THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:17

Sở VHTT TP.HCM xem xét đề nghị thu hồi danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú của Hoài Linh

Theo đó, ngày 14/5/2021, bà Nguyễn Thị Thu Hương, ngụ Hóc Môn, TP.HCM có gửi đơn tới Bộ VHTT&DL đề nghị xem xét thu hồi danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú của Hoài Linh, cấm sóng các chương trình truyền hình và ấn phẩm trên internet có sự xuất hiện Hoài Linh.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, bà gửi đơn này với tư cách một công dân bình thường, thấy việc nghệ sĩ Hoài Linh “ngâm” hơn 13 tỷ đồng tiền từ thiện mà cộng đồng đã gửi về quyên góp để nhờ anh trao tận tay người dân miền Trung, khắc phục hậu quả sau trận lũ lụt lịch sử năm 2020… gây mất lòng tin của khán giả với nghệ sĩ. Cách hành xử này không phù hợp với một Nghệ sĩ Ưu tú. Vì lẽ đó, bà đã làm đơn đề nghị thu hồi lại danh hiệu cao quý này.

Sở VH-TT TP.HCM đang xem xét đề nghị thu hồi danh hiệu NSƯT của Hoài Linh như thế nào? - Ảnh 1.

Văn bản chuyển đơn của Thanh tra Bộ VHTT&DL cgửi Sở VHTT TP.HCM.

Sau khi xem xét nội dung đơn, căn cứ quy định pháp luật, Thanh tra Bộ VHTT&DL đã chuyển đơn của bà Nguyễn Thị Thu Hương đến Sở VHTT TP.HCM để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Trao đổi với Dân Việt, ông Võ Trọng Nam – Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM cho biết, hiện đơn vị này đã nhận được văn bản chuyển đơn của Thanh tra Bộ VHTT&DL về việc xem xét đề nghị thu hồi danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú của Hoài Linh và cấm sóng các chương trình truyền hình lẫn ấn phẩm trên internet có sự xuất hiện của Hoài Linh.

Ngay sau khi nhận được văn bản này, Sở VHTT TP.HCM đã cho tiến hành họp với Thanh tra Sở cùng các đơn vị chức năng để xem xét và nghiên cứu nhằm tham mưu cho lãnh đạo các cấp.

“Đơn của người ta gửi là đề xuất, kiến nghị... Vì thế, chúng tôi sẽ phải xem xét trên rất nhiều yếu tố trước khi tham mưu cho lãnh đạo. Trước hết là phải xem xét dựa trên các quy định của pháp luật về xem xét phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, tiếp đến là Luật Thi đua – Khen thưởng. Những nội dung đó sẽ phải được xem xét rất kỹ càng và cẩn trọng. Không thể dựa trên những phản ánh hoặc đề nghị của một số người là có thể giải quyết ngay”, ông Võ Trọng Nam cho biết.

Theo ông Võ Trọng Nam, việc thu hồi danh hiệu của nghệ sĩ là việc chưa từng có trong tiền lệ. Vì thế, mọi yếu tố đều phải được xem xét dựa theo quy định của pháp luật chứ không thể tuỳ tiện dựa trên phản ánh của dư luận. Việc có mời nghệ sĩ Hoài Linh đến để làm việc hay không là theo từng chức năng mà Sở được phân công.

Sở VH-TT TP.HCM đang xem xét đề nghị thu hồi danh hiệu NSƯT của Hoài Linh như thế nào? - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Hoài Linh từng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2016.

Trước đó, chia sẻ với Dân Việt, ông Trần Kim Hậu - Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL cho biết: “Công dân có quyền làm đơn kiến nghị nhưng việc tước danh hiệu không đơn giản. Phải có cơ quan chức năng, kết luận nghệ sĩ này vi phạm pháp luật mới có cơ sở để xem xét việc tước danh hiệu. Tất cả mọi cái đều phải xem xét kỹ càng và cẩn trọng theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. 

Hiện tại, mặc dù câu chuyện của nghệ sĩ Hoài Linh đang gây ồn ào trong dư luận nhưng chưa có sự kết luận chính thức nào từ các cơ quan chức năng nên không ai có thể khẳng định nam nghệ sĩ này có vi phạm pháp luật hay không và vi phạm ở mức độ nào. Vì thế, không thể nói tước danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú là tước một cách dễ dàng được”.

Việc Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân bắt đầu từ năm 1984. Tính đến nay, dù đã trải qua 9 đợt trao tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú nhưng chưa có nghệ sĩ nào bị thu hồi lại danh hiệu này. 

Nghệ sĩ Hoài Linh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào tháng 1/2016. Anh là nghệ sĩ hải ngoại đầu tiên được phong tặng danh hiệu này, đồng thời cũng là trường hợp được đặc cách nhận danh hiệu, bỏ qua một số tiêu chí như số huy chương đạt được qua các kỳ hội diễn.

Theo Điều 9 Nghị định 89/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 40/2021/NĐ-CP, danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú dành cho những cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật khi đạt các tiêu chuẩn sau:

Cụ thể, danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú được xét tặng cho các cá nhân hoạt động nghệ thuật tại các đơn vị nghệ thuật cơ sở; cá nhân hoạt động nghệ thuật tự do (như diễn viên: Hát, múa, nhạc, sân khấu, điện ảnh...; đạo diễn tác phẩm thuộc lĩnh vực: Tuồng; Chèo; Cải lương; Kịch dân ca;... người làm âm thanh trong tác phẩm điện ảnh, truyền hình và sân khấu;...) đạt các tiêu chuẩn sau:

1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương.

2. Có phẩm chất đạo đức, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ.

3. Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên; riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 10 năm trở lên.

4. Đạt một trong các tiêu chí sau:

+ Có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia (trong đó có 01 giải Vàng là của cá nhân).

+ Có ít nhất 01 giải Vàng quốc gia và 02 giải Bạc quốc gia (trong đó có 01 giải Vàng là của cá nhân).

+ Có ít nhất 03 giải Vàng quốc gia (nếu không có 01 giải Vàng là của cá nhân).

+ Có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng theo quy định tại điểm a, b và điểm c nêu trên nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong trường hợp cụ thể sau:

- Nghệ sĩ là người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi, có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật.

- Nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương và đất nước.

- Nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế”

Khi nào bị tước danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú"?

Điều 97 Luật Thi đua khen thưởng năm 2003 đã quy định tương đối rõ như sau:

"1. Cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà vi phạm pháp luật thì có thể bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước đó theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

2. Việc tước danh hiệu vinh dự nhà nước do Chủ tịch nước quyết định".

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 91/2017/NĐ-CP cũng quy định về thủ tục, hồ sơ tước hoặc phục hồi danh hiệu, cụ thể:

1. Cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà vi phạm pháp luật hình sự, bị tòa án xét xử bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật và bị tuyên án từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước.

Theo đó:

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan trình khen thưởng có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định việc tước danh hiệu vinh dự nhà nước;

- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của Chủ tịch nước, cơ quan trình khen thưởng có trách nhiệm thu hồi hiện vật khen thưởng để giao nộp cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng cùng cấp; thu hồi tiền thưởng và nộp vào ngân sách nhà nước hoặc quỹ thi đua, khen thưởng theo quy định.

Như vậy, mặc dù trước đó nghệ sĩ là người có nhiều đóng góp, cống hiến nổi bật và được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, thế nhưng vẫn có thể bị tước danh hiệu nếu:

- Vi phạm pháp luật hình sự;

- Bị tòa án xét xử bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật;

- Bị tuyên án từ hình phạt tù có thời hạn trở lên.


Theo Dân Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh