THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:34

Cách bảo quản thực phẩm đã chế biến trong những ngày Tết

Ảnh minh họa

Bác sỹ Ngô Thị Hà Phương, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho biết những thực phẩm truyền thống (giò, chả, giò xào, nem chua, bánh chưng, bánh tét…) thường được người dân mua trước Tết để dự trữ. Tùy thuộc vào đặc tính của từng loại thực phẩm mà người dân cần bảo quản chúng theo các cách khác nhau.

Đối với những thực phẩm chín (bánh chưng, bánh tét, giò, chả, giò xào…), người dân có thể bảo quản trong điều kiện thoáng mát, không bụi bặm, ẩm thấp. 

Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam, thực phẩm dễ bị vi khuẩn, nấm, mốc tấn công, dẫn đến hư hỏng và ngộ độc thực phẩm; mọi người không nên tích trữ quá nhiều món ăn, chỉ mua vừa đủ, tránh lãng phí, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bánh chưng, bánh tét là món ăn ngon truyền thống, giàu dinh dưỡng và tương đối hoàn chỉnh về nhóm thực phẩm (glucid, protein, lipid). Mọi người thường quan niệm là bánh chưng không nên bảo quản trong tủ lạnh vì dễ bị lại gạo (cứng).

Tuy nhiên, nếu thời tiết nóng vẫn nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần còn lại thì dùng màng che thực phẩm bao kín. Khi lấy bánh trong tủ lạnh ra cần luộc, hấp lại hoặc rán trước khi ăn. 

Tuy nhiên, các gia đình nên hạn chế ăn bánh chưng rán vì món này làm tăng thêm lượng chất béo (dầu/mỡ) vào khẩu phần ăn hàng ngày, không có lợi cho sức khỏe

Đối với các loại bánh bị mốc trắng, lên men mùi chua (nhất là ở phần góc bánh) ở lớp vỏ bánh bên ngoài thì phải cắt bỏ phần bị lên men, mốc và chỉ sử dụng phần không bị hỏng.

Giò, chả là món ngon đặc trưng của người Việt, không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền. Giò có nhiều loại: giò lụa, giò bò, giò tai, giò xào… và mỗi gia đình thường có ít nhất 2 loại, mỗi loại một ít để bữa ăn đa dạng. Cách bảo quản giò lụa, giò bò, chả giống nhau và đều để ở nhiệt độ dưới 25 độ C. 

Khi bảo quản đúng cách giò sẽ giữ được 4-6 ngày nếu để ngăn mát, thậm chí giữ được khoảng 10 ngày nếu để ở ngăn đá. Với món thịt đông, nên chia thành từng hộp nhỏ, vừa đủ ăn từng bữa để bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. 

Còn đối với dưa hành nên bảo quản ở nơi thoáng mát, khi ăn dùng đũa sạch gắp dưa hành, rửa qua bằng nước sôi để nguội hoặc nước muối pha loãng, sau đó bóc vỏ ngoài, lấy phần dưa hành trắng nõn để ăn.

Bác sỹ Ngô Thị Hà Phương khẳng định đối với thực phẩm đã nấu chín khác như các loại rau, củ... người dân không nên để trong tủ lạnh. 

Lý do là vi hàm lượng nitrat có trong các loại rau xanh khá nhiều, nếu nấu xong để quá lâu vi khuẩn phân hủy, lượng nitrat lại tạo thành nitrit - chất gây ung thư. 

Những thực phẩm đã chế biến nên ăn ngay, không nên để thức ăn đã nấu chín trong môi trường nhiệt độ thường quá 2 giờ đồng hồ. Những thức ăn còn dư sau bữa ăn nên đun nóng lại, để nguội rồi mới cho vào trong ngăn mát tủ lạnh. 

Nếu thức ăn còn nóng cho ngay vào tủ lạnh (nơi có nhiệt độ thấp), thức ăn sẽ biến chất, nước trong thức ăn ngưng đọng thành hơi nước, thúc đẩy vi khuẩn có hại sinh trưởng dẫn đến gây độc cho thực phẩm.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo tủ lạnh không phải là “chiếc tủ thần kỳ” để bảo quản đồ ăn. Thức ăn được lấy ra trong tủ lạnh chỉ sử dụng một lần cho bữa sau. Các bà nội trợ nên chế biến lượng thức ăn vừa đủ, đừng quá dư thừa vì khi thừa đun lại thức ăn sẽ bị hao hụt chất dinh dưỡng. 

Đặc biệt, người dân tuyệt đối không để thực phẩm sống lẫn thực phẩm đã chín. Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh cần đựng vào hộp riêng, đậy nắp kín. 

Thực phẩm chín, đã chế biến cần để ở ngăn trên cùng trong ngăn mát tủ lạnh; không nên để thực phẩm quá nhiều trong tủ lạnh để luồng khí lạnh dễ lưu thông.

Nếu tủ lạnh nhiều thức ăn, các gia đình cần điều chỉnh nhiệt độ xuống thấp hơn, thường xuyên vệ sinh tủ lạnh.../.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh