Sinh con có thưởng!
- Y học 360
- 07:20 - 30/10/2021
Cụ thể, lần đầu tiên dự thảo Luật Dân số do Bộ Y tế chủ trì xây dựng, đề xuất thưởng tiền cho gia đình sống tại 21 tỉnh, thành có tỷ lệ sinh thấp. Theo dự thảo, Nhà nước khuyến khích sinh đủ hai con tại tỉnh có mức sinh thấp bằng cách hỗ trợ 1 lần bằng tiền ít nhất tương đương 1 lần mức lương tối thiểu vùng (dao động từ 3,07 đến 4,42 triệu đồng/tháng) khi phụ nữ sinh con thứ nhất và ít nhất tương đương 2 lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ hai.
Bên cạnh đó, cặp vợ chồng cam kết sinh đủ hai con được Nhà nước hỗ trợ con của họ học tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học công lập và miễn học phí khi theo học THCS công lập. Dự luật này cũng đề xuất hỗ trợ về nhà ở theo chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho cặp vợ chồng sinh đủ hai con có cam kết không sinh thêm.
Hiện 21 tỉnh, thành gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kiên Giang... đang có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế (dưới 2 con/bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ).
Một số chuyên gia về dân số cho rằng, dự thảo Luật Dân số lần này tiếp cận ở góc độ "rất mới" khi đi trực tiếp vào vấn đề hỗ trợ kinh phí cho các cặp vợ chồng trong việc khuyến khích sinh đủ hai con. Tuy nhiên, bên cạnh việc đầu tư cho chính sách "khuyến sinh", nhận thức của người dân đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng tổng tỷ suất sinh. Muốn thay đổi được nhận thức của người dân thì phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, như: Hỗ trợ chi phí trông trẻ, mở rộng hình thức cũng như nới thời gian trông trẻ ở các trường mầm non; các chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế thu nhập cá nhân; bổ sung các quyền lợi về BHXH cho các gia đình sinh đủ hai con; ưu tiên mua nhà ở xã hội; hoàn thiện y tế, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em...
Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu các giải pháp nâng cao bình đẳng giới, nâng cao khả năng cân bằng của phụ nữ trong công việc và gia đình...
Vấn đề sinh đẻ không phải là chuyện riêng của mỗi gia đình mà có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Nếu điều chỉnh mức sinh hợp lý sẽ kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số, có tác động rất quan trọng đến chất lượng nguồn nhân lực tương lai.