Sharapova vướng doping: Nỗi buồn ngày 8/3
- Văn hóa - Giải trí
- 02:31 - 09/03/2016
Sharapova ý thức rất rõ những hệ luỵ từ scandal doping mà cô vừa thừa nhận và tỏ ra ăn năn. Ảnh: Reuters.
Cách Masha xuất hiện trước truyền thông, với chiếc áo đen và gương mặt buồn đến nao lòng. Nàng không đợi đến khi mẫu thử B có kết quả, chẳng ca điệp khúc bất hủ "tôi vô tội", chẳng đổ lỗi cho lực lượng y tế và các cộng sự. Masha tự tổ chức họp báo và nhận lỗi về mình.
"Tôi xin nhận toàn bộ trách nhiệm. Tôi đã phạm một sai lầm lớn. Tôi đã khiến môn thể thao mà tôi yêu quý, cũng như các cổ động viên của mình thất vọng", Sharapova nói. Và nàng cũng tuyên bố sẽ trở lại, cho dù án cấm trước mặt là hai năm hay nặng nhất là bốn năm. "Tôi không muốn kết thúc sự nghiệp theo cách này. Tôi hy vọng mình được trao cơ hội để trở lại với quần vợt. Nếu tôi phải nói lời giã biệt với các bạn thì ngày ấy không phải là hôm nay, không gian cũng chẳng phải là khách sạn Los Angeles với tấm thảm xấu xí này".
Cả cuộc đời Sharapova cho đến trước ngày hôm qua, được gói trong một chữ: Đẹp. Từ vóc dáng, gương mặt cho đến cả tài năng. Câu chuyện của một cô gái Nga đã chơi và yêu quần vợt từ năm lên bốn tuổi cũng là một câu chuyện đẹp. Có biết bao người giành được Grand Slam nhưng không đẹp, và cũng có những người rất đẹp (như Caroline Wozniacki, hay người đàn chị đồng hương Anna Kournikova) lại chẳng thể có nổi một Grand Slam.
Sharapova là một trong những người hiếm hoi đạt đến trình độ tài sắc vẹn toàn. Về tài năng, năm Grand Slam trong sự nghiệp là một minh chứng hùng hồn. Về nhan sắc, cô chưa bao giờ rời khỏi những vị trí hàng đầu trong các cuộc bình chọn VĐV nữ quyến rũ nhất hành tinh. Nhan sắc ấy biến Sharapova thành một biểu tượng của quần vợt, một nữ VĐV có thu nhập cao nhất hành tinh. Chỉ riêng năm ngoái, cô đã thu về 23 triệu đôla tiền quảng cáo. Suốt cuộc đời Sharapova tính đến trước ngày hôm qua không hề dính đến scandal.
Nếu một người chú trọng đến nhan sắc và hình ảnh như thế buộc phải thừa nhận là mình làm hoen ố môn thể thao mà mình yêu quý, đấy phải là một cú sốc tâm lý khủng khiếp. Sharapova thừa nhận đã dùng meldonium - một chất kích thích được phát triển ở Latvia, thường dùng cho những bệnh nhân có vấn đề về tim mạch. Chất này giúp tăng khả năng lưu thông máu và liều lượng ô xy vào cơ thể, nhưng nếu được dùng ở liều cao, nó sẽ giúp VĐV nâng cao khả năng thi đấu.
Chất meldonium được "Masha" sử dụng trong quá trình chăm sức sức khoẻ, mà không hề biết rằng nó có tác dụng phụ, làm tăng cường khả năng vận động thi đấu. Ảnh: Reuters.
Meldonium được đưa vào danh sách rà soát vào năm ngoài và chính thức có trong danh sách cấm đầu năm nay. Trước khi bổ sung, cơ quan chống doing thế giới (WADA) như thông lệ gửi đến tất cả các VĐV một email. Theo như lời Sharapova, cô đã không đọc email ấy. Các luật sư của Sharapova cho biết thân chủ vẫn thường xuyên sử dụng meldonium để trị bệnh cúm, đấy cũng là một chất ngăn bệnh tiểu tường, vốn đã có tiền sử trong gia đình của Sharapova. Suốt một thời gian dài, chất này không cấm nên nó tạo cảm giác chủ quan. Vì thế, Masha đã không đọc email ấy.
Đấy có thể là một lời bào chữa, dù khó chấp nhận. Một VĐV thể thao chuyên nghiệp, sau lưng là cả một đội ngũ quản lý hùng hậu, làm gì có chuyện không biết một chất cấm vừa được đưa vào danh sách khi nó hoàn toàn có thể làm hỏng sự nghiệp của mình? Huống chi chất cấm ấy đã có tiền lệ khiến nhiều VĐV phải thân bại danh liệt trong một thời gian ngắn. Abeba Aregawi, nữ VĐV điền kinh người Thụy Điển từng vô địch thế giới 2013 nội dung 1.500 mét đã bị cấm vì dùng chất này. Cũng hôm qua, nữ VĐV trượt băng Ekaterina Bobrova bị cấm thi đấu vì dùng chất này ở giải vô địch trượt băng nghệ thuật châu Âu 2016.
Quần vợt từ lâu đã bị chỉ trích là dung dưỡng cho các VĐV trong việc dùng chất cấm để bảo vệ các ngôi sao, để giữ gìn sức hút cho các giải đấu. Có lẽ đấy là lý do thời gian gần đây, bộ phận kiểm tra doping đã tỏ ra mạnh tay hơn trong việc đưa các VĐV nhúng chàm ra ánh sáng. Marin Cilic và Viktor Troicki đều đã bị treo vợt, và Sharapova có lẽ cũng là một nạn nhân mới nhất và lớn nhất của sự siết lại ấy.
Dù có yêu Masha cách mấy, cũng chẳng thể biện minh cho nàng. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy những hoài nghi, khi thể thao liên tục bị hoen ố bởi những ca doping. Mới đây nhất, HLV Ma Junren huyền thoại của điền kinh Trung Quốc những năm 1990 vừa bị phanh phui là một "ông trùm doping". Các VĐV chấp nhận để ông tiêm chất cấm vào người để bảo tồn "danh dự quốc gia", rồi chứng kiến HLV này huyên thuyên về những phương pháp đông y thần kỳ.
Và hôm nay, ngay cái ngày đẹp nhất của chị em phụ nữ, người hâm mộ nhận tin dữ từ nữ VĐV được hàng triệu nam giới ngưỡng mộ. Cánh mày râu vẫn sẽ yêu và chờ ngày Masha trở lại, nhưng những rạn vỡ niềm tin e là chẳng thể bù đắp được.