Sắp xếp lại giang sơn, đừng vội mơ!
- Huyệt vị
- 17:06 - 12/04/2016
Họ bất an là bởi cũng tại Gia Lai cái công trình thủy điện An Khê Kanak bức tử một con sông, làm cho hàng triệu người sống bên đôi bờ sông kia điêu đứng. Trên nghị trường Quốc hội, có đại biểu không ngần ngại cho rằng: Đó là công trình sai lầm thế kỷ!.
Không chỉ có công trình thủy điện An Khê Kanak, mà ở nước ta hiện nay, còn đó một số công trình thủy điện bên cạnh cái lợi trước mắt, làm ra điện, thu được tiền, thì nó là nguyên nhân trực tiếp gây ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân khu vực, đặc biệt là đối với môi trường.
Theo tính toán sơ bộ của các nhà đầu tư, công trình nhà máy thủy điện Suối Say 1 và Suối Say 2, được xây trong Khu bảo tồn Kon Chư Răng, (thuộc địa bàn huyện Khang, Gia Lai), có số vốn đầu tư 1200 tỷ đồng, khi hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ cho 40 MW điện, doanh thu mỗi năm 160 tỷ đồng, nộp thuế khoảng 25 tỷ đồng, tạo việc làm cho 60 lao động. Cái giá phải trả trước mắt là mất khoảng 25 ha rừng.
Đó là dự toán, bài toán có phần đúng, nhưng cũng có phần chỉ là trò “đếm cua trong lỗ”. Bởi ai dám cam đoan chỉ mất 25 ha rừng?. Lẽ nào khi làm đường từ quốc lộ vào nhà máy, khi đắp đập nước dâng lên cây cối và thổ nhưỡng khu vực thượng lưu và đặc biệt khu vực hạ lưu không bị ảnh hưởng?.
Vị trí được đề xuất cho làm lòng hồ thủy điện trong khu bảo tồn Kon Chư Răng - Ảnh: B.D.
Không chỉ bài học cay đắng, xót xa từ công trình thủy điện An Khê Kanak, mà ngay cạnh Gia Lai, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi vừa tạm đình chỉ công trình thủy điện có vốn đầu tư hơn 2300 tỷ đồng, nguyên nhân, do chủ đầu tư khi khi công đã vi phạm nghiêm trọng đến rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ. Câu chuyện ngụ ngôn về con cáo xin để nhờ một chân, chắc nhiều người còn nhớ. Đừng để chuyện đã rồi, chữ đen, giấy trắng, triện đỏ đóng rồi, đành đâm lao phải theo lao!.
Hiện cái câu: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, đã vận vào nhiều quốc gia. Từ Á sang Âu, từ Phi sang Mỹ đã và đang gánh hậu quả của việc “thay trời hành đạo”, “sắp xếp lại giang sơn” một cách tùy tiện, ăn xổi, phản khoa học. Chẳng xa xôi, nó đang hiện hữu trước mắt hàng chục triệu dân sống ở hạ lưu, khi thượng nguồn sông Mê Kông người ta đắp đập, be bờ.
Hạn, mặn đang diễn ra ở nước ta gây thiệt hại bao nhiêu?. Hàng chục tỷ, hay hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng?. Trong khi các nhà thống kê đang loay hoay với những con số, thì nhiều nơi nhân dân đang quay quắt trong đói khát. Có nơi một người chỉ được cấp 3 lít nước sạch mỗi ngày. Ai to gan dám bảo, thủ phạm của hậu quả trên không phải các công trình thủy điện ?(!).
Bên cạnh nhiều công trình thủy điện đem lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế quốc dân, còn đó một số công trình thủy điện “lợi bất cập hại”, ảnh hưởng xấu đến môi sinh. Ý kiến nhỏ này mong rằng, Chính phủ cũng như chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng nên xem xét, đánh giá cái được. cái chưa được, cái cần phải chấn chỉnh trong việc xây dựng nhà máy thủy điện. Không nên “sắp xếp lại giang sơn”, không nên khai thác tài nguyên thiên nhiên tùy tiện và phản khoa học.