THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:39

Dự án Bến xe Yên Sở: HĐND TP Hà Nội chưa phê duyệt, chủ đầu tư đã cấp tốc thi công

 

Tiền trảm hậu tấu?
Mới đây, Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững đã gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan chức năng xử lý hàng loạt những bất cập liên quan đến Dự án đầu tư, xây dựng bến xe khách Yên Sở, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội, đồng thời khẩn trương cân nhắc hủy dự án đầu tư, xây dựng bến xe khách Yên Sở, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai và xử lý các cá nhân, đơn vị liên quan đến các dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan.

Bến xe Yên Sở đang được triển khai xây dựng

Được biết, trên cơ sở nghiên cứu Quyết định số 519 ngày 31/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải của Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn đến 2050, cũng như các quyết định liên quan khác, ngày 28/5/2018 UBND TP. Hà Nội đã ban hành Báo cáo Đồ án gửi đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Theo nội dung quy hoạch, nguyên tắc bố trí bến xe liên tỉnh: Tại các trục đường hướng tâm giao với vành đai 4; từng bước thay thế toàn bộ các bến xe khách hiện có đang khai thác sử dụng nằm sâu trong nội đô… đồng thời nêu rõ 7 bến xe khách liên tỉnh quy hoạch mới gồm: Bến xe khách phía Bắc (Nội Bài), Bến xe khách Đông Anh, bến xe khách phía Đông Bắc (Bến xe Cổ Bi), bến xe khách phía Nam, bến xe Yên Nghĩa, bến xe khách phía Tây, bến xe phía Tây Bắc.
Ngoài ra, xây dựng bến xe khách Yên Sở, tại vị trí giáp vành đai 3, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, diện tích khoảng 3,2 ha trong giai đoạn quá độ chuyển tiếp giữa các bến xe hiện có và quy hoạch xây dựng mới... Đáng chú ý, trong đồ án nói rõ “phải báo cáo Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội thông qua trước khi phê duyệt”. Đồng thời đề nghị Thường  trực Thành ủy Hà Nội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo làm cơ sở báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội xem xét thông qua. 
Như vậy Đồ án đã nêu rất rõ ràng, tuy nhiên hiện nay bến xe Yên Sở đã được giao cho chủ đầu tư triển khai xây dựng mà không thông qua đấu thầu, đấu giá đất. Hiện dự án đang được san lấp mặt bằng khiến cho dư luận hoài nghi về tính pháp lý của nó đã đúng quy định của pháp luật và được  HĐND TP. Hà Nội thông qua chưa?. 
Nhiều bất cập cần được làm rõ
Theo kiến nghị của Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững, việc quy hoạch bến xe Yên Sở không phù hợp với mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông vận tải hoàn thiện đáp ứng được các tiêu chí: Bền vững, đồng bộ, hiện đại trên cơ sở định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 (yêu cầu tại phần III. Mục tiêu quy hoạch, Quyết định 519). Bởi theo quyết định quy hoạch này, bến xe Yên Sở sẽ nằm trên trục đường vành đai 3, trái với nguyên tắc bố trí các bến xe khách liên tỉnh tập trung chính tại khu vực vành đai 4 đã được quy định tại Khoản 2, Điều 1, Quyết định 395/QĐ - UBND ngày 26/1/2015  về việc Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch chưa đảm bảo tuân thủ thời hạn trung hạn (khoảng 10 năm), nhưng TP. Hà Nội lại cấp phép hoạt động trong thời hạn 50 năm. Mặt khác, theo Quy hoạch bến xe Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050, thành phố đã xác định chuyển các bến xe hiện có ra khu vực vành đai 4, nhưng nay lại xây thêm bến xe Yên Sở trong khu vực nội đô. Vậy phải chăng sau này khi thực hiện di dời chỉ mình bến xe này được tồn tại?.
Việc xây dựng bến xe Yên Sở làm gia tăng áp lực lên hạ tầng giao thông khu vực vành đai 3, vốn đã tồn tại lâu nay, đó là chưa kể 2 bến xe kế sát nhau là Giáp Bát - Nước Ngầm, nên nếu bến xe Yên Sở đi vào hoạt động sẽ gây ra xung đột giao thông, ùn tắc. Bến xe lại nằm giữa khu dân cư thì liệu có đảm bảo cảnh quan, môi trường hay không?. Bên cạnh đó, nhiều nghi vẫn được đặt ra, đó là Bến xe Yên Sở được phê duyệt là bến xe liên tỉnh tích hợp cả xe khách và xe tải có trái với chủ trương phê duyệt chỉ là bến xe khách liên tỉnh?.

Nghi vấn đằng sau việc chấp thuận cho Cty CP bến xe Thanh Trì mới được được thành lập chỉ 5 tháng, chưa từng kinh doanh bến bãi làm chủ đầu tư dự án

Nghiêm trọng hơn, kiến nghị còn cho rằng dự án chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch, không tiến hành đấu giá hàng nghìn m2 đất thuộc dự án (đất và tài sản trên đất đã được giải phóng mặt bằng). Dự án Bến xe Yên Sở thuộc trường hợp bắt buộc phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo luật đất đai, nhưng ngày 30/12/2016 UBND TP Hà Nội đã chỉ định giao cho một doanh nghiệp tư nhân là Cty CP bến xe Thanh Trì (địa chỉ tại Hoàng Mai, Hà Nội) làm chủ đầu tư (không thông qua đấu thầu). 
Điều kỳ lạ hơn, theo tìm hiểu của PV, CTy này mới được thành lập chỉ 5 tháng trước đó (tháng 7/2016), chưa từng kinh doanh bến bãi. Dự án bến xe Yên Sở có tổng mức đầu tư là 118 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chỉ vỏn vẹn... “30 tỷ đồng”, còn lại 88 tỷ đồng là vốn huy động và đi vay, thế nhưng không hiểu tại sao lại được cấp tốc “ưu ái” lựa chọn làm chủ đầu tư dự án?.
Về những vấn đề trên, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng có văn bản cho rằng những kiến nghị của Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững là đúng với tình hình thực tế, đồng thời đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu để có những giải pháp đảm bảo tính khả thi của dự án, tránh tình trạng lãng phí, gây ra hệ lụy sau khi đưa vào sử dụng.
Mới đây nhất, tại Công văn số 8230/VPCP-CN ngày 31/8/2018 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội triển khai đầu tư Bến xe khách Yên Sở theo thẩm quyền, đúng quy hoạch đã được phê duyệt và quy định của pháp luật, đảm bảo các yêu cầu về cảnh quan, bảo vệ môi trường và bảo đảm công khai, minh bạch, không gây lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước.

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh