THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:15

Số ca nhiễm COVID-19 mới trong 24 giờ qua trên toàn cầu là 996.154 ca

Theo TTXVN, số liệu từ trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 3/4 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 490.703.804 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.173.614 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 996.154 và 2.453 ca tử vong.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 425.446.250 người, 59.083.940 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 56.281 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 264.097 ca; Pháp đứng thứ hai với 132.114 ca; tiếp theo là Đức (128.639 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 340 người chết trong ngày; tiếp theo là Hàn Quốc 339 ca và Đức với 187 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 81.820.091 người, trong đó có 1.008.058 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.027.998 ca nhiễm, bao gồm 521.374 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 29.992.227 ca bệnh và 660.108 ca tử vong. 

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 180 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 140,4 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận 96,64 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 56,19 triệu ca, tiếp đến là châu Phi 11,76 triệu ca và châu Đại Dương gần 5,6 triệu ca nhiễm.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

VTV cũng đưa tin, Italy đã chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp về đại dịch COVID-19 và có thể loại bỏ dần các biện pháp phòng chống COVID-19 còn lại trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến ngày 31/12. Với tình trạng khẩn cấp kết thúc, Ủy ban chuyên gia tư vấn cho Chính phủ Italy về các biện pháp chống dịch COVID-19 và văn phòng của quan chức phụ trách phòng chống COVID-19, Tướng Francesco Figliuolo đã ngừng hoạt động. Thay thế hai cơ quan này là một đơn vị đặc trách của Bộ Y tế Italy, được giao nhiệm vụ hoàn thành chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 và áp dụng các biện pháp khác liên quan đến đại dịch, sẽ hoạt động cho đến cuối năm 2022.

Chính phủ Italy đã ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch COVID-19 vào ngày 31/1/2020 và đã gia hạn vài lần. Cho đến nay, Italy có khoảng 14,5 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 159.000 ca tử vong. Gần 90% số người từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine đủ liều và khoảng 38,8 triệu/59 triệu dân đã được tiêm liều vaccine tăng cường.

Italy đã chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp về đại dịch COVID-19. (Ảnh: AP)

Italy đã chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp về đại dịch COVID-19. (Ảnh: AP)

 

Australia tiếp tục tiến thêm một bước trong việc thúc đẩy loại bỏ quy định cách ly 7 ngày đối với những trường hợp tiếp xúc gần với người mắc COVID-19, khi Ủy ban Bảo vệ sức khỏe Australia (AHPPC) đưa ra khuyến nghị chính thức về vấn đề này.

AHPPC khuyến nghị loại bỏ quy định cách ly đối với các trường hợp tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 nhưng cần căn cứ vào từng khu vực và mức độ rủi ro. AHPPC nhấn mạnh: "Ở những nơi bắt buộc phải kiểm dịch, tại thời điểm này, quy định cách ly 7 ngày vẫn còn thích hợp". Trước đó, ngày 23/3, AHPPC đã tiến hành cuộc họp tổng kết lại kết quả đối phó với đại dịch COVID-19, xác định mục tiêu tiếp theo và đưa ra các biện pháp trong thời gian tới.

Malaysia đã mở cửa biên giới đón khách du lịch quốc tế, đồng thời bãi bỏ các hạn chế đã được áp dụng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020. Nước này đặt mục tiêu sẽ thu hút hai triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm nay với 8,6 tỷ Ringgit (RM) doanh thu từ du lịch.

Phó Tổng Giám đốc Bộ Nội vụ Malaysia Zakaria Shaaban cho biết, các điểm làm thủ tục nhập cảnh tại 183 cửa khẩu trên khắp đất nước đã sẵn sàng tiếp nhận khách du lịch, đồng thời sẵn sàng mở thêm các điểm làm thủ tục khi cần thiết.

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tăng số lượng người được phép nhập cảnh vào nước này mỗi ngày từ 7.000 hiện nay lên mức 10.000 người từ ngày 10/4 tới, song song với việc nới lỏng này là các biện pháp kiểm dịch sẽ được tăng cường ở sân bay. Nhật Bản sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và biện pháp đối phó với dịch COVID-19 của các nước cũng như nhu cầu nhập cảnh vào nước để có các biện pháp nới lỏng nhập cảnh phù hợp, xu hướng là sẽ tiếp tục mở cửa để đáp ứng lưu lượng người muốn nhập cảnh ngày càng lớn.

Nhật Bản đang dần nới lỏng các hạn chế nhập cảnh và đi lại. (Ảnh: AP)

Nhật Bản đang dần nới lỏng các hạn chế nhập cảnh và đi lại. (Ảnh: AP)

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh