Sở GTVT Hà Nội: Xây bến xe Yên Sở sát vành đai 3 phù hợp quy hoạch
- Tây Y
- 22:03 - 23/11/2018
Ảnh minh họa. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, bến xe khách này có vị trí nằm ở phía Nam đường vành đai 3, gần khu vực Yên Sở và được định hướng là bến xe khách trung hạn (dự kiến thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2016-2020), với quy mô bến xe có diện tích khoảng 3,5ha.
Tại đồ án "Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050," bến xe Yên Sở được xác định là bến xe khách liên tỉnh trung hạn (để từng bước điều chuyển các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đi và đến Hà Nội của các tỉnh phía Nam đang khai thác tại bến xe khách Giáp Bát hiện nay cũng như giải quyết nhu cầu đang gia tăng lưu lượng của các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh theo hướng này).
Nhìn nhận hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ của thành phố dựa trên khung xương chính là các Quốc lộ hướng tâm và các tuyến vành đai, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, các tuyến xe đi qua Hà Nội cũng phải đi vào đường vành đai để chuyển hướng đi sang các trục hướng tâm khác.
“Việc giải quyết nhu cầu giao thông vượt tuyến và giao thông kết nối ngang sẽ phụ thuộc vào việc hoàn thành các tuyến đường vành đai, liên thông để thực hiện đúng chức năng điều tiết, phân bổ luồng giao thông ra vào thành phố thông qua các Quốc lộ hướng tâm,” ông Hà cho hay.
Đối với các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh từ các tỉnh phía Nam đi và đến Hà Nội cũng phải chọn hành trình từ các trục hướng tâm tới đường vành đai và chuyển hướng đi vào các khu vực của thành phố. Trong giai đoạn quá độ khi vành đai 3,5; vành đai 4... chưa hoàn thành và tránh các phương tiện đi sâu vào nội đô để chuyển hướng, đường vành đai 3 là nơi được sử dụng để điều tiết giao thông cho các phương tiện này.
Trong khi lưu lượng các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh từ các tỉnh phía Nam đi và đến Hà Nội đang ngày càng gia tăng, các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm đang chịu áp lực ngày càng cao thì rất cần có thêm bến xe để đáp ứng. Vì thế, bến xe khách Yên Sở được quy hoạch cho giai đoạn quá độ hiện nay là cần thiết.
Sau khi đầu tư xong bến xe khách Yên Sở và Cổ Bi, Hà Nội sẽ tổ chức nghiên cứu bố trí các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh (phát sinh mới) từ các tỉnh phía Nam đi và đến thành phố kết hợp với việc điều chuyển các tuyến xe khách liên tỉnh đang khai thác tại bến xe Giáp Bát về 2 bến xe này. Khi đó, bến xe Giáp Bát sẽ chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe.
Bến xe khách Yên Sở sẽ được chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe phục vụ vận tải hành khách sau khi bến xe khách chính phía Nam (Khu vực Ngọc Hồi-đường vành đai 4) được đầu tư và xây dựng hoàn thành, đồng bộ với việc kết nối hạ tầng giao thông...
“Như vậy, việc xây dựng Bến xe khách Yên Sở đã được nghiên cứu thận trọng và đánh giá toàn diện các yếu tố liên quan đến định hướng phát triển đô thị, đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ giữa các đồ án quy hoạch..., đáp ứng được nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài,” ông Hà khẳng định.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng cho rằng, công tác triển khai xây dựng bến xe Yên Sở giai đoạn hiện này là phù hợp với tiến độ định hướng trong đồ án quy hoạch giao thông vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đề cập đến thời hạn hoạt động của dự án bến xe khách Yên Sở, theo ông Hà, trong quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư (được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đề xuất) đã căn cứ trên cơ sở phương án tài chính của nhà đầu tư nhằm đảm bảo khả năng thu hồi vốn cũng như hài hòa lợi ích giữa giữa các bên.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo đúng các quy định của pháp luật và sẽ chịu sự giám sát, quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý chuyên môn thành phố.
“Thời gian hoạt động dự kiến của dự án bao gồm cả thời gian khai thác sau khi chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe trong định hướng quy hoạch được duyệt,” ông Hà cho biết.
Trước đó, nhiều chuyên giao giao thông bày tỏ quan điểm lo ngại việc xây dựng bến xe này sẽ gây lãng phí vì chỉ hoạt động vài năm sau đó được di chuyển đi nơi khác và đi ngược quy hoạch với thế giới.