tự bỏ tiền khoan giếng ngầm sâu đến mấy chục mét cũng phải ngậm ngùi chấp nhận cảnh giếng cạn trơ đáy như năm nay.

Một số công trình nước sạch tại xã Sơn Định trở thành hoang phế từ nhiều năm nay do nguồn nước ngầm cạn kiệt.


Theo ông Nguyễn Minh Hoài, chủ tịch UBND xã Sơn Định, thời điểm hiện nay vẫn đang là đỉnh điểm của nắng nóng, cộng với gió nam thổi mạnh tại tỉnh Phú Yên, số hộ dân thiếu nước sinh hoạt ở xã Sơn Định đã lên tới con số 300, chiếm 50% tổng số hộ của xã. Vì là xã vùng cao cho nên nhà nước cần khảo sát, nghiên cứu đưa ra một phương án phù hợp, bền vững hơn để cung cấp đủ nước sạch cho người dân. Việc đầu tư các công trình nước sạch tập trung, hay bỏ tiền đào giếng, khoan giếng như lâu nay mới chỉ dừng lại ở mức tạm thời, gây lãng phí tiền của Nhà nước.

Ông Tiếu Văn Cừ, Chủ tịch UBND xã An Cư, huyện Tuy An cho rằng, nếu không có giải pháp căn cơ, việc thiếu nước sẽ càng trở nên trầm trọng, sinh hoạt của người dân sẽ càng khó khăn hơn. Hiện tại, UBND xã đã vận động bà con sử dụng nước tiết kiệm, tận dụng các giếng khơi còn nước để sử dụng, đồng thời kêu gọi mọi người cùng nhau chia sẻ, điều tiết nguồn nước. UBND xã đã kiến nghị lên UBND huyện Tuy An trích nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ 1,8 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sạch tập trung Phước Lương.

Theo số liệu mới nhất của Sở NN và PTNT tỉnh Phú Yên, ở thời điểm hiện tại đã có 9.325 hộ với hơn 36.500 người dân tại các vùng nông thôn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nặng nhất là các huyện: Tuy An có 4.040 hộ với 17.372 người, huyện Đồng Xuân có 1.855 hộ với 5.240 người, huyện Sơn Hòa có 850 hộ với gần 4.000 người và thị xã Sông Cầu có 847 hộ với 3.844 người… đang thiếu nước uống hằng ngày. Để có nước sinh hoạt hằng ngày, nhiều nơi người dân phải đi lấy nước xa từ 3-7km, với nguồn nước không bảo đảm vệ sinh, hoặc phải mua nước uống từ những xe cung cấp nước tự phát với giá từ 50-70 nghìn đồng/khối.

Một số công trình nước sạch tại xã Sơn Định trở thành hoang phế từ nhiều năm nay do nguồn nước ngầm cạn kiệt.


Trước tình trạng này, UBND tỉnh Phú Yên đã có chỉ đạo các sở, ngành chức năng triển khai các phương án hỗ trợ cho người dân. Trước mắt, tỉnh Phú Yên trích 665 triệu đồng và đề nghị các huyện cũng trích một phần kinh phí từ nguồn ngân sách dự phòng để cung cấp nước sinh hoạt cho những địa phương thiếu nước nghiêm trọng. Công ty cổ phần Môi trường đô thị Phú Yên hỗ trợ 3 xe chở nước cung cấp cho ba huyện Sông Hinh, Tuy An và thị xã Sông Cầu.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố triển khai các phương án hỗ trợ tích cực cho người dân. Như tại huyện Tuy An, chính quyền đã thuê phương tiện vận chuyển mỗi ngày hơn 260 mét khối nước sạch cung cấp cho hơn 3.800 hộ dân, với hơn 16.390 nhân khẩu ở 8 xã, gồm: An Hòa, An Hải, An Thạch, An Cư, An Hiệp, An Xuân, An Lĩnh và An Chấn. Chính quyền cũng hỗ trợ kinh phí nạo vét và khoan gần 160 giếng nước cho năm xã: An Cư, An Hòa, An Hiệp, An Lĩnh và An Thọ; và nâng cấp, sửa chữa hệ thống ống dẫn nước về khu dân cư ở hai xã An Xuân và An Thạch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, UBND tỉnh đã làm việc và yêu cầu công ty cấp nước, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động có phương án cấp nước sạch cho những vùng thường xuyên thiếu nước. Ưu tiên hàng đầu là tận dụng nguồn nước ngầm có sẵn, nguồn nước tại chỗ. Về lâu dài phải khảo sát, đầu tư xây dựng các công trình cấp nước có quy mô phù hợp và mang tính liên vùng, phù hợp với quy hoạch khu dân cư.

 


Theo TRÌNH KẾ/ Báo Nhân Dân

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh