THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:08

Sẽ có nhiều câu chuyện thành công như socola Marou “ngon nhất thế giới” khi có sự kết hợp khéo léo Việt - Pháp

Chiều 8/7, Hội thảo trực tuyến đầu tiên do Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với một nước châu Âu tổ chức tuyên truyền về Hiệp định EVFTA cho các doanh nghiệp châu Âu, kêu gọi hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương.

Hội thảo có sự tham gia trực tuyến của hơn 400 doanh nghiệp chủ chốt của Pháp và hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam tại 2 điểm cầu Việt Nam và nước Pháp.

EVFTA: Bước sang trang mới, đầy hứa hẹn và mở rộng

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra nghiêm trọng trên toàn cầu, việc tổ chức Hội thảo qua hình thức trực tuyến được doanh nghiệp 2 bên đánh giá là phương thức trao đổi hiệu quả nhất giúp các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nắm bắt những thông tin hữu ích, trước khi Hiệp định EVFTA chính thức đi vào hiệu lực kể từ 1/8/2020.

Hội thảo tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Pháp tiếp cận với những chính sách thương mại và đầu tư của Việt Nam có hiệu lực sau khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, những thông tin mới về thị trường đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân và là cửa ngõ của khu vực ASEAN với hơn 600 triệu dân.

Sẽ có nhiều câu chuyện thành công như socola Marou “ngon nhất thế giới” khi có sự kết hợp khéo léo Việt - Pháp - Ảnh 1.

Hội thảo có sự tham gia trực tuyến của hơn 400 doanh nghiệp chủ chốt của Pháp và hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thông tin, EVFTA có hiệu lực trong bối Việt Nam bước đầu kiểm soát tốt dịch Covid-19, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch, và là một trong số ít nước được World Bank dự báo tăng trưởng dương mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Với việc EVFTA sắp đi vào hiệu lực, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Pháp, theo người đứng đầu ngành Công Thương, sẽ bước sang trang mới, đầy hứa hẹn và mở rộng.

Ông Trần Tuấn Anh mong muốn tiếp tục phát triển hợp tác với các đối tác Pháp trong những ngành vốn là thế mạnh truyền thống của Pháp như năng lượng (đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo), công nghệ cao, nông nghiệp, chế biến, chế tạo…

Đồng thời, cho biết Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh, cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp để khuyến khích các doanh nghiệp Pháp đến Việt Nam hợp tác, đầu tư trong tận dụng lợi thế do EVFTA mang lại.

Thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là ngành công nghiệp phụ trợ (cho dệt may, da giày, ô tô...), công nghiệp chế biến thực phẩm...

Khai thông con đường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư

Để tận dụng hết lợi thế, vượt qua những khó khăn hiện tại, Bộ Công Thương mong muốn: Tiếp tục phát triển hợp tác với các đối tác Pháp trong những ngành truyền thống vốn là thế mạnh của Pháp như năng lượng (đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo), công nghệ cao, nông nghiệp...

Đồng thời khuyến khích hợp tác đầu tư trong những ngành mà cả hai bên đều có thể tận dụng lợi thế nhờ EVFTA mạng lại để thúc đẩy xuất khẩu như những ngành công nghiệp phụ trợ (đặc biệt là công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, da giầy, ô tô...), công nghiệp chế biến thực phẩm.....

"Tôi mong muốn rằng sẽ có nhiều câu chuyện thành công như sô cô la Marou – Sô cô la "ngon nhất thế giới" khi kết hợp giữa nét độc đáo của nguyên liệu, sự khéo léo của nhân lực Việt Nam với ý tưởng kinh doanh, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và phát triển thị trường của người Pháp", lãnh đạo Công Thương ví von.

Theo đó, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh thêm: "Có thể nói rằng, Việt Nam và Liên minh châu Âu, đặc biệt là Pháp, đã khai thông con đường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, và bây giờ là thời điểm các doanh nghiệp hai bên cần nhanh chóng tìm ra thế mạnh của mình để có thể tận dụng, hợp tác, phát triển, đem lại lợi ích cho riêng minh cũng như cho hai quốc gia".

Về phía các doanh nghiệp Pháp đều bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh và các dự án của doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam.

Xu hướng chung hiện nay của các doanh nghiệp Pháp và châu Âu là liên kết, xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các doanh nghiệp sở tại để xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng mới, tận dụng hiệu quả lợi thế của các hiệp định EVFTA và EVIPA.

Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác châu Âu để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với hàng hóa, Việt Nam cũng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư EU nói chung, và Pháp nói riêng, khi Việt Nam có 14 FTA có hiệu lực với hầu hết các đối tác thương mại lớn trên thế giới và EVIPA đang chờ có hiệu lực. 

"Đây cũng là lý do cộng đồng doanh nghiệp đôi bên đều hết sức mong mỏi Hiệp định đi vào thực thi từ nhiều năm nay", tư lệnh ngành Công Thương nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chúc mừng Chính phủ mới của Pháp và hy vọng dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Jean Castex, các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Pháp sẽ tiếp tục phát triển mạnh và thực chất hơn, hỗ trợ cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp hai bên phát triển ngày càng bền vững.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh