THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:08

Sẽ có 2 đợt lấy nước cho gieo cấy vụ Đông Xuân 2022 - 2023

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ NN&PTNT vừa có văn bản số 6907/BNN-TCTL gửi UBND các tỉnh, thành phố khu vực trung du và đồng bằng Bắc bộ về việc tăng cường thực hiện giải pháp thích ứng với tình trạng thiếu hụt nguồn nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023, trong đó có việc điều chỉnh chỉ có 2 đợt lấy nước thay vì 3 đợt như mọi năm.

Theo Bộ NN&PTNT, do ảnh hưởng của tình trạng biến động lòng dẫn, mực nước sông Hồng trong các đợt điều tiết nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân khu vực trung du và đồng bằng Bắc bộ hằng năm liên tục hạ thấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả lấy nước của các công trình thủy lợi và tổng lượng nước điều tiết từ các hồ chứa thủy điện liên tục có xu thế tăng.

Để thích ứng, nhiều giải pháp hiệu quả đã được thực hiện, trong đó có các trạm bơm có khả năng vận hành không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện được các địa phương đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp.

Tuy nhiên, thực tế tiến độ lấy nước giữa các địa phương chưa đồng đều, dẫn đến phải kéo dài thời gian lấy nước, đặc biệt nhiều năm qua phải điều tiết nước đợt 3 chỉ dành cho một số diện tích không lớn ở các huyện: Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất,... thuộc thành phố Hà Nội.

Để bảo đảm chủ động đủ nguồn nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo xây dựng kế hoạch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa với nhu cầu sử dụng nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện chỉ trong 2 đợt, thời gian hoàn thành lấy nước muộn nhất ngày 10/2/2023.

Các địa phương tổ chức rà soát các cửa lấy nước từ hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình để xác định cụ thể khả năng lấy nước. Trường hợp không bảo đảm cần có phương án điều tiết nguồn nước thay thế hoặc lắp đặt các trạm bơm dã chiến để chủ động lấy nước. Đồng thời, tăng cường tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, cửa lấy nước các trạm bơm, cống; thực hiện tốt thủy lợi nội đồng để đảm bảo khả năng dẫn, tích trữ nước.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo tổ chức lắp đặt khẩn cấp các trạm bơm dã chiến Trung Hà, Phù Sa, Liên Mạc... hoặc có phương án nguồn nước thay thế để bảo đảm chủ động cấp nước không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện, không phát sinh nhu cầu điều tiết nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện sau ngày 10/2/2023.

Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các công trình lấy nước đang đầu tư để kịp đưa vào vận hành lấy nước phục vụ canh tác vụ Đông Xuân 2022 - 2023.

Các khu vực có khả năng gặp khó khăn cấp nước tưới cần xem xét chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây trồng có nhu cầu nước ít hơn hoặc có phương án nguồn nước thay thế, không phụ thuộc vào nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện.

Tăng cường tuyên truyền để người dân biết được tình hình nguồn nước khó khăn; chủ động phối hợp với các đơn vị vận hành công trình thủy lợi tập trung lấy nước trong các đợt lấy nước; hướng dẫn, vận động người dân hạn chế phương thức gieo sạ lúa để giảm nhu cầu nước.

Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng có văn bản số 5093/EVN-KTSX ngày 12/9/2022 về việc xả - lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023 khu vực trung du và đồng bằng Bắc bộ.

Theo EVN, các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng đang ở mức trữ thấp và Nhà máy Thủy điện Hòa Bình dự kiến thực hiện thay thế thiết bị định kỳ bắt buộc nên trong các đợt xả nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023 sẽ chỉ vận hành được tối đa 7/8 tổ máy, dẫn đến nguồn nước bổ sung cho hạ du bị thiếu hụt so với các năm trước.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh