THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:34

Sinh viên CNTT cần nhạy bén nắm bắt cách mạng công nghiệp 4.0

 

Sau khi đi thăm cơ sở vật chất, Phó Thủ tướng đã nghe lãnh đạo nhà trường giới thiệu về chiến lược phát triển của Đại học FPT và mục tiêu trong thời gian tới. Phát biểu trước lãnh đạo nhà trường và các sinh viên CNTT, Phó Thủ tướng nhấn mạnh:

Công nghệ thông tin (CNTT) có vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) và phong trào khởi nghiệp sáng tạo được nhắc đến nhiều. Điều quan trọng, các bạn sinh viên phải tự tìm hiểu về những cơ hội, thách thức cũng như cơ hội thực sự mà cuộc cách mạng lần thứ tư mang lại….”.

Phó Thủ tướng và các giảng viên, sinh viên Đại học FPT. ảnh:VGP

Nhắc lại thời điểm Việt Nam mạnh dạn lựa chọn công nghệ số hóa - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba trong khi nhiều nước đang lưỡng lự, Phó Thủ tướng cho rằng ngành CNTT của Việt Nam cũng như những ngành liên quan đã phát triển mạnh mẽ từ cuộc cách mạng này, nhưng vẫn còn những thời cơ chưa được tận dụng. Và thực tế dù đã có những kế hoạch, đề án phát triển thành nước mạnh về CNTT, với dân số trẻ, quy mô lớn, được đánh giá cao về năng lực… nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được được mục tiêu khi Chính phủ điện tử mới dừng ở vị trí 80-90 thế giới. Thị trường dịch vụ CNTT đạt 3 tỷ USD so với con số 943 tỷ USD của thị trường toàn cầu.

“Trước khi chúng ta nghĩ đến việc tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì cần phải tận dụng ngay những lợi thế còn lại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề và phân tích cụ thể: Có ý kiến nói do chính sách của Nhà nước, do doanh nghiệp của Việt Nam yếu, nhưng điều quan trọng ai cũng nhận ra là lực lượng làm CNTT của chúng ta còn mỏng về số lượng, yếu về chất lượng. Trong đó có nguyên nhân quan trọng từ môi trường giáo dục đại học chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Đại học FPT có những thành tích xuất sắc trong tham gia đào tạo nhân lực CNTT. ảnh:VGP

Để Việt Nam bắt kịp các nước công nghiệp mới thì 20 năm tới đây, phải tăng trưởng ít nhất 8-9%/năm, cùng với đó là phải phát triển bền vững, không ảnh hưởng tới tương lai, bảo đảm công bằng xã hội. “Muốn như vậy, bản thân các bạn phải là những người thực sự khát vọng và phải thật mới. Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phải có cuộc cách mạng trong học tập, trong quản trị, trong chính sách về CNTT. Bởi những cơ hội từ một cuộc cách mạng không tự nhiên đến nếu không có sự dấn thân…”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.

Chúng ta không thể tận dụng tốt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nếu không có các quyết sách rất mạnh về chủ trương, thuế, tài chính để các doanh nghiệp phát triển các xa lộ thông tin rộng lớn. Nếu không tháo gỡ được các vướng mắc khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phải đặt trụ sở ở Singapore, Mỹ.

Dự lễ khai trương giai đoạn 2 của làng phần mềm F-Ville (F-Ville 2),  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trong thời gian tới Việt Nam cần tới 1 triệu lao động làm việc trong các lĩnh vực CNTT, dịch vụ CNTT, nội dung số. Nhưng hiện nay cả nước mới chỉ có 300.000 nhân lực trong ngành này. Do vậy, còn nhiều việc phải làm. Ngoài FPT xây dựng "làng" phần mềm, thì cần sự tham gia của nhiều doanh nghiệp khác đầu tư bài bản vào CNTT, để từ đó đưa Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp phần mềm của thế giới.

Được biết, F-Ville 2 có diện tích sàn 28.000 m2, có khả năng đáp ứng 3.000 chỗ làm việc. Như vậy, cơ sở làm việc của FPT Software tại Hòa Lạc đã trở thành trung tâm xuất khẩu phần mềm lớn nhất Việt Nam với quy mô 5.000 nhân sự và định hướng trở thành trung tâm toàn cầu cung cấp dịch vụ chuyển đổi số. Song song với việc mở rộng quy mô, năm 2017, FPT Software có nhu cầu tuyển dụng 5.000 nhân lực ở tất cả các vị trí.

NGỌC THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh