THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:35

Cần quy định cụ thể về dấu hiệu định lượng trong BLHS

 

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp 

186/246 điều chưa được định lượng cụ thể

Theo Phó Viện trưởng VKSND TC Trần Công Phàn thì cái khó nhất, vướng nhất của BLHS  là phân định ranh giới giữa hình sự và hành chính, định lượng và định tính. Có 246 điều quy định về định lượng, định tính: lớn, rất lớn, đặc biệt lớn; nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì mới có 60 điều được cụ thể hoá, còn 186 điều chưa cụ thể được. Mà chỉ là quy định về vấn đề phối hợp giải quyết, còn quy định thế nào là xử lý hình sự, định lượng, định tính thì vẫn chưa rõ ràng.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý, cho rằng nếu vấn đề định lượng không được giải quyết trong BLHS (sửa đổi) lần này việc sửa đổi không phù hợp với Hiến Pháp 2013.  Theo ông Phan Trung Lý, đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến sống chết của con người do đó phải quy định rõ ràng, cụ thể những dấu hiệu về định lượng trong BLHS (sửa đổi) lần này. “Thực tế chũng ta đang giao cho các cơ quan tố tụng thỏa thuận với nhau về dấu hiệu định lượng, định tính. Các cơ quan tố tụng hiện cũng rất phản đối vấn đề này bởi các Thông tư, hướng dẫn của các cơ quan rất mâu thuẫn”, ông Lý nêu thực trạng.

“Tại sao hiện nay, các cơ quan tố tụng vẫn hướng dẫn về vấn đề này, vẫn xét xử mà lại không tổng kết, đưa vào luật, vẫn để ở các Thông tư liên tịch, văn bản hướng dẫn… Đề nghị trước khi trình Quốc hội thông qua, phải làm rõ vấn đề này trong BLHS”.

Phó Chánh án TAND TC Nguyễn Sơn cũng cho rằng, vấn đề định lượng rất quan trọng, là dấu hiệu định khung hình phạt, để cơ sở cho toà án xử lý. Nếu vấn đề này không được quy định làm rõ trong BLHS thì  gánh nặng lại lên TAND TC.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, chốt: “Vấn đề định lượng này không thể đưa vào Thông tư liên tịch, hướng dẫn của toà án tối cao, Nghị quyết của QH…. mà phải đưa vào luật”.

Toàn cảnh phiên họp

Làm rõ hơn trách nhiệm hình sự của pháp nhân 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, quy định về trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân trong dự thảo BLHS (sửa đổi) lần này hiện có hai loại ý kiến: Tán thành và không tán thành.

Thường trực UBTP cho rằng, việc bổ sung quy định TNHS của pháp nhân vào BLHS thời điểm này là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật của pháp nhân và việc chứng minh lỗi, hậu quả thiệt hại do hành vi nguy hiểm của pháp nhân gây ra, bảo đảm công bằng, minh bạch trong việc áp dụng các chế tài.

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, việc bổ sung quy định này phải xác định rõ những vấn đề như: mối quan hệ giữa TNHS của cá nhân với TNHS của pháp nhân; phạm vi chịu TNHS của pháp nhân; việc loại trừ TNHS của một số loại hình pháp nhân... Về phạm vi, chỉ nên giới hạn TNHS đối với một số tội phạm mang tính phổ biến mà pháp nhân vi phạm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng quy định trên là chưa thuyết phục và đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của pháp nhân, phạm vi chịu trách nhiệm của pháp nhân như thế nào. “Nói như thế không có nghĩa là pháp nhân chịu trách nhiệm thì cá nhân không phải chịu trách nhiệm. Mà cần phân định rõ trách nhiệm, trách nhiệm của cá nhân sẽ chui vào vỏ bọc của tập thể”.

Cũng theo ông Lý, việc quy định pháp nhân chỉ chịu một số tội phạm, rất nhẹ nhàng, như vậy nguyên tắc bình đẳng trong pháp luật đã không có. “Phải rà soát lại các tội của pháp nhân, phạm vi trách nhiệm giữa cá nhân, pháp nhân trong một tổ chức thế nào , chế tài ra sao. Quy định như hiện nay là chưa thuyết phục, mà chưa thuyết phục thì chưa nên đưa vào Luật”, ông Lý đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nói: “Phải làm rõ hơn về trách nhiệm của pháp nhân. Tập thể 100 người không lẽ bỏ tù cả 100 người?”.

Hà Huy Linh/ Lao động & Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh