'Siết' cho vay bất động sản
- Huyệt vị
- 14:23 - 05/04/2022
“Cắt” tín dụng đổ vào bất động sản
Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm mới đây đã yêu cầu giám đốc khu vực, giám đốc chi nhánh và trưởng phòng giao dịch triển khai và điều hành hoạt động cho vay tại đơn vị với nhiều nội dung quan trọng.
Theo đó, Sacombank sẽ tập trung cấp tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, trong đó ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistic…
Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, Sacombank sẽ không cấp tín dụng cho khách hàng mới kể từ ngày 23-3 đến hết ngày 30-6-2022. Đáng chú ý, qui định này không áp dụng đối với cán bộ nhân viên và người thân mua, xây, sửa bất động sản để ở.
Lý giải về quyết định này, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết: “Mỗi ngân hàng có một chiến lược cho vay riêng. Hiện tỉ lệ tăng trưởng cho vay bất động sản đối với khách hàng cá nhân tại Sacombank cũng nhiều rồi nên trong giai đoạn này, chúng tôi không muốn cho vay bất động sản nữa mà tập trung cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Và điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chỉ đạo của NHNN. Tuy nhiên, đối với các hợp đồng tín dụng mà ngân hàng đã phê duyệt thì chúng tôi vẫn thực hiện giải ngân như bình thường.
Mặt khác, hạn mức tín dụng mà NHNN giao cho các ngân hàng mới là dự ước (giao tạm) thôi nên room tín dụng của các ngân hàng đâu có nhiều. Trong khi đó, mới gần kết thúc quý 1-2022 mà tín dụng đã tăng gần bằng room tín dụng NHNN giao rồi, do đó việc kiểm soát chặt tín dụng là điều cần thiết.
Trước đó, Techcombank cũng thông báo kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và thứ cấp mua bất động sản. Techcombank cũng là một trong những ngân hàng có tỷ lệ dư nợ cho bất động sản lớn nhất toàn ngành. Với dư nợ cho vay doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng 9 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 130.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước và chiếm đến 40% tổng dư nợ của ngân hàng. Nếu tính cả các khoản vay cá nhân mua nhà, dư nợ cho vay liên quan đến bất động sản của ngân hàng này có thể lên tới 74% tổng dư nợ.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện, các tổ chức tín dụng đã thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn bình quân, giảm phí phi lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; đồng thời cũng "thắt chặt hơn" yêu cầu về tài sản bảo đảm; điều khoản bổ sung trong hợp đồng, yêu cầu điểm xếp hạng tín nhiệm tối thiểu của khách hàng và hạn mức tín dụng đối với khách hàng để đảm bảo an toàn. Các ngân hàng dự kiến sẽ giảm dòng vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản, xuống còn khoảng 23,8% trong 6 tháng đầu năm 2022 từ mức 29,7% của 6 tháng đầu năm 2021 do lĩnh vực này được dự báo có mức độ rủi ro tăng cao nhất.
Siết chặt cho vay mua bất động sản đầu cơ
Trước đó, ngày 18/3/2022, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Trong đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.
NHNN cũng chỉ đạo các nhà băng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Theo NHNN, tín dụng bất động sản hiện chiếm khoảng 18-20% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Con số này tương đương với quy mô khoảng 600.000 - 670.000 tỷ đồng.
Trong cơ cấu tín dụng bất động sản, cho vay mua bất động sản để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh bất động sản. NHNN mới đây cũng công bố, tính đến tháng 11/2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản tăng 12% so với năm 2020.
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tín dụng bất động sản có xu hướng giảm về tỷ trọng những năm gần đây, từ mức 26% của năm 2018 xuống 11,89% năm 2020.
Ngân hàng nhà nước đã có chỉ đạo kiểm soát chặt tín dụng bất động sản, vào những khách hàng lớn, dự án lớn, các dự án BOT, BT giao thông.
Trong năm 2022, NHNN sẽ hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, hạn chế tín dụng đen. Với lĩnh vực bất động sản, ngân hàng tạo điều kiện cho bất động sản nhà ở, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thực, chính đáng, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ bất động sản đầu cơ, dự án lớn có hệ số rủi ro cao.