THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:42

“Siêu uỷ ban" chính thức tiếp nhận 19 Tập đoàn, Tổng công ty từ 1/10

         

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chính thức ra mắt vào chiều 30.9

 

Phát biểu tại buổi Lễ ra mắt Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế là yêu cầu cơ bản, góp phần nâng cao vai trò của kinh tế nhà nước. Việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước là bước quan trọng để phân biệt rõ, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ ra mắt Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

 

 “Uỷ ban với vai trò đại diện quyền sở hữu vốn nhà nước không chỉ có Chính phủ mà các cơ quan liên quan, dư luận xã hội đều đang theo dõi, kỳ vọng rất lớn trong đổi mới tư duy, quản trị... Làm sao khắc phục cho được yếu kém, tạo sự khác biệt lớn cho khu vực doanh nghiệp nhà nước để khu vực này nói riêng và từng doanh nghiệp tăng hiệu quả hoạt động, kinh doanh hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của lĩnh vực nhà nước. Có Uỷ ban này, chúng ta kỳ vọng sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp nhà nước còn cao hơn nữa", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu Chính phủ, Uỷ ban sẽ có vai trò chủ chốt khi được giao quản lý số vốn gần 1 triệu tỷ đồng, tổng tài sản 2,3 triệu tỷ đồng, chiếm 2/3 tổng tài sản doanh nghiệp nhà nước. Những đơn vị thuộc về đây đều là trọng yếu của nền kinh tế.

"Chúng ta có 2 con đường, 1 là xây dựng uỷ ban chuyên nghiệp, hiện đại từ đó thúc đẩy cải cách mạnh mẽ. Hoặc con đường thứ 2 là tạo ra cơ quan quan liêu, bảo thủ làm gánh nặng cho đất nước. Hai con đường đó chọn con đường nào? Tôi xin tuyên bố chúng ta lựa chọn con đường thứ nhất, khó hơn nhưng tôi tin tất cả đều muốn lựa chọn con đường thúc đẩy phát triển hiện đại, nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp nhà nước. Nếu đây là một cơ quan bảo thủ, hành chính, quan liêu làm hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước thì chúng ta không bao giờ lập uỷ ban", Thủ tướng khẳng định.

Các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

 

Để thành công trên con đường này, Thủ tướng yêu cầu Uỷ ban nhanh chóng kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, kiện toàn. Đặc biệt, không để kẽ hở cho tham nhũng, nâng cao trách nhiệm giải trình tại Uỷ ban cũng như tại các tập đoàn, cơ chế giám sát người đại diện, tăng cường minh bạch, tránh thất thoát, không để xảy ra tình trạng "sân trước sân sau"… Đồng thời, bổ sung chiến lược phát triển, xác định rõ mục tiêu với từng Tập đoàn, Tổng công ty, nâng cao hiệu lực quản trị doanh nghiệp cũng như tiếp tục sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá doanh nghiệp theo hướng chất lượng hơn...

"Phát triển phải đi liền quản lý chứ không phải phát triển bừa bãi, không phải về Uỷ ban rồi phát triển kém đi. Ở đây có những Tập đoàn năm sau tăng trưởng cao hơn năm trước, thậm chí tăng trưởng tới 30%, phải đi theo hướng đó chứ không phải về Uỷ ban rồi teo tóp đi", Thủ tướng yêu cầu.

Tại buổi lễ ra mắt, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng công bố Nghị định số 13 quy đinh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban. Đồng thời, công bố quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Phú Hà - Vụ trưởng Vụ Giám sát đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) giữ chức Phó Chủ tịch Uỷ ban.

 

Theo Nghị định 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban là cơ quan trực thuộc chính phủ, được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật. Ủy ban có tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh: Commission for the Management of State Capital at Enterprises, viết tắt CMSC.

 

Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Ủy ban đã cùng với 5 Bộ: Công thương, GTVT, NN&PTNT, TT&TT, Tài chính ký kết biên bản ghi nhớ về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty. Theo quy định tại Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban, Ủy ban thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp từ ngày Nghị định được ký ban hành (29/9/2018).

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh