THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:02

Sẽ có quy định bắt buộc doanh nghiệp để công nhân có nhu cầu được đi học

Anh Đinh Đăng Đoàn – Quản lý thiết bị, 10 năm làm việc tại Cty CP Quốc tế Phong Phú (TP.HCM) kiến nghị: Hiện tại, tiền lương thuê chuyên gia nước ngoài sang làm việc rất cao, trong khi khả năng của công nhân, lao động kỹ thuật cao người Việt cũng đáp ứng được, nhưng tiền lương chưa tương xứng. Một trong những lý do là họ chưa được đào tạo phù hợp. Vì vậy, anh đề nghị các trường cần đào tạo ngành sát với thực tế, các ngành mới phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp.

Anh Đinh Đăng Đoàn phát biểu ý kiến

Cùng chung vấn đề, anh Nguyễn Xuân Quang, Xí nghiệp Vật lý giếng khoan-VSP (ngành Dầu khí) cho biết: Hiện nay có tình trạng sinh viên các trường đại học, cao đẳng mới ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp do việc đào tạo trong trường nặng về lý thuyết, thiếu thực hành. Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo đổi mới nội dung và phương thức đào tạo công nhân lao động kỹ thuật cao nói riêng và đào tạo nghề nói chung nhằm đảm bảo đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động cạnh tranh hiện nay. 

Bên cạnh đó, anh cũng kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách để doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động học tập bài bản, đóng góp hiệu quả cho doanh nghiệp. Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí chất lượng và hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về năng lực nghề nghiệp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nhân, lao động kỹ thuật cao, tạo điều kiện để những người có chuyên môn giỏi sau 30 tuổi có thể phát triển thành những nhà khoa học, công trình sư để phục vụ cho doanh nghiệp, đất nước.

Anh Nguyễn Xuân Quang nêu kiến nghị

Trước những ý kiến nêu trên, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, đào tạo có vai trò quyết định để xây dựng lực lượng lao động có trình độ cao. Ông đề nghị các Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Giáo dục-Đào tạo và Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM trả lời.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định việc thay đổi tình trạng “nặng lý thuyết, nhẹ thực hành” là vấn đề lớn mà Bộ và các Bộ ngành liên quan đã tập trung để có nhiều thay đổi, để làm sao việc đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn, các ngành nghề phù hợp với nhu cầu xã hội, sự phát triển của khoa học công nghệ. Khắc phục tình trạng các trường “có gì đào tạo đó” hoặc “tiện đâu đào tạo đó” mà không gắn với thực tế.

Quan điểm và hành động của Bộ là khuyến khích các trường tham gia vào quá trình đào tạo lao động ngay từ khi người học còn ngồi trên ghế nhà trường, đặt máy móc, thiết bị ngay tại trường, tạo điều kiện cho sinh viên thực hành.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết thêm, để xây dựng lực lượng lao động cạnh tranh với lao động quốc tế, hiện nay, Bộ đã nhập 34 bộ giáo trình quốc tế, tất cả giáo trình, đào tạo các môn học phù hợp với yêu cầu quốc tế, học viên học sẽ được công nhận để làm việc trong nước và quốc tế. Hiện nay, đã có trên 3.000 sinh viên và người lao động học. Trên cơ sở đó, Bộ tiếp tục phối hợp với 9 quốc gia để liên thông công nhận bằng cấp của nhau.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đối thoại với công nhân, lao động kỹ thuật cao

Để khuyến khích người lao động đi học, có nhiều chương trình hỗ trợ học phí hoặc Chính phủ cấp kinh phí cho người lao động đi học, nhiều chương trình đào tạo như đào tạo từ xa, đào tạo theo tín chỉ… để người lao động lựa chọn. Sắp tới đây, Bộ luật Lao động sẽ có quy định bắt buộc doanh nghiệp để công nhân có nhu cầu đi học được tham gia đi học.

Trong phần trình bày của mình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận hiện có nhiều trường chỉ dạy cái gì đang có chứ chưa chú trọng đến yếu tố kỹ thuật, yêu cầu của doanh nghiệp, trong đó có nguyên nhân từ khả năng dự báo còn xa với thực tế. 

Hiện Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo, cho phép tạo môi trường sinh thái gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Cụ thể, cho doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào việc đào tạo, các kỹ sư có kinh nghiệm có thể tham gia đào tạo. Bộ GD-ĐT cũng cho phép các trường chủ động đào tạo các mã ngành mà các nước tiên tiến đã có để cập nhật trình độ quốc tế. Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp chủ động tạo điều kiện cho công nhân, lao động về chi phí, thời gian để nâng cao trình độ, tay nghề của mình. 

Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tại cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động kỹ thuật cao

Còn Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Huỳnh Thành Đạt thì nhìn nhận: “Việc liên kết giữa nhà trường – doanh nghiệp còn lỏng lẻo, doanh nghiệp cần thì tìm đến nhà trường, nhà trường có kết quả nghiên cứu thì đi tìm doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ cần có chính sách liên kết giữa Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp để hiệu quả đào tạo gắn với thực tiễn nhiều hơn. Vì sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ tạo ra sự gắn kết giữa doanh nghiệp – nhà trường ngày càng chặt chẽ, hiệu quả”.

Ông cũng cho biết, Đại học Quốc gia TPHCM đang triển khai một số dự án theo hướng tăng cường gắn kết đào tạo và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT tăng cường cho các trường đại học tự chủ để có thể nhanh chóng mở được các ngành mới phù hợp với xu thế hội nhập và Cách mạng công nghiệp 4.0.

VIỆT HÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh