Sau Tết, “rối như canh hẹ" vì người giúp việc
- Y học 360
- 22:04 - 27/02/2016
“Chảnh " như người giúp việc sau Tết"Năm nay, nghỉ Tết 9 ngày, nên mùng 8 Tết các cơ quan nhà nước mới đi làm trở lại, người giúp việc cũng được về nghỉ Tết dài hơn mọi năm. Trước khi về, bà giúp việc hẹn như đinh đóng cột là sẽ lên trước ngày mùng 8 Tết để trông nhà, trông cháu cho vợ chồng tôi đi làm. Đến hẹn vẫn chưa thấy tăm hơi bà giúp việc đâu. Giờ nhà cửa, con cái không có người chăm nom, hai vợ chồng tôi lại bận rộn, họp hành đầu năm suốt. Vài ngày tới, lại đi công tác xa, nghĩ đến con, đến nhà cửa mà cứ như người ngồi trên đống lửa vậy...", chị Lan Hương than thở trên mạng xã hội FB.
Tương tự, chị Hoàng Hà ở phố Khâm Thiên (Hà Nội) cũng quay như chong chóng vì phải vừa lo việc cơ quan vừa đảm đương việc nhà do người giúp việc biệt tăm sau Tết. "Cả ngày trên cơ quan, chiều về lại cơm nước, con cái, lau dọn nhà cửa... đầu năm mà không có một chút thời gian rảnh để đi lễ cầu may cho gia đình. Chồng nhà tôi cũng phải xin từ chối khéo mọi cuộc vui đầu xuân với bạn bè để tranh thủ về nhà giúp vợ cơm nước, đón con", chị Hà tâm sự.
Đã ngoài rằm tháng Giêng mà người giúp việc của gia đình anh Thành ở Giảng Võ (Hà Nội) vẫn chưa lên. “Mình đã thưởng Tết cho bà ấy rất hậu hĩnh, bà ấy hứa mùng 6 sẽ lên, mà giờ này vẫn chưa thấy đâu. Gọi điện thì bà ấy bảo, đã cúng rằm xong nhưng mấy hôm nữa nhà còn cái giỗ nên chưa lên ngay được, nếu cô chú đợi được thì đợi, không thì tìm người khác. Cả nhà cứ loạn cào cào cả lên, đành bảo vợ đi tìm người khác. Cứ sau Tết là đến khổ vì người giúp việc..."
Giúp việc gia đình. (Ảnh minh họa).
Chị Hoa, vợ anh Thành cho biết, mấy hôm nay chị đã chạy vài trung tâm giới thiệu việc làm mà vẫn chưa tìm được người giúp việc ưng ý. “Trước rằm, gọi điện, đăng ký mấy nơi mà chả thấy nơi nào gọi lại thông báo có người. Vừa rồi, họ bảo có người, chị đến lấy ngay đi kẻo hết, mình đến nơi thì đã có người lấy mất rồi, cả trung tâm có 2 người giúp việc mà đến 6-7 chủ nhà đến phỏng vấn, giờ đi tìm người giúp việc quá như đi thi đại học, một chọi mấy, lấy được người chẳng dễ dàng gì. Mà những người giúp việc ở quê lên, hầu hết đều ú ớ, chả có kỹ năng gì, thế mà vẫn không có người", chị Hoa chán nản cho biết.
Nhà có điều kiện kinh tế nên gia đình chị Hương, nhân viên ngân hàng Công thương từ mùng 5 Tết đã đánh xe ô tô về tận quê bác giúp việc ở Hưng Yên, lấy tiếng là về chúc Tết nhưng thực tế là để đón bác ra trông hai đứa con để bố mẹ đi làm. Tuy đón được người ra sớm nhưng chị Hương cho biết, chị cũng đang đau đầu vì cứ sau Tết là người giúp việc trở nên rất “chảnh", ra rất nhiều “yêu sách" và không quên “điệp khúc“ đòi tăng lương sau Tết dù công việc vẫn như vậy.
Một nhân viên của trung tâm dịch vụ việc làm nằm trong ngõ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, thời điểm giáp và sau Tết khoảng một tháng luôn là thời điểm sốt người giúp việc. Hàng ngày, trung tâm nhận được hàng trăm cuộc điện thoại yêu cầu cung ứng dịch vụ giúp việc dưới nhiều hình thức làm việc khác nhau. Nhưng do không có người nên nhiều khi trung tâm đều phải đề nghị khách cho số điện thoại và hẹn lại khách hàng khi có người, sẽ liên lạc lại sớm nhất.
Khan hiếm người giúp việc sau Tết khiến dịch vụ thuê người giúp việc theo giờ, người giúp việc thời vụ nở rộ. Với nhiều gia đình, đó là phương án chữa cháy tối ưu nhất. Trong đó, đối tượng sinh viên được nhiều gia đình lưu ý và lựa chọn thuê làm giúp việc theo giờ hoặc hợp đồng ngắn hạn. Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều sinh viên khá háo hức với việc làm thêm giúp việc theo giờ. Công việc không quá vất vả mà lại được “tiền tươi thóc thật" nên khá nhiều sinh viên nhận lời làm giúp việc theo giờ để có thêm thu nhập, trang trải cho việc học hành và cuộc sống.
Hoài Anh, sinh viên một trường sư phạm đang thuê nhà ở Cầu Giấy vừa mới từ quê ra sau kỳ nghỉ Tết, được bà chủ nhà giới thiệu tạo công ăn việc làm với mức lương khá hấp dẫn. Cô được bà chủ nhà giới thiệu làm giúp việc theo giờ cho một gia đình gần chỗ thuê trọ, mỗi tuần đến lau dọn nhà cửa 2 lần, mỗi lần được 100.000 đồng, sau đó, 5 giờ chiều hằng ngày lại chạy qua phụ giúp một chị ở gần khu trọ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, được ăn tối cùng gia đình và mỗi tối như vậy cũng được trả tiền công 60.000 đồng...". Tính sơ sơ, Hoài Anh cũng kiếm thêm được khoảng 2,5 triệu đồng mỗi tháng.
Trong khi các bạn nữ sinh viên thường được mời làm giúp việc gia đình, trông trẻ, nấu ăn thì Hoàng Văn Đạo, sinh viên Học viện ngân hàng nhận lời đưa đón trẻ đi học cho một gia đình ở phố Nguyễn Lương Bằng. "Công việc của mình chỉ là sáng 8 giờ đến đưa hai đứa trẻ đến trường, 17 giờ đến đón các cháu về, mỗi lần đưa đi, đón về được trả công 30.000 đồng. Công việc đơn giản, nhẹ nhàng, chỉ cần có cái xe máy và đi lại cẩn thận, mỗi ngày mình cũng kiếm được 60.000 đồng" - Đạo cho biết.
Trong khi nhu cầu giúp việc gia đình đang rất cao, thị trường chưa thể đáp ứng được thì việc sinh viên chọn công việc lao động thời vụ đang ngày một phổ biến hơn. Hoài Anh cho biết, hiện nhiều gia đình chưa tìm được ôsin sau Tết nên nhu cầu thuê người giúp việc theo giờ rất lớn, ở lớp cô cũng có nhiều bạn đi làm. Chủ nhà cũng thích thuê sinh viên làm việc vì nhiều bạn chăm chỉ, biết việc và giá cả phải chăng. Chỉ cần sinh viên để lại chứng minh thư, thẻ sinh viên và ký vào hợp đồng thuê giúp việc theo giờ là sẽ có việc làm và thu nhập.