Sẽ luật hóa quy định xử lý kỷ luật cán bộ nghỉ hưu
- Bài thuốc hay
- 22:29 - 24/08/2018
Ảnh minh họa
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng cho rằng, hiện nay quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức về hưu vẫn còn trống nên cần thiết phải quy định trong luật để đảm bảo mọi đối tượng "hạ cánh không an toàn", nếu có vi phạm.
Đề xuất này được ông Nguyễn Duy Hưng đưa ra tại hội nghị xin ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực công tác tổ chức cán bộ do Bộ Nội vụ vừa tổ chức.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, liên quan đến lĩnh vực tổ chức, bộ máy, dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung 4 điều của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và 50 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
Về lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức, dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung 30 điều của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và 15 điều của Luật Viên chức năm 2010.
Ngoài những đề xuất sửa đổi, bổ sung liên quan đến lĩnh vực tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cũng cho biết, Bộ Nội vụ đề xuất nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác như xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm; xây dựng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị làm căn cứ xây dựng bảng lương mới; nghiên cứu xây dựng quy định tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý phải có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính; Thống nhất khái niệm "cán bộ", "biên chế" trong các quy định của Đảng và quy định của pháp luật...
Đặc biệt, liên quan đến vấn đề thu hút nhân tài, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, thể chế hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về công tác cán bộ còn một số vấn đề như thu hút nhân tài đã có quy định nhưng trọng dụng, sử dụng ra sao cần phải nghiên cứu sâu hơn, sát thực tiễn hơn. Cán bộ, công chức cấp xã là cấp làm nhiều việc liên quan trực tiếp với người dân nhưng tiêu chuẩn đầu vào thấp nên tính chuyên môn hóa không cao.
Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng cũng cho rằng, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài đã có quy định nhưng chưa cụ thể trong các luật và các văn bản quy phạm pháp luật, do đó, ngoài các luật về tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức thì từng luật chuyên ngành cần được cụ thể hóa.
Trong khi đó, Hàm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng Trần Đình Hường nhận định, vấn đề thu hút nhân tài, các văn bản chủ yếu đề cập đến việc thu hút đối tượng nhân tài trẻ chứ chưa đặt vấn đề đến các đối tượng khác, nên cần có quy định rộng hơn để thu hút nhiều đối tượng có trình độ cao hơn.
Một vấn đề khác cũng được lãnh đạo các Bộ, ngành đề cập đến là việc xử lý kỷ luật cán bộ công chức về hưu. Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng, hiện quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức về hưu vẫn còn trống nên cần thiết phải quy định trong luật để đảm bảo mọi đối tượng "hạ cánh không an toàn", thậm chí xóa bỏ mọi chế độ của công chức, viên chức được hưởng khi nghỉ hưu nếu vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, liên quan đến vấn đề cán bộ, công chức, cần phải nghiên cứu, xác định rõ những người là cán bộ, là công chức; nghiên cứu vấn đề liên thông công chức, liên thông giữa cấp xã với cấp huyện, liên thông giữa khối Đảng với chính quyền. Xử lý dứt điểm các vấn đề về công tác cán bộ tại Thông báo Kết luận số 43-TB/TW ngày 28/12/2017 của Bộ Chính trị.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cũng cho biết, về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, qua rà soát cho thấy, các văn bản quy định về vấn đề phân cấp còn rất hạn chế, phân cấp vấn đề gì, phân cấp đến đâu cần được quy định rõ trong các Luật sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thực hiện thống nhất, thuận lợi.
Ghi nhận ý kiến của lãnh đạo các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình giao cho Bộ Nội vụ nghiên cứu, luật hóa về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức về hưu nhằm đảm bảo tương ứng với quy định của Đảng.
Vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài, Phó Thủ tướng cho rằng, phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, đáp ứng yêu cầu về điều kiện tiêu chuẩn nhưng phải có sản phẩm cụ thể, bố trí đúng sở trường, năng lực, đúng vị trí công tác để tránh thui chột tài năng.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu việc bổ nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp, đề nghị không nên quy định trong luật mà chỉ quy định tại Quy chế làm việc của Chính phủ. Nghiên cứu chế độ chuyên gia, các chức danh thư ký, trợ lý.
Cùng với đó, nghiên cứu sửa đổi chế độ hợp đồng đã quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP theo hướng sử dụng các dịch vụ sự nghiệp công để phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước, đảm bảo không ký hợp đồng tràn lan rồi lại hủy bỏ như một số địa phương đã thực hiện gần đây, cần có lộ trình cắt giảm thận trọng, có chế độ, chính sách phù hợp để xử lý.