CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:13

Năm 2016: Sản xuất công nghiệp thấp hơn nhiều mức tăng 9,8% của năm 2015

Năm 2016, đóng góp chủ yếu cho sự tăng trưởng của ngành công nghiệp là nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo với các ngành tăng trưởng cao như sản xuất kim loại (17,9%); dệt (17,3%); ô tô - xe máy (16,4%); điện tử, máy vi tính (12,8%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại (12,6%). 

Do đó, một số sản phẩm công nghiệp tăng cao gồm có Ti vi (70%); thép cán (26,8%); ô tô (21,9%); sắt, thép thô (20,5%); thức ăn gia súc (18,3%); xi măng (14,4%); và sữa bột (13,3%).

Tuy nhiên, một số ngành khác vẫn ngành có mức tăng thấp hoặc giảm đã kéo lại mức tăng chung của toàn ngành như sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (3,2%); khai khoáng (2,2%); sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (1,2%); khai thác than cứng và than non (- 2,9%); khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (- 8,0%)...

Tương ứng, một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Thuốc lá điếu (3,5%); giày, dép da (2,8%); khí đốt thiên nhiên dạng khí (- 0,5%); vải dệt từ sợi tự nhiên (- 2,6%); than đá (- 3,1%); phân ure (- 5,8%); đường kính (- 8,3%); dầu thô khai thác (- 9,9%); phân hỗn hợp NPK (- 10,6%); điện thoại di động (- 10,8%).

Theo đó, Bộ Công thương chỉ ra 5 hạn chế và nguyên nhân, thứ nhất sản xuất công nghiệp mặc dù có mức tăng trưởng khá nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức tăng 9,8% của năm 2015 và 7,6% của năm 2014 do ngành khai khoáng giảm sút mạnh (giảm 5,9%).

Nguyên nhân là do giá dầu thô giảm dẫn đến sản lượng dầu thô khai thác giảm mạnh so với cùng kỳ (giảm 9,9%, trong khi đó cùng kỳ năm 2015 tăng 7,8%). Sản xuất than giảm do gặp nhiều khó khăn trong khai thác và tiêu thụ sản phẩm (sản lượng khai thác giảm 3,1%, tiêu thụ 11 tháng giảm 5,6%). Bên cạnh đó, giá của nhiều loại khoáng sản khác cũng suy giảm khiến cho nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất.

Một nguyên nhân khác là do cầu tiêu dùng trong và ngoài nước tăng trưởng chậm lại (chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng giảm 4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2015) kết hợp với giá hàng hóa xuất khẩu ở mức thấp đã không khuyến khích sản xuất.

Thứ hai, chỉ số sản xuất sản phẩm trung gian thấp hơn so với chỉ số sản xuất sản phẩm phục vụ sử dụng cuối cùng cho thấy, sản phẩm trung gian trong sản xuất công nghiệp của nước ta còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nhập khẩu và tỷ lệ nội địa hóa thấp. Qua đây cũng cho thấy rõ hơn ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp dệt may, da giày, sản xuất ô tô, tivi và máy vi tính... Chẳng hạn, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 09 chỗ ngồi: mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7 - 10%.

Thứ ba, tăng trưởng sản xuất công nghiệp tiếp tục dựa vào bề rộng khi các chỉ số tăng trưởng chủ yếu là do tăng số doanh nghiệp, tăng vốn đầu tư và lao động. Trong khi năng suất lao động, giá trị gia tăng vẫn còn thấp, do đó, năng lực cạnh tranh công nghiệp vẫn còn ở mức thấp so với thế giới. Theo báo cáo năm 2016 của UNIDO, chỉ số thực thi về năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam đứng thứ 50 trên thế giới.

Thứ tư, chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp mặc dù đã đúng hướng nhưng chậm và chưa bền vững. Sản xuất công nghiệp vẫn chưa tham gia được nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là trong các ngành sản xuất cho xuất khẩu như dệt may, da giày... Việt Nam cơ bản mới chỉ có thể tham gia vào khâu gia công với giá trị gia tăng thấp, trong khi vẫn tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, do đó không ổn định được nguồn cung lẫn nguồn cầu.

 Thứ năm, quy hoạch phát triển ngành vẫn còn một số bất cập, chưa đảm bảo được hiệu quả trong thực thi; phát triển công nghiệp ở nhiều ngành chưa bền vững; vấn đề sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng còn hạn chế; một số dự án sản xuất lớn bị thua lỗ, chưa được giải quyết dứt điểm...

 

Đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành công nghiệp toàn quốc đó là sự tăng trưởng cao của một số địa phương như Quảng Nam tăng 30%; Thái Nguyên tăng 24%; Hải Phòng tăng 16,8%; Đà Nẵng tăng 13,1%; Bình Dương tăng 10,3%; Hải Dương tăng 8,9%; Đồng Nai tăng 8,5%; Cần Thơ tăng 8,3%.

Mặc dù vậy, vẫn còn một số địa phương có mức tăng trưởng thấp và chưa đạt như kỳ vọng, do đó đã kéo lại mức tăng trưởng công nghiệp chung của toàn nền kinh tế như Quảng Ninh tăng 0,9%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 6,3%. Trong khi đó, các trung tâm công nghiệp lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đều mức tăng thấp tương ứng 7,4% và 7%.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh