THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:47

Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam: Hoàn thành tốt nhiều chỉ tiêu quan trọng của ngành

Cụ thể, năm 2015, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 42.000 lao động, đạt 100% kế hoạch năm bao gồm: Giải quyết việc làm trong nước cho 41.648 lao động, trong đó thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm và Quỹ hỗ trợ việc làm tỉnh với doanh số cho vay 35 tỷ đồng đã giải quyết việc làm cho hơn 2.500 lao động (đạt 100% kế hoạch năm); Đưa 352 lao động đi làm việc theo hợp đồng tại nước ngoài, đạt 117% kế hoạch năm (trong đó: Nhật Bản: 301 lao động (121 nữ), Hàn Quốc: 37 lao động, Malaysia: 9 lao động, Nga: 3 lao động (2 nữ), Hà Lan: 2 lao động). Ngoài ra, có 93 lao động đã trúng tuyển chương trình tuyển chọn thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Đặc biệt, trong năm địa phương đã tổ chức hơn 20 phiên giao dịch việc làm, có 606 lượt doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng hơn 19.763 vị trí công việc.

Nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Bên cạnh công tác giải quyết việc làm cho người lao động, năm 2015, Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam cũng tích cực triển khai công tác tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn, tổ chức các cuộc điều tra về biến động cung cầu lao động, lao động và nhu cầu sử dụng lao động trong các doanh nghiệp, về người dân bị tử vong do tai nạn lao động năm 2015; rà soát, thống kê nhu cầu tham gia XKLĐ của bộ đội xuất ngũ. Thẩm định hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp của 5.606 lao động. Đồng thời, quyết định chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 5.531 lao động, với tổng số tiền hơn 38 tỷ đồng.

Cùng với các giải pháp nhằm tạo việc làm cho người lao động, công tác đào tạo nghề được địa phương xác định là cơ sở để tạo ra nguồn lao động có tay nghề và chất lượng cao. Theo đó,  hiện nay, toàn tỉnh đã có 47 cơ sở dạy nghề. Tổng số lao động được đào tạo nghề trong năm 2015: 30.066 người (đạt 84,69% kế hoạch năm), trong đó: Cao đẳng nghề: 197 người, trung cấp nghề: 1.064 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng: 28.805 người. Hỗ trợ lao động nông thôn học nghề năm 2015: 2.097 người (đến ngày 30/10/2015), trong đó: các nghề nông nghiệp: 1.061 người, các nghề phi nông nghiệp: 1.036 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề: 43%, tăng 2% so với năm 2014.

Đối với công tác lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội, năm 2015, Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam đã thông báo đăng ký nội quy lao động đối với 17 doanh nghiệp, tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể của 13 doanh nghiệp; hướng dẫn 16 doanh nghiệp điều chỉnh lại nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể; phối hợp thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt các quyết định về tiền lương đối với các Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu và Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng  thời triển khai thực hiện các kế hoạch tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp năm 2015 với 34 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội cho hơn 4.000 lãnh đạo, cán bộ quản lý doanh nghiệp và người lao động.

Không chỉ chú trọng công tác lao động, việc làm nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, việc triển khai thực hiện các chính sách đối với người có công với cách mạng đối với một địa bàn có số lượng đối tượng chính sách lớn như Quảng Nam được địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tri ân những người đã ngã xuống, đóng góp một phần xương máu cho độc lập, tự do của quê hương, đất nước. Toàn tỉnh có 241/247 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác Thương binh liệt sĩ, đạt 97,5% so với tổng số xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Được biết, hiện tỉnh Quảng Nam có 12.280 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (trong đó có 2.562 Mẹ được phong tặng); hiện còn sống 1.084 Mẹ (có 978 Mẹ được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, mức phụng dưỡng bình quân 800.000 đồng/Mẹ/tháng; còn 106 Mẹ chưa được phụng dưỡng, trong đó, 85 Mẹ đã được UBND tỉnh phân công cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận chăm sóc, phụng dưỡng tại Quyết định số 2269/QĐ-UBND ngày 25/6/2015; 12 Mẹ mới được phong tặng theo Quyết định số 1502/QĐ-CTN ngày 27/7/2015; 9 Mẹ mới được phong tặng theo Quyết định số 2172/QĐ-CTN ngày 02/10/2015). 

Tượng đài Mẹ VNAH tại Quảng Nam.

Bên cạnh đó, năm 2015, Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam cũng đã xác nhận, thực hiện chế độ đối với 53.500 trường hợp; thẩm định, di chuyển hồ sơ, giải quyết đơn thư công dân liên quan đến chính sách NCC, giới thiệu giám định ADN xác định danh tính liệt sỹ, hỗ trợ thăm viếng, di chuyển hài cốt liệt sĩ về nguyên quán...: 6.500 trường hợp. Đồng thời, quyết định phân bổ chỉ tiêu điều dưỡng người có công cách mạng năm 2015 với 27.395 lượt người (trong đó: Điều dưỡng tập trung: 4.000 lượt; điều dưỡng gia đình: 22.495 lượt; dự phòng: 900 lượt). Đã điều dưỡng tập trung cho 2.961 lượt người có công và thân nhân (trong đó, trong tỉnh: 2.679 lượt; ngoài tỉnh: 282 lượt), đạt 74% kế hoạch.

Vận động thu Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 10,5 tỷ đồng, đạt 117% kế hoạch; vận động các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh tặng 718 sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng kinh phí hơn 507 triệu đồng…

Đối với công tác bảo trợ xã hội, năm 2015, địa phương đã thưc hiện công bố kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2014 với tỷ lệ hộ nghèo 12,10%, tỷ lệ hộ cận nghèo: 9,15%. Tổng hợp, báo cáo số hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh quý I và quý II/2015 trên địa bàn tỉnh với 27 hộ nghèo/102 khẩu, 14 hộ cận nghèo/47 khẩu.

 Hiện nay đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 theo 2 chuẩn nghèo (chuẩn cũ và chuẩn mới). Theo đó,  ước tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2015 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 giảm còn dưới 9%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn khoảng 7%. Trong năm 2015, địa phương cũng tiến hành cấp miễn phí 160.082 thẻ bảo hiểm y tế đối với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, kinh phí 99,410 tỷ đồng; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho 111.870 người cận nghèo, kinh phí 48,629 tỷ đồng. Cấp 28,190 tỷ đồng hỗ trợ tiền điện cho 47.943 hộ nghèo.

Bên cạnh việc hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, năm 2015, tỉnh Quảng Nam cũng thực hiện trợ cấp xã hội tại cộng đồng cho trên 91.000 đối tượng bảo trợ xã hội và hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng trợ cấp xã hội, với kinh phí thực hiện khoảng 310 tỷ đồng; nuôi dưỡng 494 người tại các cơ sở bảo trợ xã hội trực thuộc Sở, kinh phí nuôi dưỡng khoảng 6,2 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị cũng tham mưu, hướng dẫn phân bổ 1.500 tấn gạo từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ để hỗ trợ cho 34.523 hộ/90.013 khẩu bị thiếu đói trong thời gian giáp hạt năm 2015 và cho 1.044 em học sinh lớp 12 ở khu vực miền núi có điều kiện ở lại trường ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 420.500 em, trong đó trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 24.725 em; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 61.449 em. Năm 2015, để thực hiện tốt công tác này tại địa phương, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạng công tác thông tin, tuyên truyền nhằm giáo dục vận động xã hội, tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật, chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em...

Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa về bảo vệ, chăm sóc trẻ em như tặng quà, học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho trẻ em…với tổng kinh phí hơn 1,354 tỷ đồng. Vận động thu Quỹ Bảo trợ trẻ em hơn 5,9 tỷ đồng, đạt 113% kế hoạch.

Về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam cho biết, công tác cai nghiện, chữa trị tại gia đình và cộng đồng tiếp tục được địa phương đẩy mạnh. Hiện nay, có 310 đối tượng đang cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng và 321 người cai nghiện bằng chất thay thế Methadone. Đến nay, đã có 39 người nghiện ma túy đã cai nghiện thành công, các địa phương làm tốt công tác này có thể kể đến như phường Cẩm Phô, thành phố Hội An; xã Đại Quang, huyện Đại Lộc; xã Tiên Thọ và xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước...

Với những kết quả đã đạt được, năm 2016, Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam phấn đấu tuyển sinh dạy nghề cho 35.500 người (cao đẳng nghề: 500 người; trung cấp nghề: 2.000 người; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng: 33.000 người). Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 45,5%. Đồng thời, vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt 3 tỷ đồng; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2016-2020 bình quân mỗi năm từ 2 - 2,5%, trong đó khu vực đồng bằng giảm ít nhất từ 1,5 - 02%, khu vực miền núi giảm ít nhất 5%; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 1,5 - 02%. Các huyện nghèo, xã nghèo giảm tỷ lệ hộ nghèo ít nhất 6%. Giảm 0,15% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt so với tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt năm 2015; huy động Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đạt 5,4 tỷ đồng.    

BÙI MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh