CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:01

Sắp diễn ra Hội nghị Quan chức Cao cấp APEC 2017 lần thứ 2 tại Hà Nội

 

Thông tin từ buổi thông báo cho biết, Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp APEC (SOM 2) và các cuộc họp liên quan sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 9/5 đến 21/5. Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ tham dự Hội nghị SOM 2. Đây là Hội nghị nhằm tiếp tục thúc đẩy triển khai các nội dung hợp tác then chốt của APEC và các ưu tiên được thông qua tại Hội nghị SOM 1, đồng thời, thống nhất hướng tới xây dựng các văn kiện trình Lãnh đạo Cấp cao (tháng 11/2017) và các Hội nghị Bộ trưởng năm 2017 thông qua.

 

Bà Lê Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH cho phóng viên biết: “Hội nghị SOM 2 lần này đối thoại cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số sẽ diễn ra đồng thời với hội nghị các bộ trưởng phụ trách thương mại của APEC”

 

Hội nghị SOM 1 APEC 2017 diễn ra tại TP Nha Trang từ ngày 18/2 – 3/3/2017 kết thúc với nhiều kết quả quan trọng. Đây là đợt hội nghị lần thứ hai của Năm APEC 2017, SOM 2 bao gồm 49 cuộc họp, hội thảo, đối thoại… của ủy ban, nhóm công tác APEC trên nhiều lĩnh vực khác nhau: tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, kinh tế mạng, phụ nữ và kinh tế, an toàn thực phẩm, khóa học, công nghệ và sáng tạo, khai khoáng, công nghiệp ô tô, đô thị hóa… Các đại biểu APEC sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai các chương trình, kế hoạch hợp tác dài hạn trên các lĩnh vực then chốt, đồng thời thống nhất hướng các văn kiện trình các Bộ trưởng thông qua, tạo cơ sở để chuẩn bị nội dung, văn kiện của Hội nghị Cấp cao và Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế vào tháng 11/2017 tại TP Đà Nẵng.

Hội nghị SOM 2 (diễn ra ngày 17 - 18/5) sẽ thảo luận nội dung các văn kiện quan trọng của APEC trong năm 2017; triển khai các ưu tiên từ kết quả Hội nghị SOM 1 và đề xuất định hướng tiếp theo tới Hội nghị SOM 3; kết quả Đối thoại Cấp cao về Phát triển nguồn nhân lực và các vấn đề khác của APEC. Ngoài Hội nghị SOM 2, còn có 3 hội nghị quan trọng nữa là: Đối thoại chính sách cao cấp về đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Thương mại lần thứ 23; Đối thoại nhiều bên về hợp tác APEC hướng tới 2020 và tương lai. Riêng đối thoại nhiều bên về hợp tác APEC hướng tới 2020 và tương lai (diễn ra vào ngày 16/5) là lần đầu tiên được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam nhằm tập trung xác định các biện pháp đẩy mạnh hoàn tất Mục tiêu Bô –go đúng thời hạn 2020 và các bước tiếp theo để xây dựng tầm nhìn APEC sau 2020.

 

 Hội nghị Quan chức Cao cấp lần 2 (SOM2) APEC 2017 sẽ diễn ra vào ngày 17 -18/5

 

Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao sẽ chủ trì Hội nghị SOM 2. 5 bộ, cơ quan VIệt Nam cũng sẽ trực tiếp chủ trì hoặc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Ủy ban/nhóm công tác của APEC. Trong đó có Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Cũng trong dịp này, tại Ninh Bình diễn ra Hội nghị các quan chức cao cấp tài chính (SFOM) và các cuộc họp liên quan từ ngày 18-19/5 do Bộ Tài chính chủ trì. Đến ngày 5/5/2017, có 1.699 đại biểu quốc tế và trong nước đã đăng ký tham dự, đại diện 21 nền kinh tế thành viên, Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Ban Thư ký ASEAN, Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) và một số tổ chức quốc tế và khu vực khác, cùng đại diện giới doanh nghiệp, học giả trong khu vực. Cùng với đó, có 250 phóng viên trong nước và 200 phóng viên quốc tế đăng ký tham gia đưa tin các sự kiện liên quan đến SOM 2. 

 

Qua 28 năm hình thành và phát triển kể từ 1989, APEC tiếp tục khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế hàng đầu ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tập trung vào 3 trụ cột hợp tác chính: tự do hóa thương mại và đầu tư; thuận lợi hóa kinh doanh và hợp tác kinh tế - kỹ thuật. - APEC hoạt động theo nguyên tắc cùng lợi, đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc. - Kể từ khi thành lập, APEC trải qua 4 đợt mở rộng và hiện có 21 nền kinh tế thành viên, hội tụ các nền kinh tế lớn nhất thế giới, đại diện khoảng 39% dân số thế giới, đóng góp 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu (tính đến tháng 11/2016). - Thành viên của APEC được gọi là “nền kinh tế thành viên” thay vì “nước thành viên” - Lãnh đạo cấp cao của các nền kinh tế thành viên được gọi chung là các “nhà lãnh đạo kinh tế” - APEC không sử dụng quốc kỳ, quốc ca, quốc huy của các thành viên tại các hoạt động và trong các ấn phẩm - Mục tiêu xuyên suốt đến nay của APEC là hoàn thành các Mục tiêu Bô – go về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020.

THANH NHUNG-MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh