THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 10:54

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,2 triệu ca mắc COVID-19

Theo TTXVN, số liệu thống kê từ trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,2 triệu ca mắc COVID-19 và trên 3.100 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 489,5 triệu ca, trong đó trên 6,16 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (280.187 ca), Đức (231.910 ca) và Pháp (148.629 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (360 ca), Nga (342 ca) và Đức (297 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 81,7 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 521.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 29,9 triệu ca mắc và trên 660.000 ca tử vong.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

VTV cũng đưa tin, tại khu vực châu Á, từ ngày 1/4, du khách đến Thái Lan sẽ không cần phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước khi khởi hành. Thái Lan sẽ bỏ quy định yêu cầu phải có chứng nhận kết quả xét nghiệm PCR âm tính trước khi khởi hành với những du khách nhập cảnh theo các chương trình "Xét nghiệm & Lên đường" hay "Hộp cát".

Tuy nhiên, khi đến Thái Lan du khách sẽ vẫn phải làm xét nghiệm PCR. Họ cũng được yêu cầu tự xét nghiệm bằng phương pháp kháng nguyên vào ngày thứ 5 sau khi đến và theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú.

Nếu sau lễ hội Songkran, các ca nhiễm không tăng đột biến, Thái Lan sẽ đưa ra thông báo coi COVID-19 là một bệnh đặc hữu, thay vì đại dịch như hiện tại. Ảnh: Reuters

Nếu sau lễ hội Songkran, các ca nhiễm không tăng đột biến, Thái Lan sẽ đưa ra thông báo coi COVID-19 là một bệnh đặc hữu, thay vì đại dịch như hiện tại. Ảnh: Reuters

 

Cùng ngày, Malaysia đã mở cửa biên giới đón khách du lịch quốc tế, đồng thời bãi bỏ các hạn chế đã được áp dụng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020. Nước này đặt mục tiêu sẽ thu hút hai triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm nay với 8,6 tỷ ringgit doanh thu từ du lịch. Phát biểu với báo giới tại Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur ngày 1/4 khi chào đón 220 hành khách đến Malaysia từ Abu Dhabi, Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia Nancy Shukri khẳng định, việc mở cửa biên giới trở lại sẽ mang lại sự phục hồi lớn cho ngành du lịch, đồng thời bày tỏ sự phấn khởi khi ví rằng ngày hôm nay giống như ngày lễ "Hari Raya" (lễ lớn nhất trong năm của người Hồi giáo).

Singapore đã mở lại hoàn toàn các cửa khẩu cho tất cả du khách đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 vào ngày 1/4, sau hai năm đóng cửa. Trước đây, chỉ những du khách từ một số nước mới có thể vào Singapore mà không cần kiểm dịch, nhưng từ ngày 1/4, tất cả những người đã được tiêm chủng chỉ cần có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính là được nhập cảnh.

Ở chiều ngược lại, Chính phủ Lào đã ban hành một số quy định mới về phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc mới trong ngày tại nước này vẫn ở mức cao. Theo đó, trong dịp đón Tết cổ truyền Boun Pimay, nước này chỉ cho phép tổ chức các hoạt động truyền thống như cúng lễ, tắm Phật và buộc chỉ cổ tay trong nội bộ gia đình trên tinh thần tiết kiệm; cấm tuyệt đối việc tập trung trong không gian chật hẹp, tạo điều kiện lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Ngoài ra, phải thực hiện các quy định phòng dịch cơ bản như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước diệt khuẩn.

Nhân viên y tế chuẩn bị vaccine trước khi tiêm cho người dân tại 1 điểm tiêm ở thủ đô Vientiane. Ảnh: TTXVN

Nhân viên y tế chuẩn bị vaccine trước khi tiêm cho người dân tại 1 điểm tiêm ở thủ đô Vientiane. Ảnh: TTXVN

 

Sau khi nhận định làn sóng gia tăng số ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc đã đạt đỉnh vào giữa tháng 3 vừa qua, chính phủ nước này quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19 trong 2 tuần (tới ngày 17/4). Cụ thể, số người tối đa được phép có mặt cùng lúc tại các hoạt động cá nhân sẽ được nâng từ 8 lên 10 người, trong khi thời gian làm việc sẽ kéo dài thêm một giờ. Các nhà hàng, quán cà phê, cơ sở thể thao trong nhà và quán karaoke, cũng như các câu lạc bộ đêm sẽ được phép mở cửa đến nửa đêm. Theo Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, mục đích của việc điều chỉnh quy định giãn cách xã hội là nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các tiểu thương và đáp ứng mong đợi của người dân.

Cũng trong ngày 1/4, Chính phủ Nhật Bản xác nhận bà Seiko Noda - Bộ trưởng phụ trách vấn đề bình đẳng giới và các chính sách cho trẻ em - đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là thành viên đương nhiệm đầu tiên trong nội các Nhật Bản bị mắc COVID-19. Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo đang có xu hướng tăng trở lại. Ngày 1/4, thành phố này ghi nhận thêm 7.982 ca nhiễm mới, tăng 700 ca so với một tuần trước đó. Hiện dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron đang nhanh chóng chiếm ưu thế trong số các ca nhiễm mới ở Tokyo. Trong tuần từ ngày 15-21/3, các ca nghi nhiễm BA.2 chiếm khoảng 52% trong tổng số ca mắc mới COVID-19 tại đây. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại phần lớn các tỉnh, thành khác ở Nhật Bản. Trong tuần từ ngày 25 đến 31/3, số ca nhiễm mới bình quân ở Nhật Bản là 45.345 ca, tăng 17% so với một tuần trước đó. Có tới 44 trong tổng số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới tăng hoặc đi ngang.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh